Home | Overview | Timbers | National parks | Vietnamese

FOCUS IN WILDLIFE
NEW EVENTS

 

THUẬT NGỮ "CHI" VÀ "GIỐNG" TRONG PHÂN LOẠI HỌC SINH VẬT

Đỗ Xuân Cẩm - Giảng viên Đại học Huế

 

Part 1: Một vài nguyên tắc gọi tên bậc phân loại thực, động vật...

Part 2: Thuật ngữ chi "giống" trong phân loại sinh vật...

Part 6: Hướng dẫn cách viết Latin dược liệu...

Part 3: Danh pháp loài...

Part 7: Hướng dẫn cách đọc Latin...

Part 4: Danh pháp các taxon thuộc các bậc phân loại trên loài...

Part 8: Một số "gốc từ" và "dạng tổ hợp" gốc Hi lạp và Latin...

Part 5: Làm sao để viết hoa tên một sinh vật chính xác...

Part 9: Danh pháp chi thực vật - viết sai - giải pháp...

 

Khi học tập, nghiên cứu phân loại học sinh vật, một phạm trù không thể bỏ qua được là "Nguyên tắc phân loại". Một trong những nội dung cơ bản và quan trọng của nguyên tắc phân loại là "Bậc phân loại", trong đó bậc loài được gọi là bậc phân loại cơ sở. Thuật ngữ quốc tế (viết bằng tiếng Latin) dành cho bậc này là species. Ngoài thuật ngữ quốc tế đó, sẽ có rất nhiều thuật ngữ tương đương do các nhà khoa học chuyên ngành của từng quốc gia chọn. Chẳng hạn như thuật ngữ tiếng Việt là "loài", tiếng Anh là "species", tiếng Pháp là "espèce"…
Một bậc phân loại trên bậc loài được viết bằng tiếng Latin là "genus", trong khi các nhà khoa học trên thế giới thống nhất dùng tiếng Anh là "genus", tiếng Pháp là "genre", thì các nhà khoa học Việt Nam đã không đồng nhất khi chọn một thuật ngữ tiếng Việt tương đương. Các nhà phân loại học thực vật dùng thuật ngữ "chi", các nhà phân loại học động vật dùng thuật ngữ "giống".


Chính đây là khía cạnh chúng tôi muốn trao đổi. Sinh viên khi được học cùng lúc cả hai môn học "phân loại thực vật" và "phân loại động vật" không khỏi băn khoăn về sự thiếu đồng nhất này và đôi khi lẫn lộn trong quá trình kiểm tra, thi cử hay viết khóa luận cuối khóa. Sự nhầm lẫn không dừng lại ở đó, đôi khi nó còn đeo đẳng gây bức rức cho họ suốt cả cuộc đời gắn bó với nghề nghiệp. Đó là một trùng lặp gây phiền toái về mặt học thuật cho bất kì ai khi thâm nhập vào lĩnh vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Bởi rằng, ai đã một lần học phân loại động, thực vật đều biết dưới bậc loài còn có những bậc phân loại dành để chỉ cho những nhóm sinh vật tuy cùng loài, nhưng mang những đặc điểm di truyền thể hiện qua kiểu hình (đặc điểm hình thái, cấu tạo, sinh lí…) khác nhau rõ nét, khiến loài người nói chung và các nhà sản xuất, các nhà khoa học nói riêng phân chúng thành những nhóm nhỏ và dùng một thuật ngữ nào đó gọi chung là các bậc dưới loài.
Trong khoa học, các bậc đó theo trình tự từ loài xuống dần là phân loài (L.: subspecies; E.: subspecies; F.: subespèce) thứ (L.: varietas; E.: variety; F.: variété), dạng (L.: forma; E.: form; F.: forme)*... Trong số đó, ở động vật học, cấp thường được dùng là phân loài, còn ở thực vật học thì cả phân loài và thứ, đôi khi còn cả dạng nữa.
Trong sản xuất, các cây trồng và vật nuôi luôn được chỉ thị bằng cấp bậc giống. Để biểu thị cho bậc giống này, đối với cây trồng gần như đa số nhiều nước trên thế giới dùng thuật ngữ "cultivar" là một từ viết gọn từ tiếng Anh cultivated variety, còn đối với vật nuôi thì "breed" là dạng viết gọn của "animal breed".
Đối chiếu với hệ thống phát sinh chủng loại, giống trong nông nghiệp có lúc là thứ (varietas), cũng có lúc là dạng (forma), thậm chí là một cấp thấp hơn. Ví dụ: trong lâm nghiệp vẫn thường gọi "giống thông Bahama, giống thông Honduras" để chỉ các thứ (varietas) thông thuộc loài thông Caribe (Pinus caribaea) được phát hiện ở Bahama và Honduras. Và giống thông Bahama đó mang tên khoa học là Pinus caribaea var. bahamensis, giống thông Honduras mang tên khoa học là Pinus caribaea var. hondurensis. Trong các tên khoa học đó, var. là từ viết tắt của varietas (thứ). Tương tự như thế, trong ngành cây cảnh và hoa, người ta vẫn gọi giống cô-tòng lá vặn với tên khoa học Codiaeum variegatum var. pictum  f. spirale. Trong đó f. là dạng viết tắt của forma (dạng).
Đôi khi, giống còn được chỉ tên bằng một kí hiệu hay một từ địa phương, chẳng hạn như trong nghề sản xuất lúa nước, ở Việt Nam đã và đang trồng phổ biến nhiều giống lúa thuộc loài Oryza sativa như Thần nông, VN, Khang dân, OM, MTL, CN, CR, IR, 13/2, gie, chùm, hẻo, chiêm…


