Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

THẰN LẰN BÓNG LYGOSOMA ANGELI - THIÊN THẦN HAY QỦI  QUÁI ?

Phùng Mỹ Trung, Nguyễn thi liên Thương – Admin www.vncreatures.net

 

“Tôi đã thấy một con rắn có chân rất lạ, thật mà !”, trong buổi chuyện phiếm, anh bạn thợ rừng tên An kể về con vật mà anh nhìn thấy trong chuyến đi rừng núi Dinh gần đây. Anh khẳng định con này không phải rắn mối hay bất cứ loài thằn lằn nào mà những bạn thợ rừng thỉnh thoảng vẫn gặp. Nó vừ giống rắn lại vừa giống thằn lằn và tôi không dám bắt chúng vì rất sợ đây là loài có nọc độc và đúng là chưa bao giờ tôi bắt gặp con vật lạ lùng đến thế.
Tôi thì nghi ngờ rằng trong danh mục các loài thằn lằn ở Việt Nam cũng có hai loài thằn lằn rất giống rắn như con “rắn có chân” giống như An mô tả và một trong hai loài đó các nhà khoa học người Pháp chỉ một lần duy nhất người ta tìm thấy mẫu vật ở  Việt Nam - Tôi tự  hỏi có khi nào đó chính là loài Thằn lằn bóng Lygosoma angeli. Đó là chuyện cách đây hơn 90 năm rồi khi mẫu vật đầu tiên các nhà nghiên cứu người Pháp thu mẫu ở Trảng Bom - Đồng Nai. Từ đó không ai nhìn thấy chúng nữa. Người ta tin rằng loài bò sát hiếm hoi này đã tuyệt chủng. Chẳng lẽ …trong lòng khấp khời mừng thầm.

 

 

 

 
Thằn lằn bóng thiên thần - Lygosoma angeli - Ảnh: Phùng Nguyễn Trí Lâm
 

Tôi tin An. “Con rắn có chân” của An trở thành một mục tiêu trong những chuyến đi rừng liên tiếp của chúng tôi. Thế nhưng, ròng rã hàng chục chuyến đi, nhiều năm vào cuối mùa mưa mà chúng tôi vẫn chưa một lần tìm thấy. Mùa mưa lại sắp hết rồi. Loài thằn lằn này thường là chỉ xuất hiện vào khoảng thời gian cuối của mùa mưa liệu có phải là một bài toán quá khó với những khao khát của tôi không. Câu hỏi vẫn cỏn nằm trong đầu với bao trăn trở …
Chiều đầu tháng 9, cơn mưa cuối mùa ào ạt đổ xuống dãy núi Dinh hùng vĩ. Dòng nước mưa đục ngầu như muốn cuốn trôi tất cả vật cản trên đường đi của nó, kể cả chút lá mục cuối cùng. Trên vách đá thẳng đứng còn sót lại mấy đám rêu, vài bông hoa cuối mùa khoe sắc. Ít hôm nữa thôi sẽ bắt đầu giai đoạn rất khó khăn cho chúng. Rêu sẽ phải ngủ khô trong khô khát, mòn mỏi chờ đợi những cơn mưa của mùa sau. Với lũ thằn lằn Lygosoma sp. này cũng vậy, hết mùa mưa, bọn chúng lại biến mất và ngủ khô suốt nhiều tháng trong các kẽ nứt của những tảng đá mẹ. Vì vậy, đây có lẽ là cuộc tìm kiếm cuối cùng trong năm.

 

 

 

 
Thằn lằn bóng thiên thần - Lygosoma angeli - Ảnh: Phùng Nguyễn Trí Lâm
 

Đêm xuống, đen kịt. Ba lô nặng trĩu chứa đầy dụng cụ. Đội đèn trên đầu, bước thấp, bước cao, ba chúng tôi lặng lẽ leo lên lưng chừng núi, nơi thích hợp với đời sống của thằn lằn và  là  nơi mà  An đã  nhìn thấy nó đúng một lần. Mọi người dừng lại một chút để chuẩn bị dụng cụ đào bới, đòn bẩy đá. Từng hốc đá đều được soi kỹ, những đám lá mục chất đống trong hốc cũng được lật tung. Hàng đống đá tảng lớn san sát xếp chồng lên nhau, cả ba phải gồng sức, hợp lực mới lật nổi.

Trời vẫn mưa nhưng mồ hôi túa ra nóng ran. Rừng im vắng. Đâu đó thảng thốt tiếng con chim ăn đêm, tiếng khắc khoải gọi tình của các loài lưỡng cư. Thời gian âm thầm trôi. Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng. Bãi đá và đám lá khô đã bị lật tung một vùng lớn cả hàng vài chục mét. Vẫn chưa thấy bóng dáng con thằn lằn nào. Ai cũng mệt mỏi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố căng mắt soi, cố lật đá cho nhanh, chạy đua trước khi trời sáng. Bởi lẽ, nếu đêm tìm kiếm này mà cũng không có kết quả, chúng tôi phải đợi đến cuối mùa mưa năm sau. Tôi có thể chờ đợi và khắc khoải niềm hy vọng, nhưng con thằn lằn Lygosoma sp. mà An nhìn thấy liệu có còn tồn tại sau thêm một năm nữa không ? vì với mức độ tàn phá, rừng bị cháy thường xuyên như hiện tại ở vùng Núi Dinh này làm sao chúng còn có cơ hội tồn tại để tôi có thể tìm thấy mẫu, để chụp hình và để cho con cháu chúng ta hiểu về một trong những loài thằn lằn quí hiếm.

