Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NÉT ĐẸP THIÊN NHIÊN HOANG DÃ VIỆT NAM

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
   
Lan căn điệp vàngChiloschista parishii - Ảnh: Phùng Mỹ Trung

Mặc dù là loài lan phổ biến trong 3 loài lan thuộc giống Chiloschista được tìm thấy ở Việt Nam nhưng không phải ai cũng có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của loài lan không thân không lá Chiloschista parishii. Đây là loài lan chỉ có những đám rễ dài sống phụ sinh trên các cây cao ở những cánh rừng nguyên sinh còn tốt và quang hợp ánh sáng bằng các chất diệp lục trên rê cây. Hàng năm khi Nàng xuân đã đến gõ cửa muôn nhà, muôn loài thì nàng hoa "Căn điệp Chiloschista parishii" cũng bừng tỉnh khoe sắc trong những cánh rừng Việt Nam ở độ cao trên 1000m. Màu vàng óng ả, long lanh của sắc hoa như tô đẹp thêm cho bức tranh đa màu sắc của thiên nhiên hoang dã Việt Nam. Không chỉ làm đẹp cho đời, cho người mà loài lan này cũng là loài chỉ thị môi trường đối với các khu rừng của chúng ta. Nếu một mai chúng ta không còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa này trên các khu rừng mà chúng phân bố thì đó là dấu hiệu sự sinh tồn của muôn loài trong khu rừng đó đang bị suy vong .... tiếc lắm thay !!

Địa nhãn hymalaya - Sapira himalayana - Ảnh: Trần Nhật Tiên

Ngay cả các nhà nghiên cứu chuyên ngành về thực vật cũng ước mong một lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của loài hoa ký sinh, không diệp lục lớn nhất Đông nam Á. Đây là một loài rất hiếm gặp vì chúng chỉ xuất mỗi năm một lần vào mùa này và mọc ở những đỉnh núi cao ngất thuộc cao nguyên Lâm Viên và đỉnh Fansipan. Loài hoa Địa nhãn Himalaya - Sapira himalayana. Là loài thực vật sống bám, hút các dưỡng chất từ thân rễ cây Nho rừng Cissus sp. Đường kính của kích thước hoa đến gần 20cm. Với màu đỏ rực rỡ nổi bật trong nền thảm mục thực vật rừng, cùng các đốm màu vàng nhạt trang điểm trên từng cánh hoa.  Hoa không thân, không lá, hoa cái có một buồng đính phôi, khúc khuỷu, mang nhiều noản đảo sinh. Những tấm hình chụp tuyệt đẹp về loài hoa hiếm gặp này của thành viên Trần Nhật Tiên gửi đến cho website Sinh vật rừng Việt Nam vào những này đầu tiên của năm mới. Nhằm chia sẻ những thông tin về loài hoa, là món quá tặng đẹp, tuyệt vời nhất. Thay mặt Ban quản trị chúng tôi gửi đến tác giả lời cám ơn chân thành, sâu sắc và Chúc mừng năm mới An khang, Thịnh vượng.

Đỗ quyên nha trang Rhododendron nhatrangensis - Ảnh: Lưu văn Nông

Hằng năm vào khoảng giữa tháng 3 trên đỉnh Hòn Bà - Nha Trang ở độ cao 1500m trở lên “thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà” loài Đỗ quyên nha trang Rhododendron nhatrangensis lại đua nhau khoe sắc trên khắp các cánh rừng mưa nhiệt đới nơi đây. Mặc dù vẫn còn là khoảng thời gian cuối mùa khô, khô hạn nhưng bất chấp thời tiết khắc nghiệt loài hoa tuyệt đẹp này vẫn tô điểm cho bức tranh thiên nhiên hoang dã Việt Nam những sắc màu rực rỡ. Với 9 - 11 nhị đực bao quanh 1 nhụy cái, hoa mọc thành từng chùm, khi mới nở màu hồng chuyển sang trắng và tàn trong những đám lá xanh rì tạo nên một vẻ đẹp rất đáng để chiêm ngưỡng. Đây chắc chắn là những tấm hình chụp duy nhất cho đến hiện về hoa của loài thực vật rất hiếm và có vùng phân bố hẹp này ở Việt Nam. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn của thành viên website Sinh vật rừng Việt Nam – Lưu văn Nông đã đem đến cho chúng ta hiểu biết thêm về loài thực vật quí hiếm này.

Trôm cánh thuyền Pterocymbium tinctorium - Ảnh: Phùng Mỹ Trung

Khi những cơn nắng “cháy da người” như đang thiêu đốt các loài sinh vật trên đinh núi Bà Đen - nóc nhà của miền Đông Nam bộ Việt Nam. Đâu đó trong cánh rừng trơ trụi lá, loài thực vật Trôm cánh thuyền Pterocymbium tinctorium vẫn đơm hoa, kết trái trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của mùa khô nơi đây.  Với chùm quả như chiếc đèn lồng 5 cánh và chiếc bướu quả giống như những chiếc thuyền rất đặc trưng và hấp dẫn sẽ là những thú vị bất ngờ của tạo hoá ban tặng cho con người chúng ta. Sau vài tháng chùm quả chín rời cánh dực quả hình thuyền có nhiệm vụ như chiếc dù nhờ gió đưa hạt giống phát tán đi xa để hậu duệ của chúng phát triển khắp nơi. Tuy nhiên nhìn đỉnh núi Bà Đen chỉ còn trơ trọi những tảng đá mẹ và một vài cá thể loài thực vật này còn sót lại ta mới thấy được sức mạnh tàn phá ghê gớm của con người nơi đây - không chỉ đối với những loài thực vật đặc hữu mà ngay cả những loài mới phát hiện được trong những năm gân đây cũng đang trên đà biến mất hoàn toàn ở ngay "nóc nhà" của chúng ta- Buồn thay ….

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
   
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này