NGHỊ ĐỊNH 159/2007/NĐ-CP VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNGBẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN (PHẦN 2)
- Thực vật rừng và bộ phận của chúng ngoài gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA xử phạt từ 1 lần đến 2 lần giá trị tang vật; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.
d) Người điều khiển phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép đồng thời là chủ lâm sản hoặc không có cơ sở để xác định lâm sản vận chuyển trái phép là của người khác thì bị xử phạt theo quy định tại điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản này và còn bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 của Điều này.
2. Đối với chủ phương tiện
Chủ phương tiện bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này (trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép).
3. Đối với chủ lâm sản:
a) Chủ lâm sản vận chuyển lâm sản không có giấy tờ chứng minh lâm sản hợp pháp thì bị xử phạt như sau:
- Đối với động vật rừng hoặc bộ phận của chúng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này;
- Đối với động vật rừng hoặc bộ phận của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định này;
- Đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm IV đến nhóm VIII xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này;
- Đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm I đến nhóm III xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này;
- Đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định này;
- Thực vật rừng và bộ phận của chúng ngoài gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA xử phạt từ 1,5 lần đến 2,5 lần giá trị tang vật; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.
b) Trường hợp vận chuyển gỗ có giấy tờ và nguồn gốc hợp pháp nhưng khối lượng gỗ vận chuyển vượt quá sai số cho phép thì xử phạt phần vượt quá sai số cho phép theo quy định tại khoản 1 Điều này.
c) Chủ lâm sản vận chuyển lâm sản có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về trình tự, thủ tục quản lý thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.
4. Người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ CITES, Giấy phép vận chuyển đặc biệt; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời hạn 6 tháng.
b) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm a, b khoản 3 Điều này.
c) Tịch thu phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép (trừ trường hợp phương tiện đó bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép) thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vi phạm có tổ chức;
- Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
- Người vi phạm chống người thi hành công vụ;
- Sử dụng xe hai ngăn, hai đáy, hai mui, xe không có đăng ký do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, đeo biển số giả hoặc cải hoán xe con để vận chuyển trái phép lâm sản.
- Hậu quả của hành vi vi phạm tính bằng khối lượng hoặc giá trị lâm sản tính bằng tiền như sau:
+ Đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IV đến nhóm VIII từ 1,5m3 trở lên; nhóm I đến nhóm III từ 1m3 trở lên;
+ Đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA từ 0,5m3 trở lên; nhóm IA (trường hợp đã khởi tố chuyển lại hồ sơ để xử phạt hành chính) từ 0,3m3 trở lên;
+ Thực vật rừng và bộ phận của chúng (ngoài gỗ) thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA có giá trị từ 15.000.000 đồng trở lên; nhóm IA có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên;
+ Đối với động vật rừng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên; loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ 1.500.000 đồng trở lên; loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc bộ phận của chúng (trường hợp đã khởi tố chuyển lại hồ sơ để xử phạt hành chính) có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên.
5. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc thanh toán chi phí cứu hộ hoặc tiêu huỷ đối với động vật hoang dã bị thương hoặc bị chết, chi phí thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
b) Buộc đưa hành khách đến bến hoặc thanh toán chi phí đưa hành khách đến bến nếu sử dụng xe đang chở khách để vận chuyển lâm sản trái phép.
Điều 22. Mua, bán, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép
Hành vi mua, bán, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép là việc tiến hành các hành vi này mà không có giấy tờ hợp pháp hoặc có giấy tờ hợp pháp nhưng không đúng với nội dung giấy tờ đó hoặc không có giấy phép trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép.
Người có hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép bị xử phạt như sau:
1. Đối với hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm IV đến nhóm VIII:
a) Phạt tiền 500.000 đồng/m3 đến 700.000 đồng/m3 nếu vi phạm đến 6m3.
b) Phạt tiền 700.000 đồng/m3 đến 1.000.000 đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 6 m3 đến 15m3.
c) Phạt tiền 1.000.000 đồng/m3 đến 2.000.000 đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 15 m3 đến 20 m3.
2. Đối với hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm I đến nhóm III:
a) Phạt tiền 700.000 đồng/m3 đến 1.000.000 đồng/m3 khi vi phạm đến 4 m3.
b) Phạt tiền 1.000.000 đồng/m3 đến 1.500.000đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 4 m3 đến 10 m3.
c) Phạt tiền 1.500.000 đồng/m3 đến 2.500.000 đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 10 m3 đến 15 m3.
