Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NÉT ĐẸP THIÊN NHIÊN HOANG DÃ VIỆT NAM

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
   
Trà cúc phươngCamellia cucphuongensis - Ảnh: Phạm văn Thế

Loài Trà cúc phương Camellia cucphuongensis được các nhà nghiên cứu phát hiện, đặt tên khoa học và công bố năm 1998 ở Vườn quốc gia Cúc phương. Cho đến hiện nay đây vẫn là loài đặc hữu hẹp của Việt Nam vì các nhà nghiên cứu thực vật vẫn chưa tìm thấy vùng phân bố mới của chúng. Đây là loài cây bụi,thân gỗ nhỏ và thường xanh, cao khoảng 2–20 m. Lá đơn, dày, mọc so le, mép lá có răng cưa, mặt trên bóng láng, dài 12-17 cm. Hoa lớn, màu vàng, đường kính 1–12 cm, với 7–9 cánh hoa. Quả là loại quả nang khô được chia thành 2–5 ngăn, mỗi ngăn chứa 1–8 hạt và đây là loài rất hiếm gặp chúng trong môi trường tự nhiên. Những tấm ảnh độc đáo về loài trà có hoa vàng rực rỡ này của nhà nghiên cứu Phạm văn Thế gửi tặng website Sinh vật rừng Việt Nam đã đem đến cho độc giả một cơ hội hiếm có để thưởng lãm những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên ban tặng cho thế giới thực vật có hoa đầy sắc màu của chúng ta.

Hoa tím gỗ Teijsmanniodendron sarawakanum - Ảnh: Phùng Mỹ Trung

Mặc dù không phải là loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam, nhưng loài thực vật Teijsmanniodendron sarawakanum thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae này chỉ được phát hiện ở núi Dinh thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là loài duy nhất của chi Teijsmanniodendron phân bố ở Việt Nam và lần đầu tiên loài này được chụp ảnh trong tự nhiên bởi các thành viên của Sinh vật rừng Việt Nam, trong khi hầu hết các các tài liệu về thực vật chí hiện nay đều sử dụng hình vẽ từ năm 1847 của nhà thực vật người Holland – Van Steenis.

Sao lá hình tim Hopea cordata - Ảnh: Lưu Văn Nông

Hầu hết các loài thực vật được đưa vào sách đỏ đều là những loài không chỉ quí mà còn hiếm, đặc hữu hẹp và thường phân bố rải rác ở những vùng xa xôi, hẻo lánh hay núi cao…do đó để ghi lại hình ảnh những loài này là một việc làm hết sức khó khăn đối với các nhà nghiên cứu. Chinh vì những khó khăn đó, mỗi một tấm hình được đưa lên web đều là một câu chuyện đáng để chúng ta quan tâm, chia sẻ. Loài Sao lá hình tim Hopea cordata cũng không phải là ngoại lệ, loài thực vật sách đỏ này thuộc dạng cây gỗ nhỏ, thường xanh, cao đến 10 m, đường kính thân đến 0,3 m. Cành màu đen đen, nhẵn. Lá hình trứng đài 10cm, rộng 4cm, dài, nhẵn ở gốc. lá hình tim, đầu thót lại và hơi nhọn, có 2 - 3 đôi gân bậc hai khác cong về phía mép lá. Cụm hoa chùm thưa mọc ở nách lá, nhẵn, dài 6 - 8cm. Nụ hình trứng, dài 6mm, đường kính 3mm. Lá đài hình trứng rộng, dài khoảng 3mm, đầu nhọn, nhẵn. Cánh hoa có lông màu trăng trắng ở mặt ngoài của phần không bị lợp, dài 6mm. Nhị 15, đính 3 cái một ở góc mỗi cánh hoa. Bầu nhẵn, gân hình trụ ngắn, đường kính khoảng 1mm. Đây là loài thực vật đặc hữu hẹp của Việt Nam, mới chỉ gặp ở một điểm của tỉnh Khánh Hòa (Cam Ranh). Thay mặt website Sinh vật rừng Việt Nam chúng tôi gửi đến tác giả Lưu Văn Nông lời cám ơn chân thành, sâu sắc  vì  đã đem đến cho độc giả một cơ hội hiếm có để thưởng lãm những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên ban tặng cho thế giới thực vật có hoa đầy sắc màu của chúng ta.

Lan lọng bà rịa Bulbophyllum bariense - Ảnh: Phùng Nguyễn Trí Lâm

Khi gió đông ngát hương, bầu trời từng đàn chim én liệng chao nghiêng. Thiên nhiên Việt Nam như chợt bừng tỉnh đón chào mùa xuân sau những ngày đông lạnh giá. Trên các cành cây khẳng khiu trơ trụi được “cài” lên bằng chồi non, lộc biếc. Bên dưới nền đường, màu lá úa phủ khắp lối đi. Cơn gió nhẹ thoáng qua cũng đủ làm nhiều những chiếc lá rơi xào xạc. Cả đất trời như chuyển mình khi tia nắng mặt trời ấm áp báo hiệu mùa xuân đã về. Đâu đó trong mỗi gốc cây ngọn cỏ, nàng xuân lẩn khuất và e thẹn nhẹ nhàng bước chân mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà và đến với đất trời Việt Nam. Chiếc gậy thần kỳ trên tay nàng xuân khẽ chạm nhẹ vào loài hoa Lan lọng bà rịa  Bulbophyllum bariense đánh thức nàng hoa bừng tỉnh như khoe sắc cùng xuân. Mặc dù loài lan đặc hữu còn sót lại ở vùng núi bị tàn phá đến trơ trụi này đang trên bờ vực tuyệt chủng. Phải chăng sự tồn tại đến thoi thóp của loài hoa lan tuyệt đẹp này là một lời cảnh tỉnh đối với thiên nhiên hoang dã Việt Nam khiến ta không khỏi chạnh lòng ngay cả thời khắc xuân về …

Vừng - Careya sphaerica - Ảnh: Nguyễn Quang Trung

Là những loài thực vật có hoa rất đẹp trong thiên nhiên, nhưng các loài thuộc họ Lộc vừng Lecythidaceae thường nở hoa vào giữa đêm và lụi tàn vào ngay khi bình minh bắt đầu thức giấc. Do vậy việc chụp hình các loài này là một thách thức đối với những nhà nghiên cứu thực vật học. Tuy nhiên lòng kiên nhẫn sẽ được đền đáp bằng được phần thưởng xứng đáng là những tấm hình hoàn toàn tự nhiên, để lột tả nét đẹp dịu dàng của loài hoa này và tô điểm cho cuộc sống của chúng ta. Khi lòng đam mê vượt lên tất cả để chinh phục thử thách con người bỗng thấy thanh thản nhẹ nhàng và thật toại nguyện vì vượt qua chính mình trong bao lo toan của cuộc sống đời thường. Bạn đã bao giờ thử một lần để cảm nhận, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu xa của loài Vừng - Careya sphaerica trong thiên nhiên hoang dã chưa ? Hãy một lần đến các cánh rừng miền Đông nam bộ vào mùa này, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn loài hoa của tình yêu. Những tấm hình chụp tuyệt đẹp về loài hoa hiếm gặp này của thành viên Nguyễn Quang Trung gửi đến cho website Sinh vật rừng Việt Nam nhằm chia sẻ những thông tin về loài hoa, là món quá tặng đẹp, tuyệt vời nhất. Thay mặt Ban quản trị chúng tôi gửi đến tác giả lời cám ơn chân thành, sâu sắc.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
   
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này