Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

NƯỚC MẮT TÊ GIÁC Ở NAM PHI - CHÀO NAM PHI, ĐẤT NƯỚC TƯƠI ĐẸP

Phùng Mỹ Trung - WEB ADMIN

 

Phần I: Chào Nam Phi, đất nước tươi đẹp
Phần II: Săn tê giác để bảo tồn nguồn gen
Phần III: Thả tê giác ở để bảo tồn nguồn gen
Phần IV: Nước mắt tê giác và tội ác của con người
Phần V: Sự mê muội đáng hổ thẹn
Phần cuối: Kinh nghiệm quý của Nam Phi

 

Phần I: CHÀO NAM PHI ĐẤT NƯỚC TƯƠI ĐẸP !

 

Có những vùng đất dù chỉ đi qua một lần cũng đã gây cho chúng ta rất nhiều thiện cảm về con người, văn hóa, phong tục tập quán và những phong cảnh đẹp tự nhiên. Nam Phi là một trong số đó. Cho dù bạn là ai, bạn cũng sẽ dễ dàng cảm nhận những điều thú vị tuyệt vời trong hành trình khám phá Nam Phi hoang dã này.

Tôi có cơ hội đến Nam Phi nhờ đoạt Giải Đặc biệt trong cuộc thi báo chí với đề tài “Không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, các bộ phận và dẫn xuất của chúng, góp phần bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học Việt Nam". Giải thưởng đầy bất ngờ đối với một người viết báo nghiệp dư đã mang đến cho tôi - một người làm bảo tồn đa dạng sinh học - cơ hội trải nghiệm tuyệt vời ở Nam Phi với các đồng nghiệp trên mảnh đất mũi Nam lục địa châu Phi này. Nhưng, trong chuyến đi đầy những điều tuyệt vời ấy còn có cả sự trĩu nặng…
Cùng đi với tôi còn có một phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và một nhân viên TRAFFICE làm phiên dịch cho đoàn. Sau 9 giờ bay từ Hà Nội, qua 2 chặng bay, Cảng hàng không quốc tế Tambo (Thành phố Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi) hiện ra trước mắt chúng tôi vào lúc 6:30 phút sáng. Là thành phố đông dân nhất Nam phi với số dân trên 11 triệu người nhưng Johannesburg cũng được thế giới công nhận là một trong những thành phố xanh nhất thế giới.

Tôi xúc động khẽ cất lên: Xin chào Nam Phi tươi đẹp!

 

 

 

“Ông đến Nam Phi làm gì?”
Ở cửa khẩu sân bay Tambo, khi tôi làm thủ tục nhập cảnh vào Nam Phi, nhân viên hải quan ở đó nhìn tôi chằm chằm sau khi tôi đưa tấm hộ chiếu: “Ông đến Nam Phi làm gì? Ở lại bao lâu? Ông đi cùng ai?… Vẻ mặt cộng với sắc giọng của anh ta không có vẻ gì là thân thiện. Tôi hơi bất ngờ nhưng cũng lập tức đoán được nguồn cơn thái độ thiếu thiện chí của anh ta. Suy nghĩ của tôi được khẳng định chỉ vài ngày sau đó, khi có dịp làm việc với các đồng nghiệp ở Nam Phi và một số cơ quan về bảo tồn động vật hoang dã của đất nước này.
Phớt lờ thái độ của nhân viên này, tôi lịch sự trả lời: “Tôi tới đây thông qua chương trình nâng cao việc bảo tồn tê giác do Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán thực, động vật hoang dã (TRAFFIC), Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) và các tổ chức khác của Nam Phi tài trợ”. Nghe tới đây, anh ta nhanh nhẹn đóng dấu thông quan và trả lại hộ chiếu cho tôi với thái độ khác hẳn.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển tới sân bay Duban thuộc KwaZulu-Natal - một tỉnh của Nam Phi có chung đường biên giới với Mozambique, Swaziland và Lesotho. KwaZulu-Natal sở hữu hai di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận là Công viên đầm lầy iSimangaliso và Công viên uKhahlamba Drakensberg. Tuy nhiên, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Khu bảo tồn thiên nhiên Nambiti – một khu bảo tồn do tư nhân quản lý.

Cô bạn xinh đẹp người Nam Phi Becky đón chúng tôi tại sân bay Duban và bắt đầu giới thiệu về lịch trình khoảng 4 tiếng xe chạy để đến được Khu bảo tồn thiên nhiên Nambiti. Ở Nam Phi, hệ thống giao thông được xây dựng theo kiểu Anh nên các tay lái xe đều nằm bên phải. Chiếc xe chạy với vận tốc 110km nhưng cảm giác rất thoải mái vì hạ tầng giao thông rất tốt và rất ít tiếng ồn. Các tài xế ở Nam Phi rất tôn trọng luật giao thông, gần như không bóp còi hay phóng nhanh, vượt ẩu. Becky cho biết, ở Nam Phi, người vi phạm luật giao thông bị phạt rất nặng và có thể bị truy tố. Hơn nữa, chẳng ai muốn vào sổ đen của cảnh sát giao thông để bị chú ý hay tốn thời gian cho việc bị thẩm vấn bởi nhà chức trách. Tuy nhiên, qua cách cô bạn người Nam Phi chia sẻ, tôi hiểu, quan trọng hơn cả, tôn trọng luật pháp chính là một trong những biểu hiện đầu tiên của cách sống văn minh…

 

 

 

Chào vị khách phương xa

Thời điểm này, Nam Phi đang bắt đầu vào Xuân. Rất nhiều loài thực vật trổ hoa rực rỡ hai bên đường tựa một bức tranh đa sắc bất tận. Xa xa là những đàn gia súc đông đúc trên đồng cỏ xanh mượt, trải dài nhiều cây số vuông. Thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài lâu đài cổ nằm giữa sườn đồi thoai thoải cùng tháp chuông nhà thờ được bao bọc bởi những lùm cây xanh rì. Loài cây trổ hoa phổ biến nhất ở Nam Phi vào mùa này là loài phượng tím Jacranda mimosaefolia. Khắp các con đường, các khu nhà được che phủ bởi sắc tím nhạt nổi bật trên nền trời trong biếc.