3. Đối với hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA:
a) Phạt tiền 1.500.000 đồng/m3 đến 2.000.000 đồng/m3 nếu vi phạm đến 3 m3.
b) Phạt tiền 2.000.000 đồng/m3 đến 2.500.000đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 3 m3 đến 6 m3.
c) Phạt tiền 2.500.000 đồng/m3 đến 3.500.000 đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 6 m3 đến 10 m3.
4. Đối với hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh động vật rừng hoặc bộ phận của chúng, xử phạt theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này.
5. Người vi phạm quy định tại Điều này, ngoài việc bị phạt tiền còn bị tịch thu lâm sản.
Điều 23. Vi phạm thủ tục hành chính trong mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ cơ sở chế biến, kinh doanh, mua, bán lâm sản không ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng/m3 đến 200.000 đồng/m3 nhưng tối đa không quá 10.000.000 đồng đối với chủ lâm sản vận chuyển, mua, bán, cất giữ gỗ rừng tự nhiên có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về trình tự, thủ tục quản lý.
Phạt tiền từ 30.000 đồng/m3 đến 50.000 đồng/m3 nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng đối với chủ lâm sản vận chuyển, mua, bán, cất giữ gỗ rừng trồng, gỗ vườn có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về trình tự, thủ tục quản lý.
3. Phạt tiền từ 0,1 lần đến 0,2 lần giá trị lâm sản, nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng đối với chủ lâm sản chế biến, kinh doanh, vận chuyển, mua, bán thực vật rừng và bộ phận của chúng (ngoài gỗ) thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA; động vật rừng và bộ phận của chúng do gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp không chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về trình tự, thủ tục quản lý.
Chương III. THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 24. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm lâm
1. Kiểm lâm viên đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng.
2. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 2.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.
3. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 10.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 6 của Nghị định này.
4. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép quy định tại điểm b khoản 7 Điều 19, khoản 5 Điều 20, điểm a khoản 4 Điều 21 của Nghị định này; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 6 của Nghị định này.
5. Cục trưởng Cục Kiểm lâm có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép quy định tại điểm b khoản 7 Điều 19, khoản 5 Điều 20, điểm a khoản 4 Điều 21 của Nghị định này; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 6 của Nghị định này.
Điều 25. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định này.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép quy định tại điểm b khoản 7 Điều 19, khoản 5 Điều 20, điểm a khoản 4 Điều 21 của Nghị định này; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 6 của Nghị định này.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép quy định tại điểm b khoản 7 Điều 19, khoản 5 Điều 20, điểm a khoản 4 Điều 21 của Nghị định này; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
4. Cơ quan Kiểm lâm các cấp ở địa phương có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Điều này.
Điều 26. Ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 24 và Điều 25 của Nghị định này vắng mặt thì được uỷ quyền cho cấp phó. Người được uỷ quyền có trách nhiệm thực hiện theo thẩm quyền của cấp trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xử phạt hành chính của mình.
2. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản; có thể uỷ quyền theo từng vụ việc hoặc uỷ quyền có thời hạn.
Điều 27. Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 24, 25 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính.
2. Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định cho mỗi hành vi vi phạm hành chính.
3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:
a) Nếu hình thức, mức xử phạt đối với mỗi hành vi vi phạm đều thuộc thẩm quyền xử phạt của một chức danh thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc chức danh đó.
b) Nếu hình thức, mức xử phạt đối với một trong các hành vi vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền xử phạt của người xử phạt thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.
c) Nếu các hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau thì thẩm quyền xử phạt thuộc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ở nơi xảy ra vi phạm.
4. Các cơ quan chức năng như Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan Kiểm lâm trong việc kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải lập biên bản theo quy định và trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày lập biên bản phải chuyển giao hồ sơ, tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính cho cơ quan Kiểm lâm cùng cấp xử phạt; nếu vụ vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì sau khi tiếp nhận, cơ quan Kiểm lâm chuyển hồ sơ đến cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Nghị định này. Trường hợp các tỉnh, huyện không có cơ quan kiểm lâm, các vụ vi phạm do cơ quan chức năng bắt giữ, chuyển đến Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đó xử phạt theo thẩm quyền. Cơ quan xử lý vi phạm có trách nhiệm thanh toán cho cơ quan chuyển giao hồ sơ các khoản chi phí hợp lý trong quá trình bắt giữ, bảo quản tang vật.