Bất chợt An reo lên. Anh phát hiện một con thằn lằn trong kẹt đá đầy lá cây mục nát. Chúng tôi chạy đến. Tảng đá lớn với nhiều kẽ nứt. Khe nứt quá nhỏ không thể luồn kẹp gắp vào được. Hai người cố gắng nạy rộng kẽ đá từng ly một, vừa đủ để chú thằn lằn không có cơ hội trốn thoát. Khe nứt ra, con thằn lằn còn non bóng nhẫy trình diện trước ánh sáng đèn. Tôi nhanh tay kẹp lấy với bàn tay run rẩy không phải vì cái lạnh của cơn mưa rừng thấm qua chiếc áo mỏng ướt sũng mà càm giác sung sướng lâng lâng.
Thành quả đầu tiên này còn quá nhỏ. Vì vậy, thật khó để đo đếm và so sánh các kết quả với những mẫu chuẩn có sẵn ở bảo tàng Pari và London. Tuy nhiên, nhìn nó ngay từ phút đầu tiên với kinh nghiệm của bản thân và qua các tài liệu đã đọc. Tôi có thể tin tưởng một điều là vẫn còn tồn tại loài thằn lằn bóng Lygosoma angeliở Việt Nam, với vùng phân bố mới là núi Dinh. Các đồng nghiệp của tôi cũng sẽ rất vui mừng vì loài này đã được tìm thấy sau nhiều năm biệt tích.
Chúng tôi hy vọng năm sau có thể tìm thấy những cá thể trưởng thành. Việc tìm kiếm này phục vụ cho mục đích nghiên cứu và ghi nhận vùng phân bố mới của chúng.
Trên đường chúng tôi trở về, bình minh ửng hồng trên đình núi Dinh. Nơi đây trước kia là cánh rừng thường xanh bát ngát, ghi nhận rất nhiều loài đặc hữu hẹp được đặt tên cho vùng nuí với những dãy núi hùng vĩ nằm sát biển và chỉ vài tuần nữa thôi sau khi đo đếm, phân tích mẫu vật vùng núi này sẽ được ghi nhận thêm là vùng phân bố mới của loài thằn lằn bóng quí hiếm Lygosoma angeli. Thế nhưng, núi Dinh bây giờ đã đầy những mảng trọc, sườn núi trơ trọi chỉ còn vài cây gỗ nhỏ và đám bụi thấp lè tè. Tôi thấy tim thắt lại khi nghĩ đến cuộc tìm kiếm của mùa sau. Biết đâu đây là lần gặp cuối cùng với loài Thằn lằn bóng với màu sắc sặc sỡ dưới ánh nắng mặt trời óng ánh như thiên thần này, trước khi chúng tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên do môi trường sống bị tàn phá.

 

 

 

 

Thằn lằn bóng thiên thần - Lygosoma angeli - Ảnh: Phùng Nguyễn Trí Lâm

 

 

Thằn lằn bóng thiên thần Lygosoma angeli có khoảng cách giữa nách và bẹn gấp 3,5–4 lần khoảng cách giữa mút mõm đến chi trước. Mi mắt dưới có vẩy. Có vảy trên mũi, các vảy này tiếp xúc với nhau ở giữa. Vảy trước trán nhỏ và tách biệt nhau. Vảy trán dài bằng vảy trán-đỉnh, chỉ có 1 vảy trán đỉnh. Hai vảy đỉnh tiếp xúc nhau ở phía sau vảy gian đỉnh, nhỏ hơn rất nhiều so với vảy trán đỉnh. Không có vảy gáy. Vảy thái dương không phát triển, lỗ tai ngoài chỉ là 1 chấm nhỏ, có 7 vảy môi trên,  vảy thứ 4 hoặc thứ tư và thứ năm nằm phía dưới ổ mắt. Thân thuôn dài. Có 30 hàng vẩy quanh giữa thân, những vẩy trên lưng không lớn hơn các vẩy khác. Có 110-115 vẩy dọc theo sống lưng tính từ vảy đỉnh đến vị trí tương ứng với rìa sau của chi sau. Các chi rất ngắn, các ngón có kích thước đều nhau, kể cả các ngón chân trừ ngón I. Có 5  bản mỏng dưới ngón chân thứ 4. Đuôi dầy ở phần gốc, tương đương độ dầy của thân.

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này