CHUỒN CHUỒN KIM NOGUCHIPHAEA MATTII, HÓA THẠCH SỐNG CÁCH ĐÂY HÀNG TRĂM TRIỆU NĂM TẠI KBTTN HÒN BÀ
ĐỖ MẠNH CƯƠNG – (Chuyên gia IUCN về chuồn chuồn ở Việt Nam)
Loài chuồn chuồn kim Noguchiphaea mattii Do, 2008 được mô tả năm 2008 dựa trên mẫu vật con đực duy nhất thu được tại Khu Bảo tồn Tự nhiên Hòn Bà, Diên Khánh, Khánh Hòa. Đây là loài chuồn chuồn thứ 2 trong giống Noguchiphaea được phát hiện trên thế giới. Trong bản mô tả xuất bản năm 2008, Đỗ Mạnh Cương cũng bổ sung ghi nhận mới về loài còn lại của giống Noguchiphaea yoshikoae Asahina, 1976 ở Vườn Quốc gia Tam Đảo (trước đây loài này được xem là đặc hữu của Thái Lan). Những ghi nhận sau này cho thấy loài Noguchiphaea yoshikoaecòn được tìm thấy ở Vườn Quốc Gia Xuân Sơn, Phú Thọ
Mẫu chuẩn của loài Noguchphaea mattii Do, 2008 - Ảnh - ĐỖ MẠNH CƯƠNG
Phân bố của Iridictyon và Noguchiphaea trên thế giới
Loài Noguchiphaea yoshikoae Asahina, 1976 ở Vườn Quốc gia Tam Đảo - Ảnh - ĐỖ MẠNH CƯƠNG
Phát hiện về loài N. mattii và giống Nogucphiaea ở Việt Nam là một trong những phát hiện thú vị nhất trong các nghiên cứu về liên họ Chuồn chuồn kim cánh mầu. Thật vậy, những nghiên cứu về gene Ribosome của Dumon (2005) khi phân tích tất cả các giống thuộc họ Chuồn chuồn kim cánh mầu đã cho thấy sự tương đồng về kiểu gene của giống Iridictyon phân bố ở Nam Mỹ với giống Noguchiphaea tìm thấy ở Thailand và Việt Nam. Sự tương đồng về gene này không chỉ thú vị ở việc trở thành bằng chứng về mối liên hệ giữa 2 khối lục địa Nam Mỹ và khối lục địa Đông Nam Á, khi nhiều triệu năm trước, các khối lục địa còn gắn liền với nhau; mà còn bởi sự khác biệt về hình dạng ngoài của 2 giống này đặc biệt khác biệt. Trước khi có nghiên cứu về DNA của Ribosome do Dumon tiến hành năm 2005, các bằng chứng về hình thái học cho thấy 2 giống này không có quan hệ gần gũi như vậy.