BẠN CÓ MUỐN LÀ MỘT NHÀ PHÂN LOẠI HỌC "TAXONOMIST"?
Cho dù bạn có sống nơi nào trên Trái Đất thì quanh bạn hẳn phải có rất nhiều loài sinh vật khác nhau. Đã bao giờ bạn nhìn thấy những chiếc “ăng-ten” của một con bướm hay những chiếc “sừng” của một con ốc sên qua kính lúp chưa ?! Bạn biết một con sâu róm có bao nhiêu chân không?!!...và chắc chắn rằng bạn sẽ còn quan sát thấy rất nhiều con vật mà bạn không biết gọi tên chúng là gì .
Con người ngay từ khi mới xuất hiện, để sinh tồn con người phải tiếp xúc với thiên nhiên, lấy hoa quả hoang dại để ăn, con người hoang sơ phải tìm cách phân biệt cây cối với nhau…Tiến bộ hơn một chút con người biết sử dụng cây để làm nhà cửa, đồ đạc, dụng cụ và sử dụng cây để chữa bệnh… Một yêu cầu thực tế được đặt ra là phải phân loại chúng để sử dụng .
Ngành phân loại học được ra đời với mục đích thực tiễn như thế. Ngay từ khi mới bắt đầu hình thành cho đến tận ngày nay, rất nhiều chuyên gia nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã phải thừa nhận sự phụ thuộc hoàn toàn của các lĩnh vực đó vào phân loại học “ Hệ thống học-phân loại học- là cơ sở chủ yếu của bất kì nghiên cứu khoa học nào ”. Bạn sẽ bật cười và cho rằng thật quá đáng khi nói như vậy!! Con người đang tồn tại ở thế kỉ XXI, con người đã làm được nhiều thứ, không những đã hiểu được thiên nhiên mà còn bắt thiên nhiên phục vụ lại con người và hiện tại không ít các nhà khoa học cho rằng “ Phân loại học đã lỗi thời rồi phải thay vào đó những môn khoa học hiện đại hơn ”.
|
|
|
|
Tái đất ấn Aeginetia indica Ảnh: Phùng mỹ Trung |
|
Chẳng cần bạn phải là một người học chuyên ngành phân loại học, cũng chẳng cần bạn là người yêu thiên nhiên, chỉ cần bạn đọc được khái niệm về phân loại học bạn sẽ dễ dàng chấp nhận “ Không một môn khoa học nào lại có thể cho ta hiểu biết lớn lao về thế giới chúng ta đang sống như phân loại học” (Mayr-1969). Còn nếu bạn là một người nghiên cứu về lĩnh vực sinh học bạn sẽ thừa nhận rằng phân loại học là ngành vừa căn bản nhất lại vừa tổng quát nhất của sinh học. Căn bản nhất bởi vì không thể nghiên cứu được các sinh vật nếu như chưa xây dựng được việc phân loại chúng. Tổng quát nhất là vì phải sử dụng tất cả những kiến thức về sinh học (hình thái, giải phẩu, sinh lí…) để phân loại!!! Toàn là những lí thuyết suông, thật ra trên thực tế phân loại học cho người ta nhiều thứ hơn cả những lí thuyết đó nữa , bạn không tin ư!! Hãy thử một lần tập làm nhà phân loại học (Taxonomist) nhé!
Nếu bạn là sinh viên ngành Sư phạm Sinh của bất cứ trường Đại học nào thì năm thứ 3 bạn sẽ có cơ hội là một Taxonomist thực thụ. Bạn sẽ được đi nghiên cứu thiên nhiên, ăn ngủ với thiên nhiên, thu thập mẫu vật và …phân loại. Thường sinh viên chỉ thích vế đầu thôi còn vế sau giống như một sự “Trả nợ quỷ thần” bởi vì công việc phân loại chẳng đơn giản chút nào. Người làm công tác phân loại sẽ phải tìm đúng tên cho mẫu vật của mình bằng cách tiến hành chọn lựa dấu hiệu này hay dấu hiệu khác, phải phân tích các dấu hiệu thuận tiện nhất, có ý nghĩa chuẩn loại nhất rồi sau đó phải tra các bản khoá để tìm được tên và cách sắp xếp thích hợp nhất. Không ít sinh viên phải âm thầm ngậm ngùi “giấu” bớt mẫu đi vì…không biết xếp nó vào loài nào cho chính xác!!!
Ngày nay khi mà khoa học kĩ thuật đã phát triển vượt bậc, CNTT giúp người ta dễ dàng trao đổi thông tin với nhau thì việc phân loại hay định danh đã bớt phức tạp hơn rất nhiều (Trang Web này là một ví dụ chẳng hạn!!!). Tuy nhiên người ta cũng chẳng mặn mà quan tâm lắm vì nghĩ rằng nó vô bổ!!! Nhưng hãy một lần thử làm Taxonomist để “ tận hưởng ” sự cực nhọc của nó và bạn sẽ thấy một hình ảnh rực rỡ về sự đa dạng của giới hữu sinh trên Trái Đất này !!! Nếu bạn đã từng là một Taxonomist đúng nghĩa bạn sẽ rất tự hào vì bạn đang làm công việc thật to lớn: Cung cấp một phần thông tin đáng kể cho phép dựng lại phát sinh chủng loại của sự sống, có thể xem là nguồn thông tin độc nhất cho nhiều lĩnh vực sinh học, có thể phát hiện nhiều hiện tượng tiến hoá quan trọng, thúc đẩy các lĩnh vực khác của sinh học nghiên cứu các nguyên nhân của chúng, cần thiết nghiên cứu các sinh vật có ý nghĩa kinh tế và y học…và còn nhiều ý nghĩa khác nữa. Vậy hãy một lần tập làm Taxonomist nhé, thử xem!!!
Chúc thành công !!
Phùng Hằng - Đại học Cần Thơ
|