QUẮM LỚN
QUẮM LỚN
Pseudibis gigantea
(Oustalet, 1877)
Ibis
gigantea
Oustalet, 1877
Thaumatibis gigantea
(Oustalet, 1877)
Họ: Cò quăm Threskiornithidae
Bộ Hạc Ciconiiformes
Đặc điểm nhận
dạng:
Chiều dài thân:
102-106 cm. Con trưởng thành có kích thước lớn, tối màu. Lông ở đầu, cổ xám
nhạt, và có mút lông màu đen.
Thân có
màu đen nhạt ngược lại với màu cánh xám nhạt và cuối mỗi lông có viền đen.
Mỏ dài và cong. Giò đỏ nhạt.
Sinh
học, sinh thái:
Quắm
lớn cư trú trong các hồ, suối lớn, và bãi sình lầy ở các vùng rừng trống trải,
nhất là rừng cây họ dầu, trên các đai địa hình đồi núi thấp. Trước đây còn gặp ở
ruộng lúa.
Thường kiếm ăn ở
chỗ sình lầy và cả trên các bãi khô, gặp chúng đi lẻ, đi đôi, hay theo đàn nhỏ.
Thức ăn là các loài động vật không xương sống, một số loài bò sát, ếch nhái có
kích thước nhỏ.
Chưa có số liệu
về
tập tính sinh sản. Tuy nhiên, người ta biết chúng thường làm tổ trên cây.
Phần lớn sống định cư, nhưng cũng có trường hợp một vài
quần thể phải thay đổi vùng sống do sự quấy nhiễu của con người hay sự biến
động của mực nước tự nhiên trong vùng cư trú
Phân bố:
Trong nước: Nam
Trung bộ và Nam bộ.
Thế giới: Thái Lan,
Cambodia, Lào.
Giá trị:
Loài chim
đặc hữu của vùng Đông Dương (kể cả Thái Lan).
Tình trạng:
Đã được ghi nhận
trước đây tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ (6,7) theo các nguồn tin sau: Tại Bình
Phước (Phú Riềng cũ) đã tìm thấy một đôi chim non vào tháng 4/1925 (David -
Beaulieu, 1932), và tháng 5/1926 thu được một vật mẫu hiện lưu trữ ở Bảo tàng
Anh; cũng tại Bình Phước (An Bình cũ) đã gặp 3 con đi với nhau vào tháng 3/1927
(Delacour et al. 1928), tại Đồng Nai (Hớn Quảng cũ) thỉnh thoảng đã gặp
Quắm lớn vào các năm 1929, 1931 (David-Beaulieu, 1932). Trong các năm gần đây có
một số thông tin ghi nhận tại Cà Mau (Khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi) và vùng
đồng bằng sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười (Lê Diên Dực, 1988; Lutin, 1986) có
thể cần được kiểm tra thêm, ngay cả nguồn thông tin trước đây cho biết đã thu
được một vật mẫu ở Nam Bộ vào tháng 5/1876 (Oustalet, 1877).
Năm 1999, một con
bị bắt ở cánh đồng lúa Tuy Hoà, Phú Yên (Nguyễn Cử pers. comm.). Năm 2003, lần
đầu tiên sau nhiều năm đã quan sát được quắm lớn ở
Vườn quốc gia Yok Don (Đắk Lăk) : 02 con vào ngày 6/3, và lặp lại vào ngày
19/3; 01 con bay qua rừng khộp ở phía Tây Nam Vườn vào ngày 10/3 (PARC Yok Don,
8/2003). Số lượng quần thể thế giới ước tính hiện nay chỉ còn khoảng < 50 cá thể
trưởng thành, chủ yếu gặp ở Cămpuchia và một vài con ở Nam Lào. Có thể đã không
còn ở Thái Lan (P. D. Round in litt. 1998) và Trung Lào như đã từng được
ghi nhận nhiều năm về trước . Quắm lớn bị đe doạ bởi sự khô hạn của các vùng đất
ngập nước sau khi được cải tạo thành đất nông nghiệp và rừng bị chặt phá, bên
cạnh là hiện tượng săn bắt các loài chim nước vẫn tiếp diễn, nhất là tại một số
nơi nhiều loài chim thường hay tụ tập đông tại các vũng nước còn lại trong mùa
khô hạn.
Phân hạng:
DD.
Biện pháp bảo vệ:
Mặc dầu hiện nay
đã xây dựng hệ thống khu bảo tồn nhiên nhiên và vườn quốc gia ở Nam Bộ và Nam
Trung Bộ, trong đó có nhiều khu bảo tồn đất ngập nước, song hiện nay chưa thể
nói đâu là khu bảo vệ Quắm lớn, nếu chưa phát hiện lại chúng ở Việt Nam. Điều
tra phát hiện lại Quắm lớn ở các vùng đất ngập nước của Việt Nam (Nam Bộ và Nam
Trung Bộ cụ thể là Vườn Quốc Gia Yok Don) là một trong các mục tiêu quan trọng
trong nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học về chim. Hiện nay chúng mới được bảo
vệ tại một số khu bảo tồn ở Campuchia và Lào. Quắm lớn cần được coi là một trong
các loài chim nước quan trọng khi tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục về
bảo tồn đối với các cộng đồng địa phương tại những khu vực có liên quan.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật - trang 31.