Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA TRÀM CHIM VIỆT NAM

 

Nằm ở hạ lưu sông Mêkông và trung tâm Đồng Tháp Mười, cách sông Tiền khoảng 25km về phía Tây, gần biên giới Việt Nam – Campuchia, khu Tràm Chim Đồng Tháp có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với mênh mang sông nước, một màu xanh của rừng Tràm ngút ngàn và thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài thực vật khác nhau. Vùng đất này cũng chính là nơi cư trú loài chim Sếu đầu đỏ nổi tiếng trên thế giới với những vũ điệu thiên nhiên làm mê hoặc lòng người đó là Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Vườn Quốc gia Tràm Chim Đồng Tháp được thành lập ngày 29/12/1998 với vị trí địa lý 10 độ 37’ đến 10độ 46’ độ Vĩ Bắc, 105 độ 28’ đến 105 độ 36’ độ Kinh Đông. Nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng ngập nước Đồng Tháp Mười nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ, VQG Tràm Chim có diện tích tự nhiên 7.313 ha, dân số xung quanh Vườn khoảng 50.000 người, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Toạ độ địa lý:  Từ 10 độ 37' đến 10 độ 46' vĩ độ bắc và từ 105 độ 28' đến 105 độ 36' kinh độ đông.

Quy mô diện tích:  Tổng diện tích là 7,588 ha, rong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 6.889 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 653 ha, phân khu hành chính và dịch vụ là 46 ha.

Mục tiêu, nhiệm vụ:  Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long thành mẫu chuẩn sinh thái quốc gia về đất ngập nước vùng lụt kín.

Bảo tồn các giá trị độc đáo về văn hoá, lịch sử và nghiên cứu, khai thác hợ lú hệ sinh thái của vùng vì lợi ích quốc gia và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, sinh thái chung của Vùng Đông Nam Á.

Cơ quan/cấp quản lý:  Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp

 

 

 
Cồng cộc - Pharacrocorax niger - Ảnh: Nguyễn Anh Thế
 

Hệ động vật:
Đây là nơi cư trú của hơn 130 cá nước ngọt chiếm khoảng ¼ số loài cá của Đồng bằng sông Cửu Long, 132 loài chim nước với 32 loài chim quý hiếm được ghi vào sách đỏ của Việt Nam và Thế giới như: Ngan cánh trắng Cairina scutulataÔ tác, Công đất Houbaropsis bengalensis, Choi choi lưng đen Charadrius peroniiĐại bàng đen Aquila clanga, Cổ rắn Anhinga melanogaster, Cò thìa Platalea minor, Bồ nông chân xám Pelecanus philippensis, Cò lạo Ấn Độ, Giang sen Mycteria leucocephala… đặc biệt là Sếu cổ trụi Grus antigone
Về môi trường sống: Có 42% số loài sử dụng đầm lầy nước ngọt, 10% số loài sử dụng đồng cỏ, 8% số loài sử dụng rừng ngập nước, 2% sử dụng các con kênh có cây bụi, cây gỗ, 38% còn lại sử dụng tổng hợp các môi trường sống nói trên.
Thủy sản: Có 55 loài cá chia thành 02 nhóm chính: Nhóm cá nước tĩnh và nhóm cá ưa nước chảy
Thủy sinh vật: Có 185 loài thực vật nổi, 93 loài động vật nổi, 90 loài động vật đáy.
Lớp thú: Khoảng 15 loài gồm các loài như Rái cá thường Lutra lutra, Rái cá lông mượt Lutrogale perspicillata, Sóc đỏ bụng Callosciurus erythraeus, Dơi quả lưỡi dài Eonycteris spelaea
Các loài lưỡng cư, bò sát: Khoảng 44 loài gồm: Rắn nước Xenochrophis flavipunctatus, Rắn bù lịch Enhydris jagori, Rắn vi voi Enhydris bocourti, Rắn lục đuôi đỏ, Rắn hoa cỏ nhỏ .

