Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NGÀI HOÀNG ĐẾ CHAPA QUÝ, HIẾM Ở VIỆT NAM

Vũ Văn Liên – Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam

 

Ngài Hoàng đế Chapa Actias chapae (Mell, 1950) thuộc họ Ngài Hoàng đế (Saturniidae), bộ cánh vảy (Lepidoptera). Có thể nói, là loài quý nhất trong nhóm ngài, và là một trong những loài có màu sắc và hình thái đẹp nhất của bộ cánh vẩy (bao gồm bướm và ngài). Actias chapae (Mell, 1950).


Ngài hoàng đế chapa Actias chapae (Mell, 1950) thuộc họ Ngài Hoàng đế (Saturniidae), bộ cánh vảy (Lepidoptera). Có thể nói, là loài quý nhất trong nhóm ngài, và là một trong những loài có màu sắc và hình thái đẹp nhất của bộ cánh vẩy (bao gồm bướm và ngài). Actias chapae (Mell, 1950) được mô tả từ Giống phụ Argema Wallengren, 1858 thuộc Giống ActiasLeach, 1815, từ một cá thể đực và một cá thể cái thu ở núi Fan Si Pan, độ cao 200 m, thuộc địa phận huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Nhưng mãi đến gần 50 năm sau, năm 1995 loài mới thu thập lại được ở sườn phía bắc núi Fansipan, độ cao 2350 m (Nässig & Brechlin, 1995). Những năm sau đó, loài cũng được thu thập ở các độ cao khác nhau từ 1600 – 2350 m vào cuối tháng 10 và 11 do các nhà côn trùng học cũng như sưu tầm nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng cá thể thu thập được là rất ít do tính hiếm của loài, hơn nữa, địa hình phức tạp và thời tiết thường không thuận lợi vào thời gian cá thể trưởng thành xuất hiện. Loài đã được cho là đực hữu ở núi Fan Si Pan, Việt . Tuy nhiên, năm 2000, Morishita và Kishida đã công bố loài phân bố ở núi Nan Ling, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sau đó, Siniaev cũng thu được ở tỉnh Hồ Nam ở độ cao 1500 m. Tất cả các cá thể thu thập được ở Trung Quốc đều vào giữa đến cuối tháng 11 (Wu & Naumann, 2006).

 

 

 

 

Ngài Hoàng đế chapa - Actias chapae bezverkhovi - Ảnh: Vũ Văn Liên

 

Ở Việt Nam, loài có 2 phụ loài là Actias chapae chapae phân bố ở núi Fansipan và Actias chapae bezverkhovi phân bố ở Lâm Đồng, Đắc Nông. Phụ loài sau được mô tả năm 2008 với các mẫu thu được tại núi Lang Biang (Lâm Đồng). Gần đây, trong đợt nghiên cứu thực địa chúng tôi đã thu thập được một cá thể đực duy nhất vào ngày 3.4.2008 tại tại Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng), độ cao 2000 m với kích thước của chiều dài cánh trước là 62 mm, từ đỉnh đỉnh đầu đến chóp đuôi là 160 mm. Loài cũng được phát hiện bay ở núi cao tỉnh Đắc Nông vào cuối tháng 3. Ngoài ra, có thể phân bố ở núi cao tỉnh Đắc Lắc và Ngọc Linh (Kontum).

 

 

 

 

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà - Ảnh: Phùng Mỹ Trung

 

Đến nay, loài mới chỉ phát hiện có một thế hệ trong năm, tuy nhiên, ở hai khu vực ở Việt có hai mùa bay khác nhau. Ở núi Fan Si Pan, loài bay vào tháng 10-11, ở Nam Trung bộ (Lâm Đồng và Đắc Nông) loài bay vào tháng 3 và tháng 4.
Cây thức ăn: một số loài cây thuộc chi Pinus (Pinaceae), như Pinus yunnanensis, Pinus armandii, Pinus massoniana, và có thể là Pinus dalatensis, Pinus fenzeliana, Pinus kesiya. Loài đã được nuôi nhưng không thành công đến giai đoạn kén (Wu & Naumann, 2006). Chúng tôi cũng đã nuôi sâu non trên thông (Pinus merkusii) nhưng không thành công.
Phân bố trên thế giới: Tây Nam Trung Quốc (Hồ và Quảng Đông).
Tình trạng: rất hiếm, kích thước lớn và hình thái đẹp, loài có thể bị săn bắt.

Biện pháp bảo tồn: Do môi trường sống của chúng là rừng ở khu vực núi cao Fan Si Pan và một số tỉnh Miền Nam Trung bộ, việc bảo vệ rừng ở những khu vực trên là rất cần thiết, đó chính là bảo vệ sự tồn tại của loài ngài Chapa đẹp và hiếm này cho hiện tại và tương lai. Ngoài ra, có thể đưa loài vào sách đỏ Việt Nam

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này