Điều 28. Giải quyết những trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
1. Trong trường hợp mức phạt tiền đối với vụ vi phạm hoặc tang vật, phương tiện của vụ vi phạm có giá trị vượt thẩm quyền xử phạt của cấp mình, thì người đã thụ lý hồ sơ vụ vi phạm phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền để xử phạt trong thời hạn quy định tại Điều 37 của Nghị định này. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm quy định như sau:
a) Trường hợp vụ vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt của nhân viên Kiểm lâm thì chuyển đến thủ trưởng trực tiếp.
b) Trường hợp vụ vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt của Trạm trưởng Trạm kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì chuyển đến Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện hoặc Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ quản lý địa bàn (sau đây viết chung là Hạt Kiểm lâm).
c) Trường hợp vụ vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thì chuyển đến Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra vi phạm xử lý.
d) Trường hợp vượt thẩm quyền của Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, thì chuyển Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm xử phạt.
đ) Trường hợp vụ vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chi cục trưởng Kiểm lâm thì chuyển đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử phạt.
e) Khi xét thấy cần thiết, cấp trên trực tiếp trong hệ thống cơ quan Kiểm lâm có thể lấy vụ vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp dưới lên cấp mình để xử lý.
2. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt được thực hiện qua hệ thống cơ quan Kiểm lâm. Lâm sản, phương tiện vi phạm đang tạm giữ, cơ quan ra quyết định tạm giữ phải bảo quản tại nơi tạm giữ, chờ quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi có quyết định xử phạt, cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm thực hiện theo quyết định xử phạt đó.
Chương IV. ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN
Điều 29. Khám người, tạm giữ người theo thủ tục hành chính
1. Khám người theo thủ tục hành chính, thực hiện theo quy định tại Điều 47 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
2. Tạm giữ người theo thủ tục hành chính thực hiện theo quy định tại các Điều 44, 45 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Điều 30. Khám phương tiện vận tải, đồ vật
Khi có căn cứ để nhận định rằng các phương tiện vận tải, bao túi, thùng chứa hàng... có cất giấu lâm sản trái phép, Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, công chức Kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát lâm sản, sử dụng cờ hiệu, biển báo hiệu, còi, hoặc đèn pin (trường hợp trời tối) báo hiệu yêu cầu người điều khiển phương tiện vận tải trên đường bộ, đường thuỷ dừng lại để kiểm soát lâm sản. Việc khám phương tiện, đồ vật thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Điều 31. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Những người quy định tại điều 45 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thuộc lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng khác quy định tại khoản 4 Điều 27 của Nghị định này, khi thực hiện thẩm quyền thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được quyền quyết định khám hiện trường rừng, hiện trường nơi cất giấu lâm sản, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 49 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Trong trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nơi ở thì quyết định khám phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi tiến hành. Nơi ở quy định tại Điều này là địa điểm dùng để cư trú thường xuyên cho cá nhân hoặc hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú; có đăng ký phương tiện, nếu phương tiện là nơi cư trú thường xuyên của cá nhân, hộ gia đình.
Điều 32. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
1. Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng và những người khác quy định tại Điều 45 và Điều 46 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính có quyền tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính.
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
2. Thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính như sau:
a) Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính không quá 10 ngày.
b) Đối với vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh thì thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính được kéo dài nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.
Thời gian tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, b, khoản 2 Điều này được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Chương V. THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT
Điều 33. Đình chỉ hành vi vi phạm hành chính
Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều từ Điều 8 đến Điều 23 của Nghị định này hoặc những hoạt động của cá nhân, tổ chức có nguy cơ gây cháy rừng, gây thiệt hại đến rừng, người có thẩm quyền xử phạt phải có phương án xử lý đình chỉ ngay các hoạt động này. Phương án xử lý đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc bằng lời nói, còi, tín hiệu hoặc các hình thức khác tuỳ từng trường hợp vi phạm cụ thể. Sau khi xử lý đình chỉ các hoạt động gây nguy hại đến rừng, công chức Kiểm lâm phải báo cáo ngay thủ trưởng cấp trên trực tiếp của mình.
Điều 34. Xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản
Là trường hợp người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản mà ra quyết định xử phạt tại chỗ.
1. Những trường hợp được tiến hành xử phạt theo thủ tục đơn giản:
a) Hành vi vi phạm hành chính mà mức phạt quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng.
b) Nhiều hành vi vi phạm hành chính do một người thực hiện mà mức phạt quy định đối với mỗi hành vi này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản phải thể hiện bằng văn bản theo mẫu quy định. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính phát hành.