Hệ thực vật:
Với các yếu tố tự nhiên: trầm tích, địa mạo, và đặc tính đất khá đa dạng, từ đất xám, phát triển trên nền trầm tích cổ Pleistocen, đến những nhóm đất phù sa mới và đất phèn phát triển trên trầm tích trẻ Holocen đã góp phần làm đa dạng các quần xã thực vật tự nhiên. Kết quả khảo sát 2005–2006 ghi nhận được 130 loài thực vật, với 6 kiểu quần xã đặc trưng như:
Quần xã sen
Quần xã lúa ma
Quần xã năng
Quần xã cỏ ống
Quần xã mồm mốc
Quần xã tràm
Các quần xã này phân bố xen kẻ với nhau tạo thành hệ sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Hệ sinh thái rừng tràm ở khu du lịch sinh thái Tràm Chim Đồng Tháp
Các khu rừng tràm trong VQG là các khu rừng được trồng ở độ tuổi từ 4 đến 25, mật độ biến thiên trong khoảng từ 5.000-20.000 cây/ha. Rừng tràm Melaleuca cajuputi là thảm thực vật thân gỗ có diện tích lớn nhất, diện tích khoảng 3.000 ha. Do tác động con người, hầu hết những cánh rừng tràm nguyên sinh đã biến mất và hiện nay chỉ còn lại là những cánh rừng tràm trồng, thuộc loài Melaleuca leucadendra họ Myrtaceae, nhưng do được bảo tồn nhiều năm nên có những cụm tràm phân bố theo kiểu tự nhiên. Hai kiểu phân bố được ghi nhận: tập trung và tràm phân tán.
Tràm phân tán có sự hiện diện thảm cỏ xen kẻ gồm các loài Năng ống Eleocharis dulcis, Cỏ mồm Ischaemum rugosumI.indicum, Hoàng đầu ấn Xyris indica, Nhỉ cán vàng Utricularia aurea, Cỏ ống Panicum repens, Súng Nymphaea lotus. Các loài chim thường gặp ở vùng này là Cú muỗi Caprimulgus macrurus, Chèo bẻo Dricrurus macrocercus, Hút mật Aethopiga siparaja, Vành khuyên Zosterops palpebrosa, Chim sẻ Carpodacus erythrinus, Chim én Apus affinis, Rẻ quạt Rhipidura javanica, Chích chòe Lucustella saularis.

Quần xã sen - Nelumbo nucifera
Kiểu quần xã này thường xuất hiện ở nơi có đất thấp như bưng, lung, trấp, vùng đầm lầy gần như ngập nước quanh năm không khô hẳn vào mùa khô. Đây là những vùng đất thấp trũng có thời gian ngâp nước quanh năm hoặc gần như quanh năm nên ít cháy vào mùa khô.
Hội đoàn sen – súng Nelumbium nelumbo – Nymphaea sp; chủ yếu trên các vùng đầm lầy ngập nước quanh năm, dọc theo khu trũng thấp của dòng sông cổ. Những loài chim thường gặp ở đây là Le hôi Tachybaptus raficollis, Le khoang cổ Nettapus coromandelianus, Vịt trời Anas poecilorhyncha, Xít Porphyrio porphyrio, Trích ré, Gà lôi nước Hydrophasianus chirurgus, Gà nước vằn Rallus striatus, Cuốc ngực nâu Porzana fusca, Mòng két Anas crecca, Bói cá Ceryle rudis
Đây là nơi trú ẩn của các loài bò sát như Rắn nước Xenochrophis flavipunctatus, Rắn bù lịch Enhydris jagori, Rắn vi voi Enhydris bocourti, Rùa, Cua đinh, rái cá và các loài cá thuộc nhóm cá nước tĩnh như lươn, loài thuộc họ Cá lóc Channidae, họ Cá trê, họ Cá rô đồng Anabantidae.

