TÀI NGUYÊN CÂY GỖ VIỆT NAM
Con người nguyên thủy cũng sinh ra và kiếm sống đầu tiên trong các cánh rừng già và từ đó dần mở rộng khu vực tìm kiếm thức ăn qua các đồi núi để lan tràn xuống dọc theo các con sông vùng đồng bằng phì nhiêu. Trong sự phát triển lâu dài của toàn bộ hành tinh, vào thời đại Trung sinh (Mesozoic) cách đây trên 100 triệu năm, sinh giới đã có một bước tiến hóa quyết định, đó là sự ra đời của động vật có vú và thực vật hạt kín, hai nguồn tài nguyên lớn nhất cho con người được sinh ra sau này (con người chỉ xuất hiện vào cuối Đại tân sinh (Cenozoic). Con người ngay từ lúc thoát khỏi lốt cầm thú, đã thu lượm các sản phẩm tài nguyên trên các cây gỗ lớn trung bình. Các cây gỗ mà đặc biệt cây gỗ trong ngành thực vật hạt kín cũng trải qua quá trình tiến hóa, thích nghi với môi trường sống luôn biến động để đa dạng hóa, mang nhiều đặc tính quí phục vụ lợi ích của cuộc sống con người. Mối quan hệ giữa con người với cây cỏ, mà nguyên thủy từ các loài cây gỗ đã được thiết lập và ngày càng có nhiều ràng buộc phức tạp.
Cây thân gỗ là loài có thân mọc thẳng (nhóm thực vật tự dưỡng độc lập về mặt cơ giới) luôn có tư cách là những sinh vật “lập quần” (édificateur) để kiến tạo ra các quần xã thực vật đa dạng về tổ thành và cấu trúc. Từ các loài cây gỗ tiên phong trên các diện tích đất nhất định sẽ tạo dựng lên một môi trường thích hợp lôi kéo các loài cây “tùy tùng” và cây “ngẫu nhiên” đến cùng sống, xây dựng nên những sinh cảnh rừng (biotope) sau một thời gian dài chọn lọc tự nhiên. Những cánh rừng nhiều tầng phiên đó là nơi ngụ cư lý tưởng cho các loài động vật, từ đó hình thành ra các biom .
Ở Việt Nam, tài nguyên cây gỗ lớn nhất tập trung vào hai ngành thực vật tiến hóa nhất: Ngành thực vật hạt trần (còn gọi là Ngành Thông: Pinophyta) và Ngành thực vật hạt kín (còn gọi là Ngành Ngọc lan: Magnoliophyta) hiện nay chiếm hầu hết các diện tích đất rừng tự nhiên và gây trồng. Các loài cây gỗ trong ngành thực vật hạt trần được các nhà kinh doanh, làm nghề rừng gọi là Nhóm gỗ mềm” hay nhóm “cây lá kim”, còn cây gỗ trong ngành thực vật hạt kín được gọi là “nhóm gỗ cứng” hay nhóm “cây lá rộng”.
Nhìn chung tài nguyên gỗ trong các loại hình rừng đều có xu hướng giảm sút và tiến tới sa mạc hóa nhiều vùng đất rộng lớn. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) hiện nay chỉ còn 2 nước có tỷ lệ rừng lớn nhất là đảo Salomon (93%) và Papua Tân Ghi nê (85%), còn lại 10 trong 29 nước, tỷ lệ rừng chỉ còn trong phạm vi 50% và 4 nước có tỷ lệ rừng thấp nhất ít hơn 5% (Afganistan, Pakistan, Maldiva và Vanuatu). Tổng diện tích rừng của khu vực này chỉ còn có 658 triệu Ha, phân bố không đồng đều ở các nước: Tất cả đều đang ở trạng thái bị phá hoại, nghiêm trọng, dẫn đến sự mất dần tính đa dạng và giảm sút trữ lượng gỗ.
|
|
|
|
Giác đế hòn bà Goniothalamus flagellistylus loài mới phát hiện ở Việt Nam năm 2015 - Ảnh: Phùng Mỹ Trung |
|
Theo thống kê của ban chỉ đạo kiểm kê rừng tự nhiên trung ương (tháng 3 năm 1993), diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam chỉ chiếm 43% phân chia ra như sau (không đồng đều cho các vùng).
