PHÁT HIỆN MỘT LOÀI RẮN MỚI THUỘC GỐNG OLIGODON Ở BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Phùng Mỹ Trung - WebAdmin
Nhà nghiên cứu bò sát người Nga Anna B. Vassilieva mới phát hiện và công bố một loài mới thuộc giống Oligodon ở các khu vực ven biển phía Nam Việt Nam, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, Bà Rịa - Vũng Tàu. Loài mới có tên khoa học là Oligodon arenarius và được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành Zootaxa 4058 (2): 211–226. Tên loài mới là một tính từ bắt nguồn từ chữ Latin "arena" có nghĩa "cát, trên cát", "arenarius" có nghĩa "sống ở vùng cát" nhằm đặc tả môi trường sống ven biển đầy cát và khả năng di chuyên hết sức nhanh nhẹn trên cát của loài này.
Loài Rắn khiếm cát - Oligodon arenarius mới được công bố sau khi so sánh hình thái với các loài rắn Khiếm (Oligodon sp.) khác phân bố trong khu vực. Rắn khiếm cát có kích thước nhỏ, thân hình trụ, mảnh, màu xám nhạt, với các chấm màu đen, hay nẫu sẫm, không đều nằm rải rác ở tất cả các vảy lưng chạy từ đầu đến gần mút đuôi. Có 2 sọc màu nâu ở vảy sát vảy đỉnh đầu kéo dài xuống hai má. Một mảng màu nâu hình ly ngược bắt đầu từ vảy giữa đình đầu kéo dài và mở rộng đến sau gáy. Mõm hẹp, hình tam giác, nhọn ở đỉnh; mút mõm mở rộng và dài hơn hàm dưới; lỗ mũi lớn hình bầu dục; mắt khá nhỏ, khoảng 0,17 lần chiều dài đầu; con ngươi tròn. Có 17 hàng vảy lưng; 6 - 8 vảy má hàm trên ở mỗi bên và 5 - 6 hàng vảy hàm dưới, 131 - 144 vây bụng, màu hồng nhạt; 36 - 60 sau đuôi (36 - 40 ở con cái, 58 - 60 ở con đực).
Đây là loài rắn Khiếm “Oligodon” thứ 15 được phát hiện và công bố ở Việt Nam kể từ năm 1827 cho đến nay.
|