 

 


Càng đi sâu vào đất liền, đất đai trở nên khô cằn và những biểu hiện của sa mạc hoá càng rõ rệt. Cây cối chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng rực. Những cánh đồng cỏ úa vàng. Thỉnh thoảng, chúng tôi mới nhìn thấy những con đập nhỏ còn trữ nước với phảng phất một chút màu xanh của cỏ ven bờ.
Đó là thời điểm giữa trưa. Mặt trời như thiêu đốt vạn vật. Nhiệt kế trên xe chỉ sức nóng ngoài trời lên đến hơn 40 độ C. Từng đàn gia súc tránh nắng bằng cách tụ tập bên hồ nước hay dưới những tán cây. Mặt đường nhựa bốc hơi ngùn ngụt nhưng xe cộ thì vẫn nườm nượp, vun vút lao đi. Những người duy nhất vẫn làm việc trong thời tiết khủng khiếp mà chúng tôi nhìn thấy trên đường là các công nhân cầu đường. Họ cặm cụi, nhẫn nại làm việc cùng các máy móc chuyên dụng để sửa lại những đoạn đường hỏng.
Chúng tôi đến khu bảo tồn thiên nhiên tư nhân Nambiti vào lúc 2 giờ chiều. Chuyên gia tư vấn về bảo tồn tê giác đen – Tiến sỹ Simon Morgan - (thuộc tổ chức Wildlife ACT Fund -Chương trình Bảo tồn tê giác đen Nam Phi) đón chúng tôi với thái độ hồ hởi. Mặc dù trải qua một quãng đường dài, mệt và đói, nhưng mọi người đều lập tức hưởng ứng khi Simon mời chúng tôi đi thăm Khu bảo tồn bằng xe chuyên dụng. Cả đoàn dùng bữa luôn trên xe để có dịp chiêm ngưỡng tận mắt các loài sinh vật mà trước đây mới chỉ được tìm hiểu qua truyền hình và internet.

Đón chào các vị khách từ phương xa đến là đôi vợ chồng nhà đà điểu châu Phi Struthio camelus đang hồn nhiên dùng bữa; Bầy linh dương đầu bò Connochaetes taurinus nhởn nhơ gặm cỏ; Bầy trâu rừng Syncerus caffer với số cá thể lên tới vài trăm con đang di chuyển sang vùng đồng cỏ mới; Ngay cạnh đó là bốn mẹ con nhà báo Cheetah Acinonyx jubatus đang dạy nhau săn mồi với những bước chạy dũng mãnh… Ở một góc khuất, nàng sư tử cái Panthera leo đang thưởng thức bữa chiều bằng phần còn lại của một con trâu rừng sau khi chàng sư tử đực đã chén no nê những phần ngon nhất… Khung cảnh toát lên sự yên ả, thanh bình.

Thời gian trôi qua thật nhanh trong khi chúng tôi mê mải ngắm nhìn khung cảnh hoang dã tuyệt vời ấy. Hoàng hôn bắt đầu níu màn đêm buông xuống vùng hoang mạc. Từng đàn ngựa vằn đồng bằng - Equus quagga, linh dương đầu bò - Connochaetes taurinus, linh dương sừng xoắn - Tragelaphus angasii … bắt đầu tìm chỗ ngủ đêm. Chúng lầm lũi bước đi khi những tia nắng Mặt trời cuối cùng trong ngày vụt tắt. Nhiệt độ giảm xuống rất nhanh. Những cơn gió lạnh buốt bắt đầu thổi…

 

 

 
 


Trên đường về, trong khi cả đoàn đang tiếc nuối thì Giám đốc bảo tồn của của Khu bảo tồn Nambiti Ông Clarke bật mí: “Ngày mai, chúng tôi sẽ mời các bạn tham gia săn tê giác từ Imfolozi – khu bảo tồn cách đây vài trăm kilomet và thả tê giác ở một địa điểm bí mật trong khu bảo tồn”. Chúng tôi háo hức mong chờ những bất ngờ sẽ diễn ra sau ngày đầu tiên đầy ấn tượng trên đất nước nằm ở mũi phía Nam lục địa Châu Phi này.

Box:

Ở Nam Phi, ngoài các Vườn quốc gia lớn còn có rất nhiều các khu bảo tồn tư nhân. Người dân có thể bỏ tiền ra thuê một khu rừng có diện tích đủ lớn (khoảng trên dưới 10.000ha) để quản lý và khai thác, sau khi có sự đồng thuận của lãnh đạo địa phương và cộng đồng. Người thuê khu bảo tồn có trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo tồn các sinh vật trên diện tích rừng này và được hưởng các lợi từ việc săn bắn thú hoang và kinh doanh du lịch sinh thái.
Người dân địa phương và các cấp chính quyền sẽ cùng tham gia quản lý và giám sát việc bảo vệ rừng, bảo tồn thú hoang cùng với chủ đầu tư. Có một số người thuê đất sau đó đã mua lại toàn bộ đất đai và tài nguyên rừng trong khu vực khu bảo tồn với cam kết tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa.

 

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này