Điều 35. Lập biên bản về vi phạm hành chính
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp người lập biên bản không có thẩm quyền xử phạt thì thủ trưởng của người đó là người có thẩm quyền xử phạt phải ký tên vào biên bản, nếu thấy cần thiết thì tiến hành xác minh trước khi ký vào biên bản.
2. Đối với cơ quan chức năng quy định tại khoản 4 Điều 27 của Nghị định này, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì tiến hành lập biên bản, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm theo quy định. Biên bản do các cơ quan chức năng lập, chuyển giao là cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính.
3. Đối với chủ rừng, khi phát hiện quả tang cá nhân, tổ chức đang thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lâm phận của mình quản lý được quyền tạm giữ, lập biên bản phạm pháp quả tang, dẫn giải người vi phạm, bàn giao hồ sơ, người vi phạm cho cơ quan Kiểm lâm hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm. Biên bản phạm pháp quả tang do chủ rừng lập là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính.
4. Trường hợp phát hiện tang vật, phương tiện vi phạm vô chủ, vắng chủ thì người quy định tại khoản 1, 2 Điều này lập biên bản kiểm tra, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và tiến hành điều tra, xác định người vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ rừng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Kiểm lâm để lập biên bản kiểm tra các tang vật, phương tiện vô chủ, vắng chủ tại lâm phận của mình. Việc xử lý lâm sản vô chủ, vắng chủ đối với chủ rừng theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này.
Điều 36. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
1. Sau khi xác định hành vi, mức độ vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào các yếu tố quy định tại Điều 3 của Nghị định này để xem xét, quyết định hình thức và mức phạt đối với từng hành vi vi phạm.
2. Cách xác định mức tiền phạt
a) Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tiền phạt tối thiểu cộng với mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt đó; trường hợp phạt theo số lần giá trị lâm sản thì xác định bằng cách chia đôi tổng số của số lần tối thiểu cộng với số lần tối đa của khung phạt đó.
b) Trường hợp vi phạm hành chính mà mức tiền phạt quy định theo đơn vị mét vuông (m2), mét khối (m3), cây, giá trị lâm sản thì cách tính mức tiền phạt trung bình như điểm a khoản 2 của Điều này sau đó nhân với diện tích hoặc khối lượng hoặc số cây hoặc giá trị lâm sản vi phạm.
c) Người vi phạm có tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng phải được xác định mức tiền phạt trung bình theo quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này, sau đó tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà giảm hoặc tăng so với mức tiền phạt trung bình nhưng không được giảm thấp hơn mức thấp nhất của khung tiền phạt nhân với diện tích hoặc khối lượng hoặc số cây hoặc giá trị lâm sản vi phạm hoặc không tăng cao quá mức cao nhất của khung tiền phạt nhân với diện tích hoặc khối lượng hoặc số cây hoặc giá trị lâm sản vi phạm và không quá 30.000.000 đồng.
3. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng thể thức, trình tự, thủ tục và đúng mẫu quy định. Nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đầy đủ theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 45 của Nghị định này thì phải ghi rõ trong quyết định xử phạt.
Điều 37. Thời hạn ra quyết định xử phạt
1. Thời hạn ra quyết định xử phạt
a) Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính.
b) Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp như tang vật, phương tiện cần giám định, cần xác định rõ đối tượng vi phạm hành chính hoặc những tình tiết phức tạp khác thì thời hạn ra quyết định xử phạt không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính.
Trường hợp nếu cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất 10 ngày, trước khi hết thời hạn xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải làm văn bản báo cáo lên người có trách nhiệm cấp trên trực tiếp gia hạn để xin gia hạn; thời gian gia hạn tối đa không quá 30 ngày.
c) Thời hạn ra quyết định xử phạt được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
2. Trình tự gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt như sau:
a) Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm trực thuộc.
b) Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ.
c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
đ) Cục trưởng Cục Kiểm lâm gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Đội Kiểm lâm đặc nhiệm và đối với vụ vi phạm do mình xử phạt.
3. Các trường hợp không được ra quyết định xử phạt
a) Đã hết thời hạn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
b) Đã hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này mà không xin gia hạn hoặc đã xin gia hạn nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn.
c) Đã hết thời hạn được cấp có thẩm quyền gia hạn.
4. Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 6 của Nghị định này và tịch thu lâm sản là tang vật vi phạm hành chính.
