Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU ĐỘNG VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Ếch giun đông dương
Tên Latin: Ichthyophis kohtaoensis
Họ: Ếch giun Coeciliidae
Bộ: Không chân Apoda 
Lớp (nhóm): Lưỡng cư  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    ẾCH GIUN

ẾCH GIUN ĐÔNG DƯƠNG

Ichthyophis kohtaoensis Taylor, 1960

Ichthyophis bannanica D.T.Yang, 1984

Ichthyophis glutinosus R. Bourret, 1937.

Họ: Ếch giun Coeciliidae

Bộ: Không chân Apoda

Đặc điểm nhận dạng:

Loài lưỡng cư không chân có hình dáng giống giun, nhưng lớn hơn, thân dài từ 100 - 380mm. Mắt như hai chấm đen, không mi. Đầu nhỏ hơi dẹp, mõm tương đối nhọn và có hàm rõ. Lưng mầu nâu đen, bụng nhạt hơn. ở mỗi bên thân có một dải mầu vàng chạy dài từ góc hàm tới gốc đuôi. Nòng nọc có mang ngoài ở hai bên cổ.

Sinh học, sinh thái:

Ếch giun sống chui luồn trong đất ở độ sâu 20 - 30 cm. Hang của chúng thường gặp ở những nơi đất xốp, ẩm ven suối, hồ nước, ruộng lúa trên độ cao có thể lên tới 900m (như ở dãy Tam Đảo). ếch giun ăn giun đất. Con cái trưởng thành có chiều dài khoảng 350mm. Chúng đẻ trứng ở gần chỗ có nước, mỗi lứa chừng 30 quả trong khoảng tháng 4 - 6, các trứng được nối với nhau bằng các chất nhầy mà các cá thể cái cuộn lấy để bảo vệ trứng khỏi khô người ta thường gọi không đúng là hiện tượng "ấp trứng". Vòng đời của loài Lưỡng cư không chân biến thái hoàn toàn này cũng trải qua 3 giai đoạn như các loài lưỡng cư khác.

Phân bố:

Trong nước: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Phú Thọ (Xuân Sơn), Thừa Thiên - Huế (A Lưới), Tây Ninh, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang (Hà Tiên), Cà Mau (U Minh).

Thế giới: Trung Quốc (Vân Nam).

Giá trị:

Loài ếch nhái thuộc bộ Không chân Apoda ở Việt Nam, có giá trị khoa học rất lớn trong các nghiên cứu về loài lưỡng cư không chân này.

Tình trạng:

Trong những năm gần đây đã phát hiện loài này ở vài địa điểm mới ở Việt Nam: Xuân Sơn (Phú Thọ), cho đến Tiến Giang, An Giang, Cà Mau, nhưng với số lượng rất ít. Loài này chỉ sống ở những nơi đất ẩm xốp nên dễ bị đe doạ bởi rừng bị thu hẹp, đất bị xói mòn, do sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học, do lũ lụt kéo dài dễ làm chúng chết ngạt trong đất.

Phân hạng: VU B1+ 2a,b,c.

Biện pháp bảo vệ:

Đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) dưới tên Ichthyophis glutinosus hay Ichthyophis bannanica. Nhưng nhờ có những nghiên cứu về sinh học phân tử, loài này đã được trả lại tên Ichthyophis kohtaoensis. Cần có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ như hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác rừng một cách bất hợp lý làm đất bị xói mòn, hạn chế dùng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học làm ảnh hưởng đến những loài động vật rất nhạy cảm sống trong đất này.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần động vật - trang 263.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Ếch giun đông dương

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này