Home | Overview | Timbers | National parks | Vietnamese

FOCUS IN WILDLIFE
NEW EVENTS

 

HƯỚNG DẪN CÁCH VIẾT LATIN CÁC TÊN KHOA HỌC CỦA DƯỢC LIỆU VÀ CÂY DƯỢC LIỆU

Đỗ Xuân Cẩm - Giảng viên Đại học Huế

 

Part 1: Một vài nguyên tắc gọi tên bậc phân loại thực, động vật...

Part 2: Thuật ngữ chi "giống" trong phân loại sinh vật...

Part 6: Hướng dẫn cách viết Latin dược liệu...

Part 3: Danh pháp loài...

Part 7: Hướng dẫn cách đọc Latin...

Part 4: Danh pháp các taxon thuộc các bậc phân loại trên loài...

Part 8: Một số "gốc từ" và "dạng tổ hợp" gốc Hi lạp và Latin...

Part 5: Làm sao để viết hoa tên một sinh vật chính xác...

Part 9: Danh pháp chi thực vật - viết sai - giải pháp...

 

Trong quá trình học tập và nghiên cứu các dược liệu có nguồn gốc thực vật, sinh viên ngành Dược và cán bộ nghiên cứu liên quan thường xuyên tiếp cận tên khoa học của các dược liệu và cây dược liệu.
Tên khoa học của cả hai thành phần vừa nói thuộc phạm trù danh pháp, nên luôn tuân thủ nguyên tắc quốc tế. Nguyên tắc đó bao gồm cả nguyên tắc về đặt tên thuốc và nguyên tắc đặt tên cây. Mặt khác, do danh pháp sử dụng tiếng Latin, nên đồng thời cũng phải tuân thủ nguyên tắc ngữ pháp của tiếng Latin. Chính vì những yêu cầu nghiêm ngặt đó khiến cho những người ít nghiên cứu hoặc ít quan tâm các nguyên tắc nói trên dễ nhầm lẫn khi sử dụng tài liệu. Thực tế cho thấy, cũng có một số tài liệu đã có những nhầm lẫn trong cách viết tên dược liệu và tên cây dược liệu, có lẽ phần lớn do lỗi in ấn.
Như vậy, tốt hơn hết, trước khi thâm nhập nghiên cứu tên dược liệu và tên cây dược liệu, người học nên biết:
I. Nguyên tắc viết tên Latin các dược liệu có nguồn gốc thảo dược
Trong thực tế, tên Latin một dược liệu có thể được viết theo một trong bốn dạng sau:
1. Dạng thứ nhất: Danh từ chỉ dạng thuốc viết ở thể chủ cách (nominativus) + tên chi cây dược liệu viết ở thể sở hữu cách (genitivus).
Ví dụ: Herba ocimi (Hương nhu)
Trong đó:
- herba: thân thảo, được hiểu là toàn thân cây thảo;
- ocimi: sở hữu cách của Ocimum, tên khoa học của chi Hương nhu.
Dạng này không cụ thể, vì có trường hợp nhiều loài cây dược liệu cùng chi thực vật có thể dùng thay nhau vì có tính chất tương đồng, có tác dụng dược học gần giống nhau; nhưng cũng rất nhiều trường hợp các loài cùng chi có tác dụng dược học khác nhau hoặc chưa được nghiên cứu, rất dễ gây nhầm lẫn.
Ví dụ:
Nếu chỉ viết Radix angelicae thì người sử dụng không rõ đó là Bạch chỉ hay Đương qui. Hai vị thuốc này có nguồn gốc từ hai loài khác nhau trong chi Angelica. Trường hợp này phải viết theo dạng thứ hai dưới đây.
2. Dạng thứ hai: Danh từ chỉ dạng thuốc viết ở thể chủ cách + tên loài cây dược liệu viết ở thể sở hữu cách.
Ví dụ 1: Radix stemonae tuberosae (Bách bộ)
Trong đó:
- radix: rễ cây
- stemonae tuberosae: sở hữu cách của Stemona tuberosa, tên khoa học của cây Bách bộ.
Ví dụ 2: Radix angelicae dahuricae (Bạch chỉ)
Trong đó:
- angelicae dahuricae: sở hữu cách của Angelica dahurica, tên khoa học của cây Bạch chỉ.
Ví dụ 3: Radix angelicae sinensis (Đương qui)
Trong đó:
- angelicae sinensis: sở hữu cách của Angelica sinensis, tên khoa học của cây Đương qui
3. Dạng thứ ba: Danh từ chỉ dạng thuốc viết ở thể chủ cách + tên chi cây dược liệu viết ở thể sở hữu cách + tính ngữ chỉ tính chất của dạng thuốc.
Ví dụ 1: Lignum aquilariae resinatum (Gỗ có nhựa của cây Dó trầm)
Trong đó:
- lignum: gỗ
- resinatum: có nhựa (tính từ giống trung, bổ nghĩa cho lignum)
- aquilariae: sở hữu cách của Aquilaria, tên khoa học của chi Dó (Dó trầm).
Ví dụ 2: Semen vignae praeparatum  (Hạt của cây Đậu đen chế)
Trong đó:
- semen: hạt
- praeparatum: được chế (tính từ giống trung, bổ nghĩa cho semen)
- vignae: sở hữu cách của Vigna, tên khoa học của chi Đậu đen.
4. Dạng thứ tư: Danh từ chỉ dạng thuốc viết ở thể chủ cách + tên loài cây dược liệu viết ở thể sở hữu cách + tính ngữ chỉ tính chất của dạng thuốc.
Ví dụ:
Radix rehmanniae glutinosae praeparata (Rễ cây Địa hoàng chế)
Trong đó:
- radix: rễ cây
- praeparata: được chế (tính từ giống cái, bổ nghĩa cho radix)
- rehmanniae glutinosae: sở hữu cách của Rehmannia glutinosa, tên khoa học của cây Địa hoàng
Danh từ chỉ dạng thuốc thường chỉ một bộ phận, cơ quan của cây dược liệu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau của cùng một loài cây được dùng làm thuốc, lúc đó trong tên dược liệu sẽ xuất hiện cùng lúc nhiều danh từ chỉ dạng thuốc. Các danh từ đó có thể được liệt kê theo dạng dùng dấu phẩy, hoặc liên từ Latin "et", tất cả đều được viết ở thể chủ cách, ví dụ: Gemma et cortex psidii: búp và vỏ cây Ổi. Các danh từ đó cũng có thể được nối nhau bởi một giới từ Latin, lúc đó danh từ đi sau giới từ phải được viết ở thể tạo cách (ablativus), ví dụ: Flos cum folio daturae: Hoa cùng với lá cây Cà độc dược (lúc này không thể viết cum folium được).
Cũng có khi phải dùng danh từ kép để chỉ dạng thuốc thì danh từ chính viết ở thể chủ cách, danh từ bổ nghĩa viết ở thể sở hữu cách, ví dụ: Cortex licii radicis hoặc Cortex radicis licii:Địa cốt bì, vỏ rễ cây Câu kỉ.
Trong tên dược liệu, tên khoa học của cây dược liệu đã chuyển sang thể sở hữu cách, về mặt ngữ pháp nó đóng vai trò một tính ngữ, không còn là danh pháp loài, theo tôi không nên viết hoa.
(Nhiều tài liệu vẫn viết hoa, như vậy là không đúng luật ngữ pháp Latin. Có lẽ do thói quen viết hoa để nhấn mạnh các thành tố trong từng cụm từ, một số tài liệu tiếng Anh đã viết hoa cả tính ngữ. Tuy nhiên, chúng ta cần phân định rõ văn phong tiếng Anh với văn phong tiếng Latin).
Khi chúng ta chuyển ngữ tên dược liệu thì tên cây lại trở về thể chủ cách, lúc ấy mới viết hoa.
Ví dụ: Radix stemonae tuberosae → Rễ cây Bách bộ Stemona tuberosa → The root of Stemona tuberosa species
II. Nguyên tắc viết tên Latin cây dược liệu:
Tên khoa học các cây dược liệu phải được viết theo nguyên tắc quốc tế về đặt tên thực vật. Nguyên tắc đó là:
1. Tên chi: là một danh từ luôn được viết hoa ở thể chủ cách.
2. Tên loài: Là một tập hợp hai từ, trong đó từ thứ nhất là tên chi, từ thứ hai là tính ngữ khoa học chỉ đặc điểm của loài, không viết hoa. Từ thứ hai có thể là danh từ hoặc tính từ.
Nếu là danh từ thì có hai khả năng:
- Danh từ đồng vị (cùng nghĩa hoặc có nghĩa gần) với danh từ chỉ tên chi: được viết ở thể chủ cách.
Ví dụ:

