Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Gấu ngựa
Tên Latin: Ursus thibetanus
Họ: Gấu Ursidae
Bộ: Ăn thịt Carnivora 
Lớp (nhóm): Thú  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    GẤU NGỰA

GẤU NGỰA

Ursus thibetanus Cuvier, 1823

Selenacrtos thibetanus (G. Cuvier, 1823).

Họ: Gấu - Ursidae

Bộ: Thú ăn thịt Carnivora

Đặc điểm nhận dạng:

Thú cỡ lớn, nặng 80 -180kg (trong nuôi nhốt có thể 200kg). Gấu ngựa có dáng thân thô béo, trán rộng, tai tròn; chân trước và chân sau có 5 ngón; vuốt khoẻ nhọn và cong; đi bằng bàn; bàn chân sau dài có gót gần giống dấu bàn chân người. Bộ lông dài thô mầu đen tuyền, lông hai bên cổ dài tạo thành bờm. Ngực có yếm hình chữ V mầu vàng nhạt hoặc trắng bẩn. Đuôi rất ngắn, không thò ra khỏi bộ lông.

Sinh học, sinh thái:

Ngoài thiên nhiên gấu chủ yếu ăn thực vật: hạt dẻ, quả sung, vả, quả cọ, chuối, ngô, măng tre nứa,... Gấu cũng ăn động vật: cá, mật ong, trứng chim và thịt động vật khác nếu có điều kiện. Gấu ăn tạp, trong nuôi nhốt gấu ăn nhiều loại thức ăn của người. Gấu sống và hoạt động chủ yếu ở rừng già, rừng đầu nguồn, rừng hỗn giao, rừng khộp, rừng tre nứa; đôi khi đến kiếm ăn ở các nương rẫy cạnh rừng. Gấu không làm tổ cố định, thường làm tổ nghỉ ở hốc đá, hốc cây, có khi bẻ cành làm tổ nghỉ tạm trên cây lớn. Gấu sống độc thân, chỉ ghép đôi vào mùa động dục. Gấu mẹ nuôi con. Tuy hình dáng có vẻ nặng nề nhưng gấu rất lanh lợi, hiếu động, leo trèo, bơi lội giỏi. Gấu rất thích ăn mật ong và ong non, chúng thường leo các cây cao tìm phá tổ ong trong thân cây để ăn.

Tư liệu về sinh sản của gấu còn ít. Gấu đẻ hầu như quanh năm (Lê Hiều Hào, 1973), mỗi lứa 1 - 4 con, thường 2 con. Gấu con sống với mẹ 1,5 - 2 năm mới tách đàn. Thường gặp đàn gấu mẹ đi cùng con vào các tháng 9 - 11. Gấu thay lông vào tháng 2 - 3.

Phân bố:

Trong nước: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kontum, Đắk Lăk, Lâm Đồng.

Thế giới: Từ Apganixtan và đông Pakixtan Nhật Bản đến Hymalaya, Assam, Mianma, Bắc Thái Lan, Nam Trung Quốc, Lào, Cămpuchia.

Giá trị:

Có giá trị nghiên cứu khoa học nhằm tìm hiểu tập tính, sinh thái loài trong tự nhiên và giá trị làm cảnh khi nuôi ở công viên, sở thú.

Tình trạng:

Trước năm 1970, Gấu ngựa có số lượng khá phong phú ở các miền rừng núi trong nước. Hiện nay, do tình trạng săn bắn gấu ráo riết và nhiều diện tích rừng bị mất hoặc suy thoái đã làm cho trữ lượng gấu ngựa trong thiên nhiên bị nghèo kiệt có nguy cơ tuyệt chủng nếu không bảo vệ tích cực. Hiện nay, tình trạng săn bắt và buôn bán gấu ngựa vẫn còn rất nghiêm trọng.

Phân hạng: EN A1c,d C1+2a

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và nhóm IB của Nghị định 32/NĐCP (2006). Tuyệt đối nghiêm cấm săn bắt gấu trong thiên nhiên, đảm bảo sinh cảnh an toàn nhất là trong các khu bảo vệ cho gấu sinh sống và phát triển. Tổ chức nhân nuôi gấu bán tự nhiên để góp phần nhanh chóng phục hồi trữ lượng gấu trong thiên nhiên và đáp ứng nhu cầu dược liệu của nhân dân.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 31.
 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Gấu ngựa

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này