 

 

 
Le hôi - Tachybaptus ruficollis - Ảnh: Nguyễn Anh Thế
 

Quần xã lúa ma - Oryza rufipogon
Lúa ma hay lúa trời, là kiểu sinh cảnh độc đáo của những vùng đồng bằng ngập nước theo mùa. Nhưng ngày nay diện tích của kiểu thảm thực vật này còn rất ít. Ở VQG Tràm Chim, cây lúa ma có độ ưu thế cao nhất 53%, kế đến là cỏ bắc hoặc cỏ ống tùy theo vùng, các loài khác như rau dừa, năng ống, u du .v.v… chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Các quần xã lúa ma là nơi ăn, sinh sản và trú ẩn của các loài Xít Porphyrio porphyrio, Vịt trời Anas poecilorhyncha, Le khoang cổ Nettapus coromandelianus, Diệc lửa Ardea purpurea, Diệc xám Ardea cinerea,. Các loài khác như Diệc lửa Ardea purpurea, Diệc xám Ardea cinerea, Cú Turnix syluatica, Giang sen Mycteria leucocephala, Già đãy Leptoptilos dubius ăn ở đồng lúa ma, ngủ và sinh con ở các nơi khác như rừng tràm, đồng sậy.
Đồng lúa ma Oryza rufipogon; phân bố khá rộng. Tuy nhiên đồng lúa ma Oryza rufipogon thuần loài có diện tích khá nhỏ, khoảng 33 ha, diện tích còn lại có sự hiện diện của lúa ma là sự hổn hợp với những loài thực vật khác tạo thành những quần xã thực vật đặc trưng cho vùng đất ngập nước: lúa ma – cỏ ống O.rufipogon – Panicum repens; lúa ma – cỏ bắc Oryza rufipugon – Leersia hexandra, khoảng 160 ha; lúa ma – cỏ ống – cỏ chỉ O.rufipugon – P. repens – Cynodon dactylon.

Quần xã cỏ ống - Panicum repens
Kiểu quần xã này thường xuất hiện ở những nơi có độ cao khác nhau nhưng phổ biến và chiếm ưu thế ở những nơi đất cao. Ở những gò cao, độ che phủ của cỏ ống chiếm đến trên 90%. Nơi đất thấp cỏ ống mộc thành từng đám chiếm khoảng 50% diện tích chung xen kẻ với mực nước trong đó có sự hiện diện của nhĩ cán vàng, nhĩ cán tím và năng ống. Cỏ ống phân bố trên một diện rộng, thuần loài với mật độ lên đến 98% hoặc cùng xuất hiện với các loài thực vật thân thảo khác: cỏ ống – cỏ xã Panicum repens – Cymbopogon citratus, chủ yếu trên đất giồng cổ; cỏ ống – lúa ma Panicum repens – Oryza rufipogon, cỏ ống – cỏ chỉ Panicum repens – Cynodon dactylon; Cỏ ống – Mai dương Panicum repens – Mimosa pigra, đây là khu quần xã cỏ ống bị mai dương Mimosa pigra xâm hại.
Những loài chim thường gặp ở đồng cỏ ống là: Công đất Eupodotis bengalensis, Chiền chiện Prinia flaviventris, Sơn ca Alauda gulgula, Sẻ bụi Saxicola caprata , Trảu đầu hung Merops orientalis, Cú Tyto capensis, Cò Ardeola bacchus, Giang sen Mycteria leucocephala, Già đãy lớn Leptoptilos dubius, Chích đầm lầy Locustella certhiola.

