Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NƯỚC MẮT TÊ GIÁC Ở NAM PHI - NƯỚC MẮT TÊ GIÁC VÀ TỘI ÁC CON NGƯỜI

Phùng Mỹ Trung - WEB ADMIN

 

Phần I: Chào Nam Phi, đất nước tươi đẹp
Phần II: Săn tê giác để bảo tồn nguồn gen
Phần III: Thả tê giác ở để bảo tồn nguồn gen
Phần IV: Nước mắt tê giác và tội ác của con người
Phần V: Sự mê muội đáng hổ thẹn
Phần cuối: Kinh nghiệm quý của Nam Phi

 

Phần IV:  NƯỚC MẮT TÊ GIÁC VÀ TỘI ÁC CỦA CON NGƯỜI

 

Khi con tê giác đen cứng đầu thoát khỏi khu bảo tồn bị bắt trở lại và được chuyển lên xe đặc chủng về nuôi nhốt ở Boma cũng là lúc chúng tôi nhận được tin trực thăng tuần hành mới phát hiện ra 4 cá thể tê giác mới bị săn trộm ở Khu bảo tồn Weenen, cách nơi chúng tôi đang đứng hơn 200 kilomet… Chúng tôi lại gấp rút lên đường.

Qua dữ liệu được truyền trực tiếp từ camera trên máy bay tới thiết bị di động của các nhân viên bảo tồn, chúng tôi biết hai trong số 4 cá thể tê giác đã chết vì bị cắt sừng cách đây vài ngày,  còn hai cá thể còn lại vẫn sống sót do được phát hiện kịp thời và bọn săn thú mới chỉ cắt được một sừng to phía trước. Thật đau lòng khi những hình ảnh từ camera cho thấy máu đang chảy ròng ròng trên khuôn mặt những con vật tội nghiệp ấy.

Chiếc xe của chúng tôi lao về phía Weenen với tốc độ chóng mặt. Chúng tôi dùng bữa sáng ngay trên xe. Sau hơn 2 giờ đồng hồ căng thẳng, chúng tôi đến Weenen khi các bác sĩ thú y đang cứu chữa cho hai cá thể tê giác mới bị bọn săn trộm bắn thuốc mê và cắt sừng. Vì không được tiếp cận hai cá thể này trong lúc các bác sỹ thú y đang làm việc nên chúng tôi lên đường đến nơi phát hiện 2 cá thể tê giác đã chết.

Nhức nhối vấn nạn săn trộm
Theo quy định của Chương trình bảo tồn tê giác, chúng tôi không được sử dụng camera hay các thiết bị có gắn camera… khi tiếp cận hiện trường các nhân viên đang khám nghiệm tử thi tê giác. Tuy nhiên, vì tới Nam Phi trong Chương trình bảo tồn Tê giác nên chúng tôi có được ngoại lệ là được quay phim, chụp hình khi được phép, nhưng không được chụp bất cứ nhân viên nào đang khám nghiệm tử thi tê giác tại đây vì lý do an ninh.
Với mỗi cảnh sát làm công tác điều tra tội phạm săn bắn tê giác, không chỉ riêng cá nhân họ phải đối mặt với hiểm nguy tính mạng mà còn với cả chính gia đình họ. Nếu các hình ảnh khi làm nhiệm vụ của họ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thì họ và người thân của họ có thể bị các tổ chức tội phạm buôn bán động vật hoang dã đe doạ tính mạng.

Vượt qua khoảng 4km đường rừng, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh tượng hết sức đau lòng: Xác hai con tê giác trắng bị cắt sừng đang bắt đầu phân huỷ. Rất có thể, những chiếc sừng của chúng đang trên đường đến Việt Nam hoặc Trung Quốc, nơi có nhu cầu mua bán và tiêu thụ sừng tê giác rất cao. Hành động dùng súng bắn giết tê giác không dã man bằng việc bắn thuốc mê, sau đó cắt sừng và để mặc cho con vật chảy máu đến chết.

 

 

 
 

 

Cảnh sát trưởng R.H Van Rooyen, Chuyên gia điều tra các tội phạm săn bắn động vật hoang dã thuộc Tổ chức Hawks, chia sẻ với chúng tôi: “Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng tỉnh KwaZulu-Natal đã có 135 con tê giác bị giết hại. Đây là con tê giác thứ 6 bị giết trong tuần này và hầu hết những con tê giác đều bị giết tại các khu bảo tồn do nhà nước quản lý. Bọn tội phạm săn tê giác chủ yếu là người bản địa được thuê đi săn bởi vì họ rất thông thuộc địa hình. Bọn chúng được huấn luyện rất bài bản về cách sử dụng súng săn hạng nặng. Tất cả các vết bắn thường trúng ngay vào sọ não con vật và một số con bị bắn trúng tim. Một số kẻ săn trộm được thuê đến từ các quốc gia lân cận như Mozambique, Zimbabue. Bọn chúng rất hung hãn và sẵn sàng bắn trả nhân viên kiểm lâm nếu xảy ra xô xát. Hầu hết những con tê giác bị bắn vào thời gian khoảng 5-6 giờ chiều - khi chúng đã ăn no và tìm nơi ngủ qua đêm. Bọn săn trộm thường ra tay vào thời gian này để chúng có đủ thời gian tẩu thoát trong đêm tối sau khi dùng rìu chặt đứt 2 chiếc sừng của con vật.
Hiện nay bọn săn trộm tê giác châu Phi đã hình thành các tập đoàn tội phạm lớn. Chính phủ Nam Phi đã coi đây là một vấn nạn quốc gia và cho phép quân đội tham gia vào các hoạt động bảo vệ tê giác. Các nhân viên kiểm lâm được phép bắn chết tội phạm săn tê giác tại hiện trường nếu chúng có hành vi chống trả và đe doạ tính mạng của nhân viên thực thi công vụ

