Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Gà lôi lam mào đen
Tên Latin: Lophura imperialis
Họ: Trĩ Phasianidae
Bộ: Gà Galliformes 
Lớp (nhóm): Chim  
       
 Hình: Karen Phillipps  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    GÀ LÔI LAM MÀO ĐEN

GÀ LÔI LAM MÀO ĐEN

Lophura imperialis (Delacour et Jabouille, 1924)

Hierophasis imperialis Delacour et Jabouille, 1924.

Họ: Trĩ Phasianidae

Bộ: Gà Galliformes

Đặc điểm nhận dạng:

Con đực trưởng thành có màu xanh lam thẫm. Mào lông ở gáy màu lam đen. Lưng, cánh và đuôi màu đen, mép lông màu lam ánh thép. Hai lông đuôi ở giữa nhọn, dài và ngắn dần ở các đôi tiếp theo 2 bên. Da trần quanh mặt đỏ tía, tạo thành thuỳ nhỏ ở hai bên trán. Mắt màu đỏ da cam, mỏ màu lục vàng nhạt hay màu sừng, chân đỏ tía. ở con đực non gần tuổi thành thục có bộ lông màu nâu tối, nhiều chỗ có vân mảnh trắng ngà, đầu, mào, cổ và ngực màu lam đen. Con cái trưởng thành không có mào rõ ràng. Bộ lông nhìn chung có màu nâu hạt dẻ. Các phần khác có màu tương tự như ở con đực.

Sinh học, sinh thái:

Trong nuôi nhốt chim đẻ vào tháng 6, mỗi lứa đẻ 5 - 7 trứng vỏ trứng màu kem hay hồng thẫm với các chấm trắng nhỏ. Thời gian ấp 25 ngày. Cũng như các loài Gà lôi khác, lôi lam mào đen ăn côn trùng, các loại hạt, quả cây trong rừng.

Gà lôi lam mào đen được tìm thấy đầu tiên trên thế giới ở khu vực rừng xanh ẩm trên núi đá vôi giữa tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Mẫu chim đực non tìm thấy vào tháng 9 năm 1990, ở rừng thứ sinh trên độ cao 50 - 200m thuộc vùng nam tỉnh Hà Tĩnh (huyện Kỳ Anh) và cũng có khả năng vùng Khe Nét (Tuyên Hoá, Quảng Bình). Cũng như các loài trĩ khác, gà lôi lam mào đen ban ngày kiếm ăn ở mặt đất ban đêm bay lên cây đậu ngủ. Trong cùng sinh cảnh còn gặp các loài trĩ khác như Trĩ sao, Gà tiền mặt vàng, Gà lôi trắng, Gà so ngực gụ, Gà rừng...

Phân bố:

Trong nước: Vùng phân bố lịch sử là Quảng Bình, Quảng Trị. Vùng phân bố mới phát hiện ở phía Nam tỉnh Hà Tĩnh (vùng rừng Khe Nét, thượng nguồn sông Gianh thuộc huyện Kỳ Anh), Quảng Bình (huyện Tuyên Hoá).

Thế giới: Theo Delacour et al (1931) có khả năng ở Lào, dọc theo biên giới gần với khu phân bố nói trên.

Giá trị:

Gà lôi lam mào đen là loài đặc hữu của Việt nam, rất hiếm, có vùng phân bố hẹp, do đó có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu.

Tình trạng:

Vùng phân bố lịch sử của gà lôi lam mào đen nằm trong khu vực chiến tranh khốc liệt kéo dài ở Việt nam, rừng bị huỷ hoại nặng nề, tiếp tục bị khai thác mạnh, cùng với hiện tượng săn bắt quá mức, nên loài này gần như bị tuyệt chủng, vì thế từ sau năm 1990 cho đến nay chưa tìm thấy lại. Khu vực thu mẫu cũ cho đến nay cũng vẫn là nơi rừng đã bị biến đổi nặng nề.

Phân hạng: CR A1b, c, d B1+ 2c, e C2a.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000), Danh Lục Đỏ IUCN (1996, 2000), Nghị định 18/HĐBT (1992) và Nghị định 48/ NĐ-CP (2002), Phụ lục I của công ước CITES. Cần tiếp tục điều tra nghiên cứu để làm rõ ranh giới khu phân bố, hiện trạng và số lượng của chủng quần còn sót lại để đề xuất biện pháp bảo vệ, phục hồi chúng một cách thích hợp.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 262.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Gà lôi lam mào đen

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này