Quần xã năng  - Eleocharis dulcis
Kiểu quần xã này thường xuất hiên ở độ cao trunh bình. Năng ống có độ ưu thế cao nhất 45-50%, kế đến là cỏ ống hoặc năng kim tùy theo vùng, các loài khác như cỏ chỉ, lúa ma, mồm mốc chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Các quần xã năng ống là thức ăn của các loài tiêu biểu như sếu, giang sen và già đẩy.
Đồng cỏ năng Eleocharis sp. tạo thành một trong những thảm cỏ rộng lớn; bao gồm đồng cỏ năng kim Eleocharis atropurpurea – đây là bãi ăn của loài chim sếu Grus antigone, năng ống Eleocharis dulcis và hợp với các loài khác tạo thành quần xã thực vật: năng kim – năng ống E.atropurpurea – E.dulcis, vài nơi xuất hiện của hoàng đầu ấn Xyris indica; năng kim – cỏ ống E.atropurpurea - P.repens; năng ống – cỏ ống E. dulcis – P.repens; năng ống – cỏ ống – lúa ma E.dulcis – P.repens – O.rufipogon; năng ống – cỏ ống – cỏ chỉ E.dulcis – P.repens – C.dactylon. Những nơi có địa hình thấp và ngập nước quanh năm thì xen lẫn
trong quần xã năng là những loài thực vật thủy sinh như Nhỉ cán vàng Utricularia aurea, Súng ma Nymphaea indicum, Rong đuôi chồn Ceratophyllum demersum.
Những loài chim thường gặp: Sếu Grus antigone, Cò trắng Egretta gaetta, Cò bợ Ardeola bacclus, Vịt trời Anas poecilorhyncha, Le khoang cổ Nettapus coromandelianus, Diệc lửa Ardea purpurea, Diệc xám Ardea cinerea, Cò lửa Ixobrychus sinensis

Quần xã mồm mốc - Ischaemum rugosum
Kiểu quần xã này thường xuất hiện ở độ cao trung bình. Số liệu từ các ô mô tả cho thấy, mồm mốc có độ ưu thế cao nhất 78%, kế đến là cỏ bắc, cỏ ống và các loài khác như rau dừa, nút áo, cỏ chỉ. Ở những nơi thích hợp, mồm mốc mọc dày và các nhánh trên của nó tạo thành một trần dày cách mặt đất khoảng 20-50cm, được các thân chống chịu. Đây là nơi thích hợp cho nhiều loài chim làm tổ và trú ẩn khi bị kẻ thù đe dọa. Độ che phủ của cỏ mồm mốc là được Larsen 1996 chọn làm một biến để xây dựng mô hình ước tính sự hiện diện của một số loài chim.
Đồng cỏ mồm Ischaemum sp.; chiếm diện tích khá nhỏ so với các cộng đồng thực vật khác. Bao gồm mồm đơn thuần và quần xã mồm – cỏ ống Ischaemum sp. – Panicum repens. Phân bố hiện diện chủ yếu trên những dải liếp, bờ đất có địa hình cao cục bộ trong một vùng địa hình thấp.
Những loài chim thường gặp ở đồng cỏ mồm gồm có Cồng cộc Pharacrocorax niger, Chiền chiện Prinia flaviventris, Cò bợ Ardeola bacchus, Cò lửa Ixobrychus sinensis, Cút nhỏ Turnix syluatica, Diệc lửa Ardea purpurea, Diệc xám Ardea cinerea, Cú Turnix syluatica, Giang sen Mycteria leucocephala, Già đãy Leptoptilos dubius.

Hoạt động du lịch:  Ở Đồng Tháp có 2 mùa khô và mưa. Mùa mưa lũ ngập mênh mông kéo dài từ 2 đến 5 tháng đã tạo cho Đồng Tháp những cảnh quan đất ngập nước đẹp. Đây là mẫu chuẩn sinh thái duy nhất còn laih của vùng Đồng Tháp Mười. Cùng với các vùng đất ngập nước khác như Gò Thpá, Xeo Quýt Đồng Tháp và Láng Sen Long An là những căn cứ địa cánh mạng của các thời kỳ chiến tranh chống ngoại xâm. Hàng năm vào cuối tháng 12, khi mùa lũ qua, khí hậu trở nên dịu mát là lúc chim sếu bay về Tràm Chim, hiện tượng này kéo dài hết tháng 4. Đây là thời điểm du khách có thể ngắm nhìn sếu bay đi và về sau lúc sáng sớm và chiều muộn sau cánh rừng tràm. Khách đến Tràm Chim chủ yếu để du lịch sinh thái, khách có thể du thuyền trên những kênh rạch để tìm hiểu văn hoá của cộng đồng địa phương.

 

 

 
 

Nguồn: Vườn quốc gia Chàm Chim Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này