Cinnamomum cassia (Quế)
Areca catechu (Cau)
Danh từ không đồng vị với danh từ chỉ tên chi: phải viết ở thể sở hữu cách. Lúc này dù nó bắt nguồn từ tên người hoặc tên quốc gia cũng không viết hoa (vì không còn là danh từ riêng).
Ví dụ:

Pueraria thomsonii (Sắn dây)
Nếu là tính từ (có thể tính từ nguyên cấp hay tính từ so sánh) thì phải viết hợp giống với danh từ chỉ tên chi.
Ví dụ:

Taraxacum officinalis (Bồ công anh Trung Quốc)
Zingiber officinale (Gừng)
3. Nguyên tắc trích dẫn tên tác giả:
Để đảm bảo tính chính xác, sau tên khoa học của chi hay loài còn yêu cầu viết kèm tên tác giả công bố. Có thể đó là tên một người hoặc cùng lúc tên của nhiều người. Các tên này thường được viết tắt.
Để tránh nhầm lẫn, luật quốc tế về đặt tên thực vật qui định: Trong văn bản viết tay hoặc đánh máy chữ, tên loài phải được gạch chân, tên tác giả không gạch. Trong văn bản đánh máy vi tính hoặc in offset, tên loài phải được in nghiêng, còn tên tác giả in đứng.

 

 
 

Introduction | Forum | Contact us | Latin read & write | Help | Vietnamese

 
© Copyright of Vietnam Forest Creatures
Tel: +844 3895729, 09.44.679.222 -  Email to:
Admin website