NIỆC CỔ HUNG
NIỆC CỔ HUNG
Aceros nipalensis
(Hodgson, 1829)
Buceros
nipalensis
Hodgson, 1829
Họ: Hồng hoàng Bucerotidae
Bộ: Sả Coraciiformes
Đặc điểm nhận
dạng:
Chim có kích
thước lớn, đặc điểm nổi bật là đầu, cổ và dưới thân có màu hung. Lông đuôi có
màu đen ở nửa phía gốc và trắng phía ngoài. Cánh đen, nhưng cuối lông sơ cấp
viền trắng. Mỏ màu vàng không có mỏ sừng nhô lên ở trên mỏ. Con cái có màu đen ở
đầu, gáy và cổ. Dưới cằm có nếp da màu đỏ tươi như ở con đực (xem hình vẽ).
Sinh học, sinh
thái:
Sống định cư
trong các vùng rừng thường xanh cây lá rộng, ở độ cao từ khoảng 600 - 1.800m (tuy
nhiên, có thể gặp chúng ở đai thấp 150m hay lên tới độ cao 2.200m). Làm tổ vào
tháng 3 - 6, trên cây cao, có đường kính rộng. Thực tế có một số quần thể di
chuyển theo mùa giữa các vùng rừng và khu vực khác nhau, phụ thuộc vào nguồn
thức ăn là những loài cây cho quả trong năm . Tập tính sinh sản tương tự các
loài khác trong cùng họ, làm tổ trong hốc cây, có độ cao cách mặt đất là 10-30m.
Đẻ 1 - 2 trứng, có màu luốc, kích thước trứng (53,3 - 68) x (39,9 - 46,5) mm.
Phân bố:
Trong nước: Tây
Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái), Bắc Trung Bộ (Nghệ An).
Thế giới: Từ
Nêpan đến Bắc Lào Ấn Độ, Butan, Băngladet, Mianma, Tây Bắc Trung Quốc, Bắc và
Tây Bắc Thái Lan.
Giá trị:
Loài chim có kích
thước lớn, màu sắc đẹp, dễ dàng phát hiện ở rừng, nên từ lâu chúng đã là đối
tượng săn bắt, chủ yếu là để lấy thịt.
Tình trạng:
Là một trong các
loài thuộc họ chim Hồng Hoàng bị đe doạ và suy giảm số lượng nhanh chóng ở Việt
Nam, khu vực và thế giới. Không còn tìm thấy tại một số nơi thuộc khu phân bố
lịch sử của chúng như Mường Muôn (Lai Châu), và Sa Pa, Phan Si Păng ở Lào Cai
(11) và một số địa điểm khác. Các thông tin mới (6,7) như Vườn quốc gia Pù Mát,
phát hiện một quần thể 2 - 4 cá thể ở độ cao 1.400m (80), hay khu vực rừng Mù
Cang Chải, Yên Bái, mới phát một quần thể khác không lớn (94). Nguyên nhân đe
doạ chủ yếu là do bị săn bắt quá mức, vùng làm tổ và kiếm ăn bị mất, bị thu hẹp
hay còn lại ở tình trạng phân tán do hầu hết rừng nguyên sinh đã bị khai thác,
mất đi hoặc bị thu hẹp đáng kể.
Phân hạng:
CR C2a+2b D
Biện pháp bảo vệ:
Sách đỏ Chim Châu
Á (2001), bậc Vu (sẽ nguy cấp). Thuộc nhóm IIB trong Nghị định 48/CP ngày
22/04/2002 của Chính phủ. Trong Công ước quốc tế CITES, thuộc Phụ lục I và II.
Cần có biện pháp để ngăn chặn có hiệu quả việc săn bắt động vật hoang dã ngay cả
trong các khu bảo vệ. Vùng rừng Mù Cang Chải cần được quy hoạch bảo tồn (trong
khuôn khổ dự án của mình, Tổ chức động thực vật thế giới FFI đang thực hiện
phương thức bảo tồn dựa vào cộng đồng tại nơi đây) và đầu tư kịp thời, đồng thời
giúp đỡ cộng đồng cải thiện đời sống để thay đổi tập quán săn bắt chim thú rừng.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 284.