BỒ CÂU NÂU
BỒ CÂU NÂU
Columba punicea
(Blyth, 1842)
Alsocomus puniceus
Blyth, 1842
Họ: Bồ câu Columbidae
Bộ: Bồ câu Columbiformes
Đặc
điểm nhận dạng:
Chiều
dài thân: 36 - 41 cm. Con đực trưởng thành có màu lông ở đỉnh đầu và xung quanh
mắt trắng bạc và màu xám ở con cái, còn ở chim non có màu nâu hung nhạt như màu
lông ở cổ. Da gốc mỏ và vòng quanh mắt màu đỏ.
Sinh
học, sinh thái:
Vùng cư
trú đa dạng, gặp từ đai thấp tới các đai có độ cao khoảng 1.600m (hay cao hơn
như đã gặp ở núi Bi Đúp và Đồi 1978 ở Lâm Đồng). Chủ yếu gặp ở rừng thường xanh
nguyên sinh hay thứ sinh, nhưng đồng thời cũng gặp ở những nơi trống trải, rừng
cây họ dầu, tre nứa và cả vùng trồng trọt. Chỉ gặp ngoài mùa sinh sản ở rừng
ngập mặn hoặc loại rừng khác trên các hòn đảo biệt lập (năm 1995, gặp trên đảo
Hòn Mun, thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long, Quảng Ninh).
Thức ăn chủ yếu
là các loại quả và hạt. Cho đến nay người ta chưa biết rõ quy luật di chuyển
trong các vùng cư trú khác nhau của chúng. Về đặc tính sinh sản, được mô tả (79)
là chim làm tổ vào tháng 6-7 hàng năm, tổ làm trên cây nhỏ, ở bụi rậm cao hay
tre, cách xa mặt đất khoảng 6m, đẻ 01 trứng, màu trắng, kích thước trứng 37,6 x
29,2mm.
Phân bố:
Trong nước: Vùng
Đông Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên (Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh
Hoà, Bà Rịa, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Bình Phước).
Thế giới: Đông
Bắc Ấn Độ đến Himalaya (Ấn Độ, Trung Quốc, Xri Lanka, Băngladet, Mianma, Thái
Lan và Đông Dương).
Giá trị:
Nguồn gen hiếm,
đang bị suy giảm. Là loài chim cảnh đẹp.
Tình trạng:
Từ trước đến nay
đã gặp ở nhiều nơi trong các vùng phân bố , vào những năm về trước như Quảng Trị,
Huế, Nha Trang, Di Linh (Delacour et al. 1931), Plei Ku, Bình
Phước (David-Beaulieu, 1936), và các năm gần đây như Cam Ranh, Khánh Hoà, 1966
(Sheppard, 1967), Đắk Lắk (70), Lâm Đồng (Eames et al, 1995, Robson et
al., 1994), và một số nơi khác. Nguyên nhân bị đe doạ do vùng cư trú thích
hợp bị tác động, và bị săn bắt nhiều, số lượng suy giảm, hiếm gặp. Đang bị đe
doạ không chỉ ở nước ta, mà cả trong khu vực và trên thế giới, cần được quan tâm
bảo vệ.
Phân hạng:
EN A1a,c,d C2a
Biện pháp bảo vệ:
Trong chiến lược
bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, cần có kế hoạch điều tra, nghiên cứu về sinh
học, sinh thái và tính chất di chuyển của chúng liên quan đến nguồn thức ăn và
các khu bảo vệ thiên nhiên hiện đã được xây dựng ở nước ta, cũng như các vùng
đệm xung quanh. Giáo dục ý thức bảo vệ cho cộng đồng, giúp họ phân biệt được Bồ
câu nâu và các loài cu xanh, cu gáy phổ biến khác, nhằm góp phần ngăn chặn dần
hiện tượng săn bắt để lấy thịt và buôn bán loài này. Sách Đỏ Việt Nam (1992,
2000), bậc T (bị đe dọa), Sách Đỏ Chim Châu Á (2001), bậc Vu (sẽ nguy cấp).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 278.