Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NÉT ĐẸP THIÊN NHIÊN HOANG DÃ VIỆT NAM

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
   
Thích lá thuôn Acer oblongum - Ảnh: Lưu Văn Nông

Thích lá thuôn Acer oblongum được xem như là một trong những loài thực vật khác biệt hoàn toàn về cấu trúc lá của các loài thực vật thuộc họ Thích Aceraceae ở Việt Nam. Trong khi các loài khác có lá xẻ thùy từ 3-5 thùy thì loài này có lá đơn phiến lá nguyên hình trứng hoặc thuôn nhọn dần về phía đầu, gốc tròn hoặc hơi thuôn, dài 8 - 11cm, rộng 3 - 4cm hai mặt nhẵn hoặc mặt dưới hơi có lông ngắn và phấn trắng, gốc có đôi gân dài tới nửa phiến lá nổi rõ ở mặt dưới, hơi lõm ở mặt trên, cuống lá dài. Đây là loài thực vật gỗ lớn, cao 20 - 15m, cành non màu tím hoặc tím nhạt, có lông hoặc không, khi già màu nâu, nhẵn bóng. Hoa màu lục hoặc nõn chuối họp thành ngù ở đầu cành, cuống hoa có lông ngắn, hoa tạp tính hoặc lưỡng tính. Cành đài 5, Cánh tràng 5, nhị đực 8. ở hoa lưỡng tính bầu có lông ngắn, đầu nhụy chẻ 2. Quả họp thành chùm có cánh dài 2,5cm xếp gần vuông góc với nhau, khi non màu tím, già màu nâu vàng.. Những bức ảnh tuyệt đẹp về loài Thích lá thuôn Acer oblongum của tác giả Lưu Văn Nông - PGĐ Khu BTTN Hòn Bà đã đem đến cho chúng ta những cảm giác thú vị về loài thực vật này. Thay mặt website chúng tôi giửi đến tác giả lời chân thành cám ơn sâu sắc.

Cúc hồng Vernonia volkameriaefolia - Ảnh: Nghiêm Đức Trọng

Với hơn 1000 chi 20.000 loài phân bố rộng khắp trên thế giới và ở Việt Nam có khoảng 125 chi trên 350 loài thì họ Cúc Asteraceae là một trong những họ lớn ở Việt Nam. Hầu hết các loài có những đặc trưng bởi cụm hoa đầu (capitulum) kiểu rổ (calathium). hoa không có đài (đài biến thành chùm lông), nhị đính trên ống tràng, chỉ nhị rời nhưng bao phấn dính nhau thành ống bao xung quanh vòi nhụy; quả bế 1 hạt và chủ yếu là những loài thân thảo rất hiếm các loài cây thân gỗ. Tuy nhiên loài cây Cúc hồng Vernonia volkameriaefolia là một trong những ngoại lệ với cây thân gỗ có chiều cao đến 12m và chỉ sống ở những vùng núi cao với độ cao từ 800m trở lên đến 1600m. Với những đặc tính tuyệt vời này loài này đã xứng đáng được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên để chụp được những bông hoa rực rỡ của loài này là một khó khăn thú vị đối với ngay cả các nhà nghiên cứu vì rất hiếm gặp chúng trong môi trường tự nhiên. Những tấm ảnh độc đáo về loài Cúc hồng Vernonia volkameriaefolia của nhà nghiên cứu Nghiêm Đức Trọng gửi tặng website Sinh vật rừng Việt Nam đã đem đến cho độc giả một cơ hội hiếm có để thưởng lãm những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên ban tặng cho loài thực vật độc đáo này của chúng ta.

Gáo tròn Adina cordifolia - Ảnh: Lưu Văn Nông

Gáo tròn Adina cordifolia được xem như là một trong những loài thực vật khổng lồ mọc trong rừng mưa nhiệt đới ở Việt Nam. Loài cây thân gỗ này có thể cao đến 45m, cành nhẵn, màu xám hoặc trắng. Lá dài 10 - 30cm, rộng 8 - 20cm, nhọn ở đầu, hình tim ở gốc, nhẵn ở mặt trên, có lông ở mặt dưới. 5 - 8 đôi gân bậc hai; cuống lá dài 4 - 9cm. Lá kèm dài 1 - 1,5cm, hình trứng thuôn, có lông. Cụm hoa đầu, tập hợp thành nhóm 1 - 3 cụm hoa; cuống cụm hoa dài 3 - 8cm. có 1 - 3 lá bắc. Hoa mẫu 5, màu vàng: chỉ nhị rất ngắn (dài 1mm), đính trên họng sống tràng; bầu 2 ô vòi dài 1cm, rất mảnh; núm hình đầu. Quả khô, 6 - 8 hạt có cánh ở 2 đầu. Với  kích thước cao, to, lớn của loài này khiến cho việc thu mẫu và chụp được những tấm hình đẹp về hoa, quả  của chúng hết sức khó khăn và tốn nhiều công sức. Những bức ảnh tuyệt đẹp về loài Gáo vàng được gửi đến cho độc giả chiêm ngưỡng bởi Ông Lê Văn Nông - PGĐ Vườn quốc gia Hòn Bà đã đem đến cho chúng ta những cảm giác thú vị về loài thực vật này. Thay mặt website chúng tôi giửi đến tác giả lời chân thành cám ơn sâu sắc.

Lan hoàng thảo môi lông Dendrobium chittimae - Ảnh: Chu Xuân Cảnh

Với gần 200 loài lan thuộc giống lan hoàng thảo Dendrobium sp. được các nhà nghiên cứu hoa lan tìm thấy ở Việt Nam và là giống lan có số lượng lớn chỉ đứng sau giống lan lọng Bulbophyllum sp. Hầu hết các loài thuộc giống này là loài phụ sinh, có thân dài và hoa to, đẹp và phân bố rộng khắp ở nước ta. Một trong những loài mới được ghi nhận vùng phân bố mới ở Lào Cai thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên - Việt Nam - Lan hoàng thảo môi lông Dendrobium chittimae có thân dài, nhỏ đũa, hoa đơn, to 2,5-4 cm, mọc đơn, ở các đốt lá. Với chiếc cánh môi được pha trộn giữa màu trắng, vàng nhạt và tím nhạt đã tạo nên một kiệt tác nổi bật trong nền lá xanh biếc. Đây là loài lan rất hiếm gặp trong tự nhiên không chỉ đối với nhưng người yêu hoa lan mà còn ngay cả các nhà nghiên cứu cũng ít có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của chúng trong tự nhiên. Những tấm ảnh độc đáo về loài hoa lan của tác giả Chu Xuân Cảnh gửi tặng website Sinh vật rừng Việt Nam đã đem đến cho độc giả một cơ hội hiếm có để thưởng lãm những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên ban tặng cho loài lan này và cho con người của chúng ta.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11
   
 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này