Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

PHÁT HIỆN THÊM MỘT LOÀI THẰN LẰN MỚI Ở NÚI BÀ ĐEN, TÂY NINH

Phùng Mỹ Trung - Nguyễn Quảng Trường - WEB ADMIN


Các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Đức vừa phát hiện thêm loài thằn lằn chân ngón mới thứ ba ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Mô tả loài mới vừa được công bố trên tạp chí Zootaxa. Đây là phát hiện hết sức thú vị chứng minh tiềm năng đa dạng sinh học cao ở Việt Nam nói chung và núi Bà Đen nói riêng. Tên loài mới, Thằn lằn ngón thương Cyrtodactylus thuongae, được vinh danh TS. Nguyễn Thị Liên Thương, thành viên nữ duy nhất của trang web và là người đã có những đóng góp trong công tác nghiên cứu và khám phá đa dạng sinh học ở Việt Nam.

 

Cách đây khoảng 3 năm, tôi tình cờ thu được một mẫu thằn lằn đã chết ở khu vực phía đông của dãy núi Bà Đen. Sau đó, chúng tôi đã tốn khá nhiều công sức để tìm kiếm và thu thập thêm mẫu vật của loài thằn lằn lạ này nhưng không thành công”, anh Phùng Mỹ Trung - quản trị trang Web Sinh vật rừng Việt Nam - cho biết. Vào tháng 10 năm 2012, trong một đợt đi khảo sát thực địa ở phía nam núi Bà Đen, chúng tôi nghỉ chân tại một hang núi ở độ cao khoảng 600 m, tôi thu thêm được một mẫu thằn lằn lạ ở khe nước chảy ngầm nằm sâu trong một hang đá hẹp. Vài tuần sau đó tôi đã liên tục quần thảo nhiều đêm ở khu vực này và chui sâu xuống nhiều hang đá nhưng kết quả chỉ gặp 2 mẫu con cái. Như vậy việc mô tả loài mới chưa thể thực hiện được vì việc so sánh hình thái giữa các loài tắc kè thường phải dựa vào đặc điểm của con đực. Nhưng tôi tin  chắc rằng chẳng sớm thì muộn mẫu cá thể đực loài này sẽ thu được để kiểm tra. Cuối cùng vào tháng 6 năm 2013, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu xuất hiện ở khu vực núi Bà Đen thì cũng là thời điểm tôi đã may mắn bắt gặp 2 cá thể đực. Qua phân tích những khác biệt về hình thái, các nhà khoa học đã chính thức mô tả và công bố loài mới này trên tạp chí khoa học của New Zealand”.

 

Vào năm 2006, các nhà nghiên cứu của Nga và Việt Nam đã công bố 2 loài thằn lằn chân ngón mới ở núi Bà Đen gồm Thằn lằn ngón bà đen Cyrtodactylus badenii và Thằn lằn chân ngón mắt đen Cyrtodactylus nigrocularis. Điểm đáng chú ý là cả 3 loài thằn lằn chân ngón cùng được ghi nhận ở dạng sinh cảnh hang hoặc vách đá trong rừng thường xanh. Hiện nay mặc dù có nhiều loài mới đã được phát hiện ở khu vực núi Bà Đen nhưng sinh cảnh và các quần thể động vật hoang dã  đang chịu tác động nặng nề từ các hoạt động của con người. Sinh cảnh sống của chúng bị thu hẹp và suy thoái do phá rừng làm nương rẫy và xả rác thải bừa bãi của khách du lịch. Ngoài ra, việc săn bắt các loài Tắc kè bà đen để bán cho các nhà hàng đặc sản ở Tây Ninh và các tỉnh lân cận khiến cho nhiều loài cư ngụ ở khu vực này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hy vọng các cấp các ngành cần có biện pháp mạnh tay để bảo tồn nguồn gen các loài mới phát hiện cũng như các loài sinh vật đã sống và tồn tại nơi đây.

 

Loài Thằn lằn ngón thương Cyrtodactylus thuongae có chiều dài đầu và thân đạt tới 78 mm; trên lưng có các đốm màu nâu sẫm, vùng gáy có các vệt sẫm màu nhưng không nối liền với nhau; lưng có 16-18 hàng nốt sần; có 29-44 hàng vảy bụng; cá thể đực có 0-3 lỗ đùi mỗi bên, cách biệt với 0-1 lỗ trước hậu môn bởi các vảy không có lỗ; vùng trước hậu môn có các vảy lớn. Đây cũng là loài thằn lằn chân ngón thứ 32 được ghi nhận ở Việt Nam.

 

   
   
 

Thằn lằn ngón thương Cyrtodactylus thuongae Ảnh: Phùng mỹ Trung

 
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này