Điều 38. Quyết định buộc khắc phục hậu quả; tịch thu tang vật vi phạm hành chính trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Trong trường hợp quá thời hiệu xử phạt quy định tại Điều 4 của Nghị định này hoặc quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 37 của Nghị định này, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn có thể quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này.
Quyết định buộc khắc phục hậu quả phải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định.
2. Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt do quá thời hạn, người có thẩm quyền xử phạt vẫn có thể ra quyết định tịch thu lâm sản là tang vật vi phạm hành chính.
Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính trong trường hợp quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định.
Điều 39. Xác định trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
1. Sau khi tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu xét thấy cần phải tịch thu tang vật phương tiện vi phạm thì người đã ra quyết định tạm giữ phải mời đại diện cơ quan tài chính cùng cấp để xem xét, định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại khó định giá hoặc chưa có ý kiến thống nhất giữa người ra quyết định tạm giữ và đại diện cơ quan tài chính thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập hội đồng định giá với sự tham gia của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh và đại diện các cơ quan có liên quan để định giá.
Trường hợp tang vật là các loại lâm sản đã có trong quy định giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì áp dụng theo giá quy định.
2. Trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều này là căn cứ để xác định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Điều 40. Ký và đóng dấu quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người được uỷ quyền ký trực tiếp, không ký thay mặt (T/M) hoặc ký thay (KT).
2. Đóng dấu quyết định xử phạt vi phạm hành chính
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người được uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính được đóng dấu cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó. Dấu được đóng lên 1/3 chữ ký về phía bên trái của chữ ký.
b) Quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có quyền đóng dấu trực tiếp thì quyết định xử phạt được đóng dấu cơ quan của người ra quyết định xử phạt vào góc trái tại phần trên cùng của quyết định, nơi ghi tên cơ quan xử phạt và số, ký hiệu của quyết định xử phạt.
Điều 41. Thu, nộp tiền phạt
1. Thu tiền phạt
a) Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính, đảm bảo thuận tiện cho người nộp phạt. Việc thu tiền phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
b) Người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt tại chỗ trong các trường hợp sau:
- Phạt tiền từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng;
- Xử phạt ngoài giờ hành chính;
- Địa điểm xử phạt tại những nơi xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển hoặc những vùng mà việc đi lại khó khăn.
c) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, đồng thời gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
2. Thời hạn nộp tiền phạt
a) Cá nhân, tổ chức thu tiền phạt tại chỗ đối với các hành vi vi phạm hành chính khi nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước phải đảm bảo nộp đúng, đủ tổng số tiền phạt ghi trong các biên lai thu tiền phạt và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.
b) Trường hợp địa điểm xử phạt vi phạm hành chính ở những nơi xa xôi, hẻo lánh hoặc những vùng mà việc đi lại khó khăn thì người có thẩm quyền xử phạt được phép thu tiền phạt tại chỗ và có trách nhiệm nộp tiền phạt thu được vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt; trường hợp người bị xử phạt không có khả năng nộp phạt tại chỗ thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
c) Trường hợp địa điểm xử phạt vi phạm hành chính ở trên sông, trên biển thì người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt tại chỗ và có trách nhiệm nộp tiền phạt thu được vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ. Trường hợp không nộp phạt tại chỗ thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ.
3. Trường hợp không thu tiền phạt tại chỗ (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này), cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp đủ số tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt có trách nhiệm thông báo kịp thời cho tổ chức của người ra quyết định xử phạt về các trường hợp đã quá thời hạn nộp phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không chấp hành đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính để cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
4. Quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính
a) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
b) Việc sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính đã nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức xử lý vi phạm hành chính phải theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Điều 42. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề
1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính trong các trường hợp sau:
a) Hành vi vi phạm quy định tại Điều 19 của Nghị định này mà mức tiền phạt trung bình trên 10.000.000 đồng.
b) Hành vi vi phạm quy định tại Điều 20, Điều 21 của Nghị định này mà mức tiền phạt trung bình trên 5.000.000 đồng.
2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là người có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với người vi phạm. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người đã ra quyết định xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề về việc đã áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
3. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Điều 43. Xử lý các trường hợp vi phạm do chủ rừng lập biên bản
1. Người có hành vi khai thác rừng trái phép bị xử lý theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này.
2. Lâm sản tịch thu trả lại chủ rừng trong các trường hợp sau:
a) Chủ rừng phát hiện bắt quả tang người vi phạm tại lâm phận của mình.
b) Chủ rừng không bắt được quả tang người vi phạm, nhưng có đủ căn cứ chứng minh lâm sản thuộc rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh do chủ rừng tự bỏ vốn đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ.
