New Page 1
CU LI NHỎ
Nycticebus pygmaeus
(Bonhote, 1907)
Nycticebus intermedius
Dao, 1960
Họ:
Cu li Loricidae
Bộ:
Linh trưởng Primates
Đặc
điểm nhận dạng:
Trông
giống như Cu li lớn (Nycticebus coucang), nhưng nhỏ hơn và ở lưng màu
vàng hơn. Xung quanh hai mắt có vòng tròn lông màu nâu vàng. Có hai dải lông màu
nâu sẫm chạy từ đỉnh đầu xuống trên hai mắt. Từ hai gốc tai có hai vệt rộng màu
nâu đỏ chạy từ trên đỉnh đầu và nối với nhau.
Lông
mềm mại, màu hung nâu xen kẽ ít lông trắng bạc. Dọc sống mũi có vệt trắng. Dọc
sống lưng không có sọc hoặc rất mờ, bụng trắng vàng ánh bạc. Răng hàm thứ hai
lớn hơn răng hàm thứ nhất. Ngón chân thứ 2 có vuốt, các ngón chân khác có móng.
Sinh học, sinh thái:
Con cái trưởng thành sau 9 tháng, con đực sau 17 - 20 tháng. Thời gian mang thai
kéo dài 188 ngày (Weisenseel, 1995).
Mùa
sinh sản vào tháng 10
đến tháng 12. Mỗi lứa đẻ 1 - 2 con.
Tuổi thọ kéo dài 20 năm (Kappeler, 1991). Thức ăn là quả, nõn cây, côn trùng,
trứng chim, chim non trong tổ và chúng thường ăn nhựa cây (Tan, 1994).
Hoạt động
kiếm ăn ban đêm.
Thích leo trèo, chuyển động nhanh hơn loài Cu li lớn (Tan, 1994). Sống đơn độc
hay thành nhóm nhỏ 3 - 4 con. Chúng sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau. Thích
nghi với điều kiện rừng thưa, thoáng, trên các gốc cây, bụi rậm, ven rừng, trên
nương rẫy.
Phân bố:
Trong nước: Lai Châu, Sơn La (Sông Mã), Tuyên Quang (Chiêm Hoá, Na Hang), Lạng
Sơn, Vĩnh Phúc (Phú Yên), Hà Tây (Ba Vì), Bắc Giang (Lục Yên), Hà Giang, Hoà
Bình, Ninh Bình (Cúc Phương), Thanh Hoá (Hồi Xuân), Nghệ An (Nghĩa Đàn), Quảng
Bình ( Phong Nha), Thừa Thiên - Huế (Bạch Mã), Quảng Nam, Đà Nẵng (Sơn Trà),
Kontum (Sa Thày), Gia Lai (An Khê, Kon Hà Nừng, Koncharang, Kon Ka Kinh), Đắk
Lắk (Buôn Ma Thuột, Yok Don, Nam Ca, EaSup, EaKar, Đắk Nông), Lâm Đồng (Bảo Lộc),
Khánh Hoà (Nha Trang), Đồng Nai (Trảng Bom), Thành phố Hồ Chí Minh.
Thế giới: Lào, Cămpuchia.
Giá trị:
Nuôi làm cảnh, xuất khẩu,
và nghiên cứu khoa học nhằm tìm hiểu tiến hóa của các loài linh trưởng.
Tình trạng:
Trước năm 1975: Loài này còn gặp rất phổ biến ở các khu rừng từ các tỉnh phía
Bắc tới Trảng Bom, Thành phố Hồ Chí Minh trên diện tích ước tính khoảng
>20.000km2. Từ năm 1975 trở lại đây tình trạng của loài thay đổi rõ rệt. Số
lượng quần thể giảm mạnh. Số lượng tiểu quần thể hiện nay khoảng 30. Nguyên nhân
biến đổi có thể là: Nơi cư trú bị xâm hại, rừng bị chặt phá, diện tích rừng tự
nhiên bị thu hẹp và đây là đối tượng săn bắt để nuôi làm cảnh, buôn bán và xuất
khẩu.
Phân hạng:
VU
A1c,d
Biện
pháp bảo vệ:
Đã được
đưa vào Sách đỏ Việt Nam 2000 và danh sách các loài cần được bảo vệ của ngành
Lâm nghiệp (Phụ lục IB Nghị định 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính Phủ).
Cần tiến hành tốt việc thực thi pháp luật, các quy chế, nghị định của chính phủ
về công tác bảo vệ động vật hoang dã. Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên và
các chương trình quản lý các loài động vật hoang dã nói chung và các loài bị đe
doạ nói riêng.
Tài
liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam
- phần động vật – trang 36.