- Tây Nguyên chiếm: 39,35%
- Duyên hải miền Trung: 18,08%
- Khu Bốn cũ: 16,53%
- Khu Trung tâm: 7,9%
- Khu Đông Bắc: 6,01%
- Khu Tây Bắc: 5,57%
- Miền Đông Nam bộ: 5,29%
- Đồng bằng sông Cửu Long: 0,90%
- Đồng bằng sông Hồng: 0,26%
Cùng với diện tích rừng đã thống kê, trữ lượng gỗ toàn quốc là 657.383.700 m3, trong đó:
- Tây Nguyên chiếm: 44,01%
- Duyên hải miền Trung: 20,09%
- Khu Bốn cũ: 17,98%
- Khu Trung tâm: 8,49%
- Khu Đông Bắc: 3,29%
- Khu Tây Bắc: 2,79%
- Miền Đông Nam bộ: 2,89%
- Đồng bằng sông Cửu Long: 0,36%
- Đồng bằng sông Hồng: 0,04%
Trong quá trình sử dụng gỗ, các nhà kinh doanh luôn quan tâm đến các đặc tính cơ học – vật lý và các đặc điểm về thẩm mỹ, trong đó đặc biệt chú trọng đến chỉ tiêu “Tỷ trọng”. Tỷ trọng càng lớn thì gỗ càng tốt, được đo ở trạng thái gỗ còn độ ẩm 15%, và được chia thành các bậc sau:
- Gỗ thật nặng: Tỷ trọng từ 0,95 – 1,40
- Gỗ nặng: Tỷ trọng từ 0,80 – 0,95
- Gỗ nặng trung bình: Tỷ trọng từ 0,65 – 0,80
- Gỗ nhẹ: Tỷ trọng từ 0,50 – 0,65
- Gỗ thật nhẹ: Tỷ trọng từ 0,20 – 0,50
- Gỗ thật nhẹ: Tỷ trọng từ 0,04 – 0,20
Loại gỗ nhẹ nhất thế giới là gỗ của cây Balsa (Ochroma pyramidale) có tỷ trọng 0,12 và loại gỗ nặng nhất gọi là “gỗ thép” ở Nam Mỹ (Krugiodendron ferreum), tỷ trọng đến 1,30. Ngoài tỷ trọng, các đặc tính vật lý khác của gỗ cũng được quan tâm như: sức rắn, sức nén dọc thớ, sức kéo ngay thớ, sức oằn, sức chịu đập...
Tuy nhiên với công nghệ chế biến gỗ hiện đại, việc sử dụng gỗ không chỉ dùng nguyên cả tấm, khối như trước kia mà với việc cắt dạng, ngâm tẩm và dùng hóa chất, các loài gỗ đều được sử dụng rất đa dạng và có hữu ích lý tưởng.
Theo thống kê sơ bộ của các nhà khoa học Việt Nam, chỉ riêng nhóm thực vật bậc cao có mạch (trong đó hai Ngành Thông và Ngành Ngọc Lan chiếm đa số) thì có khoảng trên 12.000 loài. Trong hệ thực vật này, nhóm cây thân gỗ có đến 2.500 loài (*), phân bố hoặc trong các họ thực vật lớn như họ Cà phê (Rubiaceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) họ Đậu (Fabaceae)... hoặc trong các họ trong số loài ít nhưng số cá thể rất lớn, tạo nên các kiểu thảm thực vật tối ưu như họ Dầu (Dipterocarpaceae) họ Long não (Lauraceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Đước (Rhizophoraceae)...
Trong ngành thực vật hạt trần, các họ như họ kim giao (Podocarpaceae), họ Thông (Pinaceae), họ Hoàng đàn (Cupressaceae) đều có các loài cho gỗ quí, vân đẹp, hương thơm, rất bền (không bị mối mọt, mục), lại dễ gia công chế biến. Nhiều loài mọc thành các quần thụ thuần loại vùng núi cao, khí hậu thiên về á nhiệt đới. Ngành thực vật hạt kín, có nhiều họ được các nhà lâm học, các nhà kinh doanh, chế biến quan tâm. Ví dụ như:
- Họ Ngọc Lan (Magnoliaceae) chỉ có 5 chi và trên 25 loài, đều cho gỗ mềm mại, vân gỗ đẹp, có hương thơm, ít bị mối mọt. Một số loài đã được gây trồng rộng rãi cho sản lượng gỗ lớn, phục vụ kinh tế cao. Đa số các loài cây trong họ này đều phân bố ở vùng núi cao miền Bắc Việt Nam.
