New Page 2
CÔNG
Pavo muticus
Delacour, 1949
Họ: Trĩ Phasianidae
Bộ: Gà Galliformes
Đặc điểm nhận dạng:
Nhìn chung bộ lông ở con
đực trưởng thành có màu lục ánh thép. Đuôi dài, lông bao đuôi trên phát triển
thành lông trang hoàng dài tới 1500mm, màu lục ánh đồng, lúc xoè ra có hình nan
quạt thẳng đứng. Con cái có màu sắc tương tự con đực, chỉ khác là đuôi ngắn hơn
và không có lông trang hoàng.
Mỏ xám
sừng. Mắt nâu, da quanh mặt vàng xanh. Giò xám thẫm ánh xanh. Con đực và cái đều
có cựa, nhưng ở con đực phát triển hơn con cái.
Sinh
học, sinh thái:
Công
làm tổ đơn giản ngay trên mặt đất ở nơi kín đáo nhưng khô, thoáng. Thời gian đẻ
vào tháng 5 - 6, mỗi lứa đẻ 3 - 5 trứng hình bầu dục, một đầu to, một đầu nhỏ.
Công nuôi ở Vườn thú Hà Nội đẻ 6 quả (Đặng Gia Tùng, 1998). Nuôi ở Suối Hai, Ba
Vì đẻ tới 10 quả, vỏ trứng màu hung nhạt. Kích thước trung bình (77,6 x 56,3mm),
thời gian ấp là 24 - 25 ngày (Trương Văn Lã, 1997).
Thức ăn chủ yếu là các
loại quả cây, hạt ngũ cốc, hạt cỏ dại, nhiều loại côn trùng trong đó chúng thích
nhất là cào cào, châu chấu, giun đất và ngoé, nhái. Mùa thay lông vào tháng 6 và
tháng 11 trong năm.
Phân bố
Trong nước:
Vùng Hà Tĩnh (Khe
Bưởi, hồ Kẻ Gỗ), Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hoà ( Diên Khánh), Gia Lai, Kontum,
Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước ( Bù Gia Mập), Đồng Nai (Vườn Quốc gia Cát Tiên).
Thế giới:
Đông Mianma, Trung Quốc (Nam Vân Nam), Lào, Cămpuchia, Thái Lan.
Giá trị:
Chim có bộ lông và hình
dáng đẹp nên đã trở thành chim cảnh từ lâu ở nhiều nước trên thế giới và có giá
trị khoa học, thương mại ...
Tình trạng:
Tình trạng nơi ở trong tự
nhiên bị phá hoại nghiêm trọng, khu phân bố bị thu hẹp nhanh chóng. Săn bắt rất
bừa bãi và quá mức, vì vậy số lượng công bị giảm sút mạnh. Hiện nay công chỉ còn
số lượng ít rải rác từ Bắc Trung Bộ trở vào và không còn công ở nhiều nơi trong
vùng phân bố nhất là ở Bắc Bộ. Chỉ hai Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) và Cát
Tiên (Đồng Nai) hiện là những nơi còn số lượng công nhiều nhất của nước ta. Tuy
nhiên ở Vườn thú Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Công được nuôi và sinh sản bình
thường.
Phân hạng:
EN A1a,c,d + 3b,d C2a.
Biện pháp bảo vệ:
Loài quý hiếm đã được đưa
vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000 ), IUCN (1996, 2000), Sách Đỏ Chim Châu Á
(2001), bậc VU (sắp nguy cấp). Nghị định 18/HĐBT (1992), 48/NĐ-CP (2002)
và Phụ lục II của công ước CITES. Khẩn trương tích cực bảo vệ các đàn công hiện
nay còn lại trong tự nhiên, đặc biệt chú trọng các Khu bảo tồn thiên nhiên và
Vườn quốc gia. Nghiêm cấm việc săn bắt và kiểm soát việc buôn bán vận chuyển
công trái phép. Đồng thời có kế hoạch hồi phục lại Công ở các khu rừng trước đây
có Công ở miền Bắc.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 265.