NGAN CÁNH TRẮNG
NGAN CÁNH TRẮNG
Cairina scutulata
(Mỹller, 1842)
Anas scutulata
Mỹller, 1839.
Họ: Vịt Anatidae
Bộ: Ngỗng Anseriformes
Đặc điểm nhận
dạng:
Chiều dài thân:
66 - 81cm. Đây là loài chim sống ở vùng rừng, nhìn chung bộ lông có màu tối.
Lông bao cánh nhỡ và nhỏ trắng, khi bay nhìn thấy rõ màu trắng của lông bao cánh
tương phản với màu lông của các phần còn lại trên cánh. Đầu và trên
cổ trắng nhạt. Mỏ vàng nhạt. Con cái nhỏ hơn con đực, con non có màu nâu
nhiều hơn.
Sinh học, sinh
thái:
Ngan cánh trắng
sống ở vùng
đất ngập nước tự nhiên (nước tù hay có chảy chậm), hay nhân tạo, nằm bên
trong hay gần các vùng rừng thường xanh, rừng cây họ dầu, rừng ngập nước ngọt,
phụ thuộc nơi làm tổ và ngủ của chim. Thường làm tổ trong hốc cây. Nơi ở thích
hợp nhất là vùng đất ngập nước trũng (dưới 200m), có thể gặp tới độ cao 1.500m.,
đặc biệt là ở vùng cao nguyên nơi có các con suối chảy chậm hay hồ và có nước
quanh năm. Mặc dầu có đời sống định cư, song một số con lại di chuyển ở khoảng
cách không xa vào mùa khô khi mực nước bị cạn kiệt . Thường gặp đi lẽ hay đôi,
và
kiếm ăn về đêm. Tại suối Đắk Đoa (Đắk Mil, Đắk Lắk), năm 1998, lúc sáng sớm,
gặp hai con kiếm ăn ở vùng suối cạn, nhiều đá, nước chảy chậm, hai bên là rừng
già cây họ dầu và tre, không có các hoạt động của con người. Trước đó, vào sáng
sớm, gặp chúng bay khỏi nơi đó. Năm 1993, gặp hai con Ngan cánh trắng bay về khu
rừng ven hồ vào lúc sáng sớm, chứng tỏ chúng kiếm ăn trong đêm tại khu vực ruộng
lúa ở ngay bên ngoài bờ hồ Kẻ Gỗ.
Phân bố:
Trong nước: Trung
bộ và Nam bộ.
Thế giới: Ấn
Độ, Mianma, Thái Lan, Lào, Cămpuchia, Malaixia và Inđônêxia.
Giá trị:
Loài hiếm, bị đe
doạ
tuyệt chủng trên thế giới, trong khu vực và ở nước ta.
Tình trạng:
Trước đây được mô
tả đã gặp nhiều nơi ở nước ta: Năm 1926, tại một nơi gần Vinh, Nghệ An (Delacour
et al., 1928, Delacour et al., 1931), Theo David - Beaulieu (1932)
ở Đồng Nai (Hớn Quảng cũ) vào các năm 1929 - 31, hiếm gặp hơn so với ở Bình
Phước (Phú Riềng cũ). Năm 1928, ở Phú Riềng đã thu thập được 1 - 2 mẫu vật
(Delacour et al. 1931). Tại Bình Phước (An Bình cũ), đã thu thập 1-2 vật
mẫu vào tháng 3/1927; Năm 1928, thu một mẫu con cái và lưu ở MNHN (Delacour
et al. 1923, Delacour et al. 1931). ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng
Nai), tháng 1/1990, và đầu năm 1991 gặp 1-2 con (Robson et al., 1991,
1994).
Tại Vườn quốc gia Tràm Chim trong các năm 1992 - 1993 có một số ghi nhận
về loài này (Anon., 1993), tuy nhiên cần thẩm định thêm. Tương tự như vậy, trong
năm 2002 (Nguyễn Cử) kiểm lâm khu vực thông báo thường gặp ở dọc Rào Cái, thuộc
địa phận Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Theo Nguyễn Cử, tháng 5/1993 đã gặp một
đôi ở vùng hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), và năm 1998, gặp một đôi khác ở Đắk Lắk (suối Đắk
Đoa, Đắk Mil). Ngày 19/3/2003 gặp 01 con ở suối Đắk Lau
Vườn quốc gia Yook Don và ngày 4/4/2004 gặp lại 2 con tại đây. Như vậy, Ngan
cánh trắng hiện có ở một vài nơi trong nước ta, song số lượng rất ít, hiếm gặp,
các vùng phân bố còn lại bị chia cắt và chịu nhiều tác động mạnh của con người.
Đây là đối tượng dễ dàng bị săn bắt để lấy thịt.
Phân hạng:
CR A1a,c,d.
Biện pháp bảo vệ:
Sách Đỏ Việt Nam
(1992, 2000), bậc Vu (sẽ nguy cấp), Phụ lục II của CMS (Công ước
Quốc tế bảo vệ các loài
di trú). Các cá thể còn sống sót được bảo vệ ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ
Gỗ, Hà Tĩnh, Vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai. Tại 2 nơi này có các sinh cảnh
đất ngập nước ở rừng phù hợp với vùng sống của Ngan cánh trắng. Khu vực suối Đắk
Đoa ở Đắk Mil, Đắk Lắk nằm ở đường biên giới Việt Nam - Cămpuchia hiện chưa được
bảo vệ. Tuy nhiên, cần được quan tâm việc điều tra nghiên cứu để phát hiện thêm
về các quần thể còn sống sót tại các khu vực khác nhau có điều kiện tự nhiên phù
hợp, mặt khác cần tuyên truyền giáo dục để các cộng đồng cùng biết, tham gia
phát hiện và góp phần bảo vệ tốt.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.