- Họ Bồ Đề (Styracaceae) có 4 chi và trên 10 loài cho gỗ nhẹ, dễ chế biến, khá bền và được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến, các loài trong họ này đều mọc rộng rãi từ vùng trung du đến vùng núi cao của các tỉnh miền Bắc và miền Trung: Một số loài đã được gây trồng thành rừng thuần loại cho năng suất cao do mọc nhanh. “ Kể các loài cây gỗ nhập nội có giá trị kinh tế cao ”.
- Họ Sồi dẻ (Fagaceae) chỉ có 5 chi và 100 loài hoàn toàn là cây gỗ lớn, gỗ khá nặng, cứng, dùng rất phổ biến trong xây dựng, làm cầu phà, đóng tàu thuyền và các sản phẩm công nghiệp. Đây là 1 họ đặc trưng cho khí hậu ẩm ướt, mát lạnh vùng núi cao miền Bắc và Nam trung bộ.
- Các họ như Họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Xoan (Meliaceae), họ Đậu (Fabaceae) cũng có rất nhiều chi, loài toàn cây gỗ lớn, cho gỗ có vân đẹp, nặng, bền rất thông dụng trong đời sống nhân dân như đóng đồ, làm nhà, làm đồ mỹ nghệ... Nhiều loài trong họ này đang là các loài quí hiếm cần được bảo vệ và phát triển. Các họ này đặc trưng cho rừng rậm ẩm thường xanh mưa mùa nhiệt đới từ Bắc vào Nam.
|
|
|
|
Lan bầu rượu tím Calanthe vestita - Ảnh: Phùng Mỹ Trung |
|
- Họ Dầu (Dipterocarpaceae) chỉ có 7 chi và 45 loài, cùng với họ Đước (Rhizophoraceae) có 5 chi và 9 loài, đều là những cây gỗ lớn, đặc trưng cho các loại hình rừng (từ ngập mặn đến rừng vùng núi) các tỉnh phía Nam Việt Nam. Các loài này đều có số cá thể lớn, làm thành các rừng đặc biệt cho các vùng khí hậu đất đai khắc nghiệp. Đặc biệt họ Đước cùng với các loài trong họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae), họ Bần (Sonneratiaceae), họ Mắm (Avicenniaceae) tạo thành các kiểu rừng ngập mặn ven biển khá độc đáo của nước ta. Các họ có số chi loài lớn như họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Dâu tầm (Moraceae), họ Long Não (Lauraceae) họ Cà phê (Rubiaceae) cũng có số tỷ lệ cây gỗ lớn, cho gỗ từ mềm, nhẹ đến gỗ quí cứng, nặng, không bị mối mọt, và dễ chế biến, gia công. Chúng đặc trưng cho các kiểu rừng thứ sinh nhiệt đới vùng đồi núi thấp lên núi cao, đôi khi là cây tiên phong, ưa sáng mọc nhanh cho sản lượng gỗ lớn, rất quí cho sản xuất công nghiệp.
Hiện nay với công nghệ chế biến và hiện đại, các loài cây gỗ từ nhỏ đến lớn, từ gỗ mềm, nhẹ, màu nhạt đến gỗ cứng, nặng, màu sắc đậm đều được xử lý ngâm tẩm gia công tốt, nên giá trị sử dụng ngày càng được nâng cao và cho nhiều sản phẩm quí và đẹp. Tuy nhiên, theo các tiêu chuẩn tự nhiên về màu sắc, hương vị, tỷ trọng, sức chịu đựng mà các loại gỗ vẫn được phân ra làm 8 nhóm:
- Nhóm I: Nhóm gỗ quí nổi tiếng trên thị trường (trong nước và quốc tế), có vân đẹp, màu sắc óng ánh, bền và có hương thơm như Lát hoa, Cẩm lai, Gõ...
- Nhóm II: Nhóm gỗ nặng, cứng bao gồm các loài có tỷ trọng lớn, sức chịu lực cao, như Đinh, Lim, Nghiến, Táu, Sến...
- Nhóm III: Nhóm gỗ nhẹ và mềm hơn, nhưng sức bền cao, độ dẽo dai lớn, sức chịu lực cao như Sao đen, Chò chỉ, Huỷnh...
- Nhóm IV: Nhóm gỗ có màu tự nhiên, thớ mịn, tương đối bền, dễ gia công chế biến, như Gội, Mỡ, Re...
- Nhóm V: Nhóm gỗ trung bình, có tỷ trọng trung bình, dùng rộng rãi trong xây dựng, đóng đồ đạc như Sồi Dẻ, Trám, Thông...
- Nhóm VI: Nhóm gỗ nhẹ, sức chịu đựng kém, dễ bị mối mọt, dễ chế biến như Rồng rồng, Kháo, Chẹo...