Điều 44. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
1. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ:
Đối với tang vật là vật phẩm tươi sống, động vật rừng bị yếu, bị thương không thuộc nhóm IB hoặc lâm sản khác còn tươi không thuộc nhóm IA thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tiền thu được gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu sau đó tang vật bị tịch thu theo quyết định của người có thẩm quyền, thì sau khi trừ chi phí theo quy định của pháp luật, số tiền còn lại nộp ngân sách Nhà nước; trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp.
2. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.
b) Trường hợp người vi phạm tự nguyện nộp tiền bằng giá trị lâm sản tịch thu (theo giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh) thì người có thẩm quyền xử phạt thu tiền, nộp Kho bạc Nhà nước và giao lại lâm sản bị tịch thu, trừ các loại lâm sản thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IA, IB và các loại lâm sản xử lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
c) Phương tiện vi phạm tịch thu chất lượng kém, hết thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật thì Chi cục Kiểm lâm tổ chức, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các cơ quan có liên quan lập biên bản tổ chức bán phế liệu hoặc tiêu huỷ.
d) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không quy định tại khoản 1 hoặc các điểm a, b khoản 2 Điều này xử lý như sau:
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tịch thu sung quỹ nhà nước, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định tịch thu và thông báo đến cơ quan tài chính cùng cấp.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Chi cục Kiểm lâm tổ chức, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các ngành liên quan tổ chức bán đấu giá trong vòng một tháng. Quá thời hạn này mà cơ quan phối hợp được mời không đến hoặc đến không đầy đủ để tổ chức bán đấu giá thì Chi cục Kiểm lâm tổ chức bán đấu giá, nộp tiền vào Kho bạc, sau đó thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp.
đ) Các tỉnh, huyện không có cơ quan kiểm lâm, lâm sản sau khi xử lý tịch thu chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp để tổ chức bán theo quy định hiện hành.
Điều 45. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải giao quyết định cho người xử phạt hoặc thông báo cho người đó đến nhận. Trường hợp đã qua một năm mà người có thẩm quyền không thể giao quyết định xử phạt đến người bị xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó, trừ hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được chấp hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người có hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 65 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
3. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở đơn vị hành chính thuộc tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành. Nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.
Trường hợp vi phạm xảy ra ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn, cá nhân, tổ chức vi phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.
4. Trong trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền đối với người vi phạm mà không tịch thu phương tiện, thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe, giấy tờ cần thiết khác có liên quan hoặc tạm giữ phương tiện vi phạm cho đến khi tất cả những người trong vụ vi phạm bị xử phạt chấp hành xong quyết định xử phạt.
Việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt phải được ghi trong quyết định xử phạt và phải lập biên bản tạm giữ phương tiện đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện và phải ghi rõ lý do tạm giữ. Thời gian tạm giữ phương tiện được áp dụng cho đến khi người vi phạm bị xử phạt chấp hành xong quyết định xử phạt. Ngay sau khi người vi phạm bị xử phạt chấp hành xong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt trả lại phương tiện cho người vi phạm.
Điều 46. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 45 của Nghị định này, nếu người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành.
2. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 66, 67 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Điều 47. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền phải khởi tố vụ án hình sự hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền.
Nghiêm cấm việc giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính.
2. Đối với các trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
3. Cơ quan tiến hành tố tụng không được từ chối việc tiếp nhận hồ sơ trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1, 2 điều này. Trường hợp có đủ căn cứ hành vi vi phạm không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định tại Điều 63 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật, chuyển lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính.
Chương VI. KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 48. Khiếu nại, tố cáo:
Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
Điều 49. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu, không xử phạt kịp thời, không đúng mức, bao che cho người vi phạm, xử phạt vượt thẩm quyền, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, tang vật, phương tiện vi phạm, cố ý cản trở sản xuất, lưu thông hàng hoá lâm sản, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 50. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 139/2004/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phát hiện, lập biên bản trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa xử lý, thì xử phạt theo quy định của Nghị định này.
Các hành vi vi phạm đã có quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa xong vẫn thi hành theo quyết định xử phạt đó.
Điều 51. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, quy định mẫu ấn chỉ thống nhất để cấp cho lực lượng kiểm lâm trong cả nước sử dụngvà triển khai thực hiện Nghị định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì hướng dẫn để thực hiện thống nhất theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 52. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|