PHÁT HIỆN MỘT LOÀI RẦY MỚI Ở VIỆT NAM
Vũ Thị Nga - Bộ môn Quản lý tài nguyên Rừng, khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh
Hai nhà khoa học Vũ Thị Nga - Bộ môn Quản lý tài nguyên Rừng, khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh và Burckhardt - Bảo tàng tự nhiên Thụy Sỹ đã phát hiện và công bố một loài Rầy mới có tên khoa học Trioza hopeaeở Việt Nam trên tạp chí khoa học Entomological Science (2012) 15, 74–80
Loài rầy Trioza hopeaegây hại cây Sao đen Hopea odorata ở hầu hết ở các tỉnh miền Nam, Tây nguyên và miền Trung như Đồng Nai, Tp. HCM, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Khánh Hòa.
Đặc điểm hình thái:
Trưởng thành của loài rầy Trioza hopeae mới vũ hóa có màu vàng nhạt, mắt kép và mắt đơn màu đỏ. Cánh trong suốt, mạch cánh màu vàng nhạt, cánh dài phủ qua đuôi khi rầy đang đậu. Khi màu sắc trưởng thành ổn định, phía lưng cơ thể có màu nâu, phía bụng màu vàng nhạt, mắt kép và mắt đơn màu nâu hơi đỏ. Râu đầu có 10 đốt. Trưởng thành cái to hơn trưởng thành đực. Phía đuôi trưởng thành cái nhọn và thẳng, phía đuôi trưởng thành đực tù và cong về phía lưng bụng. Chiều dài cơ thể trưởng thành cái trung bình dài 1,827 mm, rộng 0,558 mm; trưởng thành đực dài 1,652 mm, rộng 0,478 mm.
Trứng có dạng elip có màu trắng, một đầu tròn (mặt dưới có một lông cứng ghim sâu vào mô lá hoặc mô ngọn), một đầu hơi nhọn (có cuống trứng). Trứng gần nở có màu vàng đậm. Kích thước trứng trung bình dài 0,174, rộng 0,089 mm.
Ấu trùng có 3 đôi chân ngực, cơ thể có màu vàng, dạng dẹt, mắt kép màu đỏ, xung quanh cơ thể có “viền tua lông” rất đặc biệt và rất dễ gãy. Ấu trùng mới nở trong suốt, chiều dài cơ thể trung bình là 0,530 mm, rộng 0,341 mm. Các tuổi ấu trùng càng về sau có màu vàng đậm hơn và viền tua lông cũng dài hơn. Ấu trùng tuổi 5 râu đầu màu đen, viền tua lông xung quanh cơ thể dài, đặc biệt các tua ở phía đuôi dài hơn. Chiều dài cơ thể ấu trùng tuổi 5 là 1,154 mm, rộng 0,706 mm.
Đặc điểm gây hại
Trưởng thành rầy Trioza hopeae chích hút nhựa lá, thường chích hút ở mặt dưới của lá non (lá màu xanh tím) của cây Sao đen. Tại vết chích hút của chúng mô lá hình thành dạng “vết trám xi măng” hơi tròn, nhẵn màu xanh nhạt. Xung quanh vết trám xi măng mô lá dần dần có màu xanh đậm, phần không có vết chích bị nhạt màu, nếu lá bị chích hút nhiều sẽ biến vàng và rụng sớm. Trưởng thành thường đẻ trứng ở giữa các gân lá của lá búp chưa mở (mặt dưới lá) và trên cả phần ngọn non. Trưởng thành có động tác di chuyển rất đặc biệt, vừa bò vừa lúc lắc mình qua hai bên một cách đều đặn.
Ấu trùng mới nở hoạt động rất nhanh nhẹn, chúng bò đi tìm vị trí thích hợp để dinh dưỡng ngay ở mặt dưới của lá. Tại vị trí ấu trùng chích hút, mô lá bắt đầu hình thành u sưng phát triển về phía trên mặt lá. Ấu trùng thường sinh trưởng và phát triển ngay trong u sưng cho đến lúc hóa trưởng thành. Nếu lật ngược mặt lá dưới lên, u sưng giống như một hố sâu mà trong đó có ấu trùng đang cư trú. Một hố sâu thường có 1 ấu trùng cư trú, trường hợp mật độ rầy cao, có thể thấy 2 ấu trùng, có khi lên tới 4-5 ấu trùng/hố.
Các u sưng ở mặt trên lá làm lá bị dị dạng, cong xuống phía mặt dưới lá theo mép lá và làm giảm kích thước lá từ 1/2- 3/4 tùy theo mật độ rầy gây hại. Những u sưng này vẫn tồn tại trên lá, vẫn lớn lên theo sự tăng của diện tích lá cả khi rầy không còn trên lá.
|
|
|
|
|
Ấu trùng và trứng rầy hại sao Trioza hopeae - Ảnh VŨ THỊ NGA
| |
|
|
|
|
Con cái trưởng thành rầy hại sao Trioza hopeae - Ảnh - VŨ THỊ NGA |
|
|
|
|
|
Con đực trường thanh rầy hại sao Trioza hopeae - Ảnh - VŨ THỊ NGA |
|
|