- Nhóm VII: Nhóm gỗ nhẹ, sức chịu lực kém, sức chống mối mọt thấp như Côm, Sổ, Ngát, Vạng...
- Nhóm VIII: Nhóm gỗ nhẹ, sức chịu lực rất kém, khả năng bị mối mọt cao như Sung, Côi, Ba bét, Ba soi...
Các bảng phân loại tạm thời các nhóm gỗ đang được các nhà khoa học đóng góp để chúng có sự sắp xếp chuẩn hóa. Tuy nhiên, về mặt tài nguyên cây gỗ không chỉ cung cấp gỗ cho nhu cầu xây dựng, đóng đồ, làm các công trình công nghiệp mà nhiều loài cây ngoài việc cho gỗ còn đóng góp cho người sử dụng nhiều sản phẩm quí chứa trong các cơ quan của cây.
Trước hết, một số loài cây thân gỗ có khả năng làm thuốc, như nhiều loài trong họ Trúc đào (Apocynaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Viễn chí (Polygalaceae), họ Mùng quân (Flacourtiaceae) họ Ngũ gia bì (Araliaceae), ho Cà phê (Rubiaceae), họ Cam (Rutaceae), họ Hoàng mộc (Berberidaceae)... Các bài thuốc dân gian sử dụng vỏ rè, vỏ thân, cành lá, hoa quả cây gỗ làm thuốc đã có một lịch sử sử dụng lâu đời, do đó sự thống kê cho hết các cây gỗ làm thuốc còn nhiều khó khăn. Song song với làm thuốc, các cây thân gỗ có thể cho các sản phẩm làm chất dinh dưỡng cho con người như cho bột, cho đường, cho quả, cho nước giải khát... Các quả, hạt của các loài trong họ Sồi giẽ (Fagaceae), họ Cam (Arecaceae) (kể cả thân cây) có khả năng cho lượng tinh bột lớn, thay thế cho cả các loại làm lương thực thân cỏ (lúa, ngô, kê, sắn, các loại khoai...), đôi khi còn cho hương vị hấp dẫn hơn. Các loài cây cho bột này có thể chuyển hóa thành đường và từ đó lên men cho rượu.
Cây cho quả ăn để bồi bổ sức khỏe, hoặc cho nước giải khát cũng có rất nhiều loài thân gỗ, đáng kể nhất là các loài trong chi cam (Citrus) của họ Cam (Rutaceae) họ Hồng Xiêm (Sapotaceae), họ Bò hòn (Sapindaceae), họ Đào lộn hột (Anacardiaceae), họ Bứa (Clusiaceae), họ Chua me đất (Oxalidaceae), họ Sim (Myrtaceae), Họ Dâu tằm (Moraceae), họ Na (Annonaceae), đặc biệt các loài cây thân gỗ cho lá, hoa, quả làm nước uống có chất kích thích như lá cây Chè (Họ Chè: Theaceae), lá cây Nhựa ruồi (Ilex), hạt cây Cà phê (họ Cà phê: Rubiaceae), hạt cây ca cao, cây côla (họ Trôm: Sterculiaceae), vỏ thân các loài trong chi Quế, Xá xị (họ Long não: Lauraceae)... Ngoài các loài cây làm thuốc, làm thực phẩm, các sản phẩm của cây gỗ còn cung cấp cho con người nhiều cách sử dụng khác nhau.
|
|
|
|
Một góc Bầu sấu - Vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai - Ảnh: Phùng Mỹ Trung |
|
Các ống dẫn nhựa luyện và các mô dự trữ trong cây cho ra rất nhiều sản phẩm độc đáo, đặc biệt các loại dầu thơm. Đây là các chất hiện được con người khai thác từ lâu đời, bắt nguồn từ các dân tộc phương Đông. Từ nghìn năm trước, ông cha ta đã biết cách sử dụng các hương liệu này để phục vụ cuộc sống. Các dầu thơm trong các họ của Ngành thực vật hạt trần, và thực vật hạt kín như Thông, Trắc Bách, Hoa Hồng, Cam, Chanh, Keo, Long não, Đàn hương, Nhục đậu khấu đều có giá trị lớn, không một loại hóa chất nào thay thế được. Ngoài dầu thơm, các loài cây thân gỗ còn cho nhiều loại dịch nước khác, như:
- Nhựa mủ: dung dịch ở dạng nước trong hay đục như sữa có trong các cây gỗ thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) đặc biệt các loài của chi Cao su (Hevea), họ Chày (Sapotaceae), họ Dâu tằm (Moraceae), họ Trúc đào (Apocynaceae)...
