VÌ SAO CÁC LOÀI ẾCH NHÁI LẠI ĐƯỢC QUAN TÂM BẢO TỒN?
Nguyễn Quảng Trường - Viện sinh thái tài nguyên sinh vật |
|
|
Năm 2008 được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế coi là năm dành cho "Amphibian Ark" nhằm thu hút và kêu gọi sự chú ý của thế giới đến công tác bảo tồn các loài ếch nhái. Thuật ngữ "Amphibian Ark" mang nhiều ý nghĩa nhưng "Ark" (tạm dịch là "thuyền lớn") xuất phát từ một câu chuyện thần thoại rằng vị Thánh Noah đã đóng một chiếc thuyền lớn để cứu rất nhiều loài động vật thoát khỏi một trận lụt khủng khiếp. Chính vì thế, thuật ngữ trên hàm ý con người cần có hành động để cứu các loài ếch nhái trước nguy cơ bị tuyệt chủng giống như đưa chúng lên một con thuyền để tránh cơn đại hồng thuỷ tuyệt diệt. Nhóm các chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn các loài ếch nhái (ASG) cũng đã được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) thành lập từ năm 2007. Nhóm này trực thuộc Hiệp hội Bảo tồn loài (SSC) để tập hợp các nhà nghiên cứu và bảo tồn nhằm phát huy hơn nữa các nỗ lực nghiên cứu và bảo tồn ếch nhái trên phạm vi toàn cầu.
|
|
|
|
Bản đồ phân bố lây nhiễm bệnh nấm (Bd) trên ếch nhái trên thế giới ảnh: http://amphibiaweb.org
|
|
Về khía cạnh cổ sinh vật học, dựa trên các mẫu hoá thạch tìm thấy ở Quần đảo Greenland thuộc cực Bắc của bán cầu, các nhà khoa học đã khám phá ra dạng ếch nhái nguyên thuỷ sống cách nay khoảng 360 triệu năm (từ kỷ Đề-vôn). Trải qua thời gian dài tiến hoá, hiện có khoảng hơn 6000 loài ếch nhái được ghi nhận trên toàn cầu. Tuy nhiên, có đến 1/3 hoặc một nửa trong số đó đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới có 120 loài ếch nhái đã bị tuyệt chủng trong những năm gần đây.
Vai trò của các loài ếch nhái?
Ếch nhái được coi là vật chỉ thị môi trường vì nòng nọc của chúng chỉ phát triển được ở môi trường không hoặc ít bị ô nhiễm. Ếch nhái cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn tự nhiên, đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Đối với con người, ếch nhái được sử dụng cho nhiều mục đích: tôn giáo, làm thực phẩm, vật nuôi làm cảnh và làm dược liệu. Ở Việt Nam một loài ếch nhái được nuôi để lấy thịt (ếch đồng, ngoé), làm cảnh (cá cóc, ếch cây) và làm dược liệu (cóc, cá cóc).
Vì sao các loài ếch nhái bị đe doạ tuyệt chủng?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của ếch nhái nhưng theo thống kê thì mất sinh cảnh sống (ảnh hưởng đến 90% số loài đang bị đe doạ) và bệnh nấm được coi là mối đe doạ hàng đầu đối với sự tồn tại của ếch nhái hiện nay. Trước đây người ta nghĩ rằng loại nấm có tên là Batrachochytrium dendrobatidischỉ ảnh hướng đến thực vật có mạch và động vật không xương sống. Nhưng nay, bệnh này đã lây nhiễm sang ếch nhái và đã tiêu diệt rất nhiều loài. Trường hợp nhiễm nấm ở ếch nhái được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998 ở Australia và Panama, sau đó lan rộng ra hầu hết các châu lục. Việt Nam may mắn nằm trong số ít quốc gia chưa phát hiện có lây nhiễm loại nấm này trên các loài ếch nhái, tuy nhiên cững cần hết sức đề phòng việc nhiễm bệnh này từ các nước lân cận. Ngoài ra việc săn bắt quá mức phục vụ nhu cầu của con người cũng góp phần làm suy giảm quần thể các loài ếch nhái ở Việt Nam và nước Đông Nam Á.
|
|
|
|
Cóc tía Bombina maxima Ảnh: Phùng mỹ Trung
|
|
|
|
|
|
|
Ếch giun Ichtyophis bananicus Ảnh: Phùng mỹ Trung
|
|
Những phát hiện mới về ếch nhái ở Việt Nam
Chỉ riêng trong năm 2009 đã có 3 loài mới cho khoa học và 1 loài ghi nhận mới được phát hiện ở Việt Nam. Các loài mới cho khoa học gồm Cóc mày ap-li-bai Leptolalax applebyi phát hiện ở núi Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam), Ếch bám đá hoa Odorrana geminata phát hiện ở núi Tây Côn Lĩnh (tỉnh Hà Giang) và Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), và Ếch cây sần đỏ Theloderma lateriticum phát hiện ở vùng núi Hoàng Liên (tỉnh Lào Cai). Cóc mày vân nam Leptobrachium promustache, một loài trước đây chỉ biết phân bố ở Trung Quốc, cũng lần đầu tiên ghi nhận ở vùng núi cao thuộc tỉnh Lào Cai, Việt Nam
|
|
|
|
Ếch bám đá hoa Odorrana geminata ảnh: Nguyễn Quảng Trường
|
|
|
|
|
|
|
Nhái cây sừng Gracixalus supercornutus ảnh: Nguyễn Quảng Trường
|
|
Hiện trạng bảo tồn các loài ếch nhái ở Việt Nam
Trong số 181 loài ếch nhái hiện biết ở Việt Nam, có loài Cá cóc bụng hoa (hay Cá cóc tam đảo) được luật pháp bảo vệ - ghi trong Nghị Định 32 của Chính phủ (2006); 13 loài bị đe doạ cấp quốc gia - ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007); và 31 loài bị đe doạ cấp toàn cầu - ghi trong Danh lục Đỏ của IUCN (2010). Theo tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) thì Việt Nam nằm trong khu vực điểm nóng về đa dạng sinh học của thế giới, chính vì vậy sự đa dạng về các loài loài bò sát và ếch nhái ở Việt Nam cũng rất cao với hơn 560 loài đã biết. Sự đa dạng về các loài ếch nhái ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục được khám phá nhưng các quần thể ếch nhái trong tự nhiên cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái sinh cảnh rừng tự nhiên, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước, cũng như các hoạt động khai thác không bền vững. Bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam nói chung và các loài ếch nhái nói riêng đòi hỏi nhưng nỗ lực và đầu tư rất lớn từ các cấp quản lý cũng như sự quan tâm của cộng đồng.
Tài liệu tham khảo
Harold G. Cogger, Richard G. Zweifel, 2003. Encyclopedia of Reptiles and Amphibian. Fog City Press, San Francisco, 240 pp.
Nguyen Van Sang, Ho Thu Cuc, and Nguyen Quang Truong, 2009. Herpetofauna of Vietnam. Edition Chimaira, Frankfurt am Main, 768 pp.
http://amphibiaweb.org
http://www.iucnredlist.org ,
http://www.biodiversityhotspots.org/Pages/default.aspx
|