Như vậy, đối với Thực vật học, chuyện dùng thuật ngữ cho các bậc phân loại dưới loài và cho bậc "genus" không có gì để bàn, vì không có sự trùng lặp. Điều cần bàn là đối với lĩnh vực  Động vật học.
Như đã nói ở trên, trong Phân loại học động vật, cấp "genus" không được gọi là chi như Thực vật học, mà được gọi là giống. Chính cách gọi này đã gây không ít khó khăn cho việc tiếp cận sản xuất. Nhiều giống vật nuôi hiện nay đều là những nhóm quần thể sinh học mang kiểu gen ở cấp dưới loài. Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đồng nhất với nông dân dùng thuật ngữ giống để chỉ một cấp bậc phân loại dưới loài. Chẳng hạn như cùng một loài heo nhà Sus domesticus, ở nông thôn Việt Nam đang tồn tại nhiều giống như Ba xuyên, Đại bạch, Ỉ, Lan Hồng, Mông cái, Thuộc nhiêu, Trắng Phú Khánh, Beshire, Duroc, Hamshire, Landrace,Yorshire… Tương tự như thế, trong mỗi loài bò, dê, gà, vịt cũng gồm nhiều giống khác nhau.


Suy cho cùng, người Việt Nam học phân loại sinh vật cuối cùng cũng để phục vụ sản xuất, bảo tồn đa dạng sinh học. Có nghĩa là,người học phân loại động vật khi ra trường cũng có lúc phải tiếp cận với môi trường chăn nuôi. Lúc đó, họ sẽ nhận ra điều gì khi phải lập một sơ đồ hệ thống phát sinh chủng loại, trong đó có đến 2 cấp giống như sau: 

 
 

Ngay thành ngữ "Con dòng cháu giống" cũng cho thấy rằng người Việt chúng ta đã dùng thuật ngữ giống từ xưa để chỉ một cấp phân loại dưới loài rồi. Tương tự như vậy, cụm từ cửa miệng của dân gian "giống nòi" lại là một minh chứng cho thấy từ "giống" luôn bao hàm một khái niệm về một quần thể sinh học dưới cấp loài. Vì ai cũng hiểu rằng, cho dù bất kì một chủng loại người nào, cho dù thuộc một dòng giống người nào… thì họ cũng chung một loài Homo sapiens và tất nhiên cùng thuộc "genus" Homo. Ở đây tôi tạm dùng thuật ngữ genus, vì tôi không muốn để từ giống vào, còn để từ chi thì chưa được phép. Bây giờ chúng ta thử thay thuật ngữ genus đó bằng thuật ngữ giống như lâu nay trong phân loại học động vật thường dùng thì sẽ thấy thế nào?

Vậy theo tôi, tại sao chúng ta không thống nhất dùng thuật ngữ "chi" cho cả phân loại học thực vật và phân loại học động vật? Dù sao thì đó cũng chỉ là một qui ước, và qui ước đó cũng chỉ cho chúng ta - người Việt. Làm như thế sẽ có được hai điểm lợi, thứ nhất là nhất quán trong lĩnh vực phân loại học sinh vật và thứ hai là tránh được sự trùng lặp khó hiểu. Từ đó cũng ít gây nhẫm lẫn trong truyền thông khoa học.

 

* Chú thích:  L.: tiếng Latin;  E.: tiếng Anh;  F.: tiếng Pháp

 

 


 
 

Introduction | Forum | Contact us | Latin read & write | Help | Vietnamese

 
© Copyright of Vietnam Forest Creatures
Tel: +844 3895729, 09.44.679.222 -  Email to:
Admin website