- Nhựa dầu, gôm: các cây gỗ trong rừng nước ta cung cấp rất nhiều dạng nhựa dầu, gôm, keo, quí như gồm các loại keo (Acacia) trong họ Đậu (Fabaceae), các loài Trôm (Sterculia) trong họ Trôm (Sterculiaceae) và rải rác các loài khác trong các họ Chùm ngây (Moringaceae), họ Thanh thất (Simaroubaceae), họ Đào lộn hột (Anacardiaceae), họ Hồng Xiêm (Sapotaceae), họ Bàng (Combretaceae)...
Các loài cây thân gỗ còn cung cấp các loại nhựa dầu trích ra từ thân, rễ cây để phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Các loài trong chi Thông (Pinus), trong họ Thông (Pinaceae) đều cho nhựa dầu quí. Ngoài ra còn có cái chi sao (Hopea), Dầu (Dipterocarpus), Táu (Vatica) trong họ Dầu (Dipterocarpaceae), các chi Rhus, Melanonhea trong họ Đào lộn hột (Anacardiaceae)...
- Dầu béo, sáp, mỡ là các sản phẩm do cây gỗ cung cấp vừa làm thực phẩm, vừa phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Các dầu béo này cho cây tổng hợp được trong các mô dự trữ, các dầu, mỡ này có trong các quả, hạt của nhiều loài cây, như quả Dừa trong họ Cau dừa (Arecaceae), các hạt trong họ Đậu (Fabaceae), họ Đậu lộn hột (Anacardicaceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)...
Cuối cùng các phần khô của cây gỗ (vách tế bào đã chết) cũng cung cấp cho loài người các sản phẩm độc đáo. Đó là các dạng sợi khác nhau khai thác từ vỏ, gõ hay các phần phụ của quả, hạt. Các sợi này có thể bện làm dây hoặc kéo guồng thành sợi để dệt. Vỏ gỗ nhiều loại trong họ Thầu dầu (Euphorbicaceae), họ Dâu tằm (Moraceae), họ Trôm (Sterculiaceae), họ Đay (Tiliaceae) và các loại quả, hạt trong họ Gạo (Bombacaceae) họ Bông (Malvaceae) đều cho các dạng sợi tốt cho công nghiệp dệt.
Vỏ gỗ, vỏ rẽ và lá cây thân gỗ còn cho các chất Tanin để thuộc da, làm thuốc và nhuộm màu các sản phẩm. Các loài cây trong rừng ngập mặn (Mangrove) như Vẹt, Sú, Bần, đước đều chứa tỷ lệ Tanin cao. Ngoài ra còn có các loài trong họ Bàng (Combretaceae), họ Cà phê (Rubiaceae), họ Đậu (Fabaceae) họ Đào lộn hột (Anacardiaceae), cũng cung cấp nhiều Tanin để làm thuốc (làm se khô vết thương), và sử dụng trong công nghiệp.
Các chất màu trong cây (nhựa, quả, hạt) dùng để nhuộm thực phẩm hay các sản phẩm dệt cũng rất phong phú trong các loài cây gỗ. Màu đỏ điều trong hạt Điều (Anacardium) hạt Điều nhuộm (Bixa), màu vàng trong quả cây Dành dành (Gardenia) nhựa các loài trong chi Vàng nhựa (Garcinia), màu xanh lam trong chi Chàm (Strobilanthes), chi Đậu chàm (Indigofera)...
Tài nguyên các loài cây thân gỗ ở Việt Nam còn phục vụ rất nhiều mặt trong đời sống con người, trong khi giới thiệu cụ thể các loài cây, chúng tôi sẽ cố gắng điểm qua các công dụng chính để làm cơ sở cho các nghiên cứu sâu về sau.
Ngày nay, mặc dù với sự phát triển vượt bật của các ngành công nghiệp chế biến khác, phục vụ đời sống con người, nhưng nhu cầu về sử dụng các sản phẩm của cây gỗ vẫn ngày càng gia tăng. Do đó việc tìm hiểu đa dạng về nhóm cây này vẫn phải được đề ra, một mặt phục vụ cho đời sống ngày càng cao của nhân dân, mặt khác phải bảo vệ, tôn tạo được nguồn tài nguyên cây gỗ đảm bảo cân bằng sinh thái, cải tạo nuôi trồng, giữ cho rừng luôn bền vững, cho năng suất cao.
Trần Hợp - Phùng Mỹ Trung
|