R.H Van Rooyen cho biết thêm: “Chúng tôi đã làm hết sức để bảo vệ loài tê giác trên đất nước chúng tôi nhưng những nỗ lực ấy sẽ là vô ích nếu như tình trạng buôn bán và sử dụng sừng tê giác của chúng tôi như là dược liệu ở những quốc gia châu Á vẫn tiếp tục. Mặc dù về mặt khoa học đã chứng minh, sừng tê giác không hề có bất cứ công dụng y dược nào chữa khỏi bệnh ung thư”.

 

 


Những con số đau lòng

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến thăm Lực lượng chống săn trộm tê giác trên không. Tiếp đón chúng tôi là Kiểm lâm viên Lawrence Munro – chỉ huy Lực lượng. Munro bắt đầu câu chuyện với những thông tin không mấy sáng sủa về tình trạng buôn lậu sừng tê giác ở đây:  “Hiện nay, bọn săn trộm đã chuyển hướng đưa sừng tê giác qua các nước lân cận như Mozambique Zimbabue, Kenya… rồi sau đó mới vận chuyển tới châu Á để tiêu thụ. Trung bình mỗi ngày, ở Nam Phi có 3 con tê giác bị giết hại. Riêng năm 2013, tính đến ngày 12/10, đã có tổng số hơn 700 con tê giác bị giết hại. Số lượng tê giác bị giết ngày càng tăng mặc dù chúng tôi đã thực hiện đủ mọi biện pháp nghiệp vụ với những trang thiết bị tối tân nhất để ngăn chặn.”

 

 

 

Trong suốt chuyến đi của mình tới Nam Phi, câu hỏi mà tôi thường được phóng viên truyền hình quốc tế phỏng vấn là: “Việt Nam có quan tâm đến việc bảo tồn tê giác Nam Phi không?, Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng buôn bán sừng tê giác trong khi Nam Phi đã và đang nỗ lực hết mình để bảo tồn loài vật này ?” Đó là những câu hỏi khiến tôi luôn cảm thấy bối rối.
Ngày cuối cùng trước khi hành trình dài gắn bó với tê giác Nam Phi kết thúc, chúng tôi ghé thăm Toà án quận Kemoton. Tiếp chúng tôi là vị Luật sư, Chánh án Priwce Manyathi - người chuyên xử các vụ án hình sự và săn bắt, buôn bán động vật hoang dã thuộc thành phố Johannesbug, nơi có cảng hàng không lớn nhất Nam Phi. Đây chính là địa điểm từng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu sừng tê giác nhất trong những năm qua.
Chánh án Priwce Manyathi cho biết: “Từ năm 2008 đến nay đã có hơn 30 vụ buôn lậu sừng tê giác bị bắt tại Johanesbug. Trong 3 năm từ 2010 đến 2012,  có tới 132 người từ nhiều quốc gia tham gia và buôn bán sừng tê giác bị bắt tại Nam Phi, trong đó người Việt Nam chiếm đa số. Bình quân cứ 10 vụ bị phát hiện thì có 9 vụ do người Việt Nam tiến hành và những vụ còn lại đều có liên quan đến người Việt Nam.  Hầu hết các phạm nhân đều khai trước toà là với một cặp sừng tê giác, người đi săn được hưởng 8000USD, người buôn bán vận chuyển ra khỏi Nam Phi là 15.000USD, còn người mua cuối cùng thì không có con số cụ thể”. 

Chánh án Priwce Manyathi cho biết thêm: “Cách đây 4 tháng chúng tôi bắt giữ 2 sinh viên người Việt Nam vận chuyển sừng tê giác, mỗi người vận chuyển 10 chiếc. Trước toà, họ khai là được thuê vận chuyển một gói hàng đóng kín mà không biết bên trong là sừng tê giác. Toà án xử phạt mỗi người 1 triệu Ran (khoảng 90.000USD) và ngay lập tức họ có đủ số để nộp phạt. Điều đó cho thấy, có một tổ chức rất mạnh đứng đằng sau họ, sẵn sàng trả tiền cho người vận chuyển nếu bị bắt. Hầu hết những người được thuê vận chuyển sừng tê giác là người nghèo hoặc người đang gặp khó khăn về tài chính”.

 

 

 
 

 

Câu chuyện với Chánh án Priwce Manyathi khiến lòng tôi trĩu nặng. Ngoài kia, ánh hoàng hôn rực rỡ đang chan hòa vạn vật. Đó cũng là thời điểm những cá thể tê giác Nam Phi đang chuẩn bị một nơi nghỉ ngơi sau một ngày dài sôi động. Chính lúc này đây, những điều bất trắc tệ hại nhất có thể xảy đến với chúng. Kẻ thù không chỉ là các loài thú ăn thịt trong tự nhiên mà nguy hiểm hơn, man rợ hơn chính là con người -  những kẻ đang chờ cơ hội để sát hại chúng bằng những phát đạn.

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này