TRĂN ĐẤT
TRĂN ĐẤT
Python molurus
(Linnaeus, 1785)
Coluber molurus
Linnaeus, 1785
Boa ordinata
Schneider, 1801
Python bivittalus
Kuhl, 1820.
Họ: Trăn Pythonidae
Bộ: Có vảy Squamata
Đặc điểm nhận
dạng:
Rắn lành cỡ rất
lớn trong họ nhà
Trăn Pythonidae,
dài tới 8m (kích thước trung bình khoảng từ 4 - 6m). Đầu dài, nhỏ. Hai tấm vảy
môi trên có trên mỗi tấm vảy một lỗ (lỗ môi là cơ quan cảm giác nhiệt). Có hai
cựa nhỏ, hình móng nằm ở hai bên khe huyệt. Cựa trăn cái ngắn, ẩn sâu trong hốc
bên khe huyệt. Đầu có màu nâu xám, mặt trên đầu có hoa văn hình mũi mác di từ
cổ, mũi nhọn hướng về phía đầu mõm. Mặt trên lưng có màu xám nhạt hay vàng nhạt
có một dãy những vết lớn dài, màu nâu đỏ viền đen.
Mặt
bụng màu vàng hay nâu vàng có những đốm nâu hay đen.
Sinh
học, sinh thái:
Thường
sống ở các rừng thưa, savan,
cây bụi hay ven các rừng già, ở các đồi núi thấp có nhiều bụi rậm khô ráo.
Chúng ưa sống gần các vực nước, đầm lầy. Có thể leo lên cây và thích cuốn mình
vào những cành cây chìa ra trên mặt nước. ở đồng bằng Nam bộ, chúng ưa sống ở
những nơi đầm lầy, rừng tràm,
rừng sú vẹt ngập nước, đôi khi còn xâm nhập cả vào những khu vực có vườn
cây. ở miền Bắc Việt Nam về mùa đông, Trăn đất trú đông từ 2 đến 4 cá thể trong
những hang hốc tự nhiên để tránh rét. Chúng chủ yếu đi
kiếm mồi vào ban đêm, nhiều nhất vào lúc xẩm tối.
Chúng ưa ngâm
mình vào trong nước trong những ngày nóng bức. Trăn đất ăn những loài thú nhỏ
(chủ yếu gặm nhấm, đôi khi cả hươu nai cỡ nhỏ, chim và những loài ếch nhái, bò
sát). Sinh sản hàng năm. Trăn ở vùng Minh Hải giao phối từ tháng 10 đến tháng
giêng năm sau (thời gian giao phối được gọi là trăn hội). ở miền Bắc chủ yếu từ
tháng 11 đến tháng giêng năm sau. Trước khi
giao phối, trong mùa trăn hội thường có 3 - 5 Trăn đực tìm đến một trăn cái.
Cuối cùng chỉ có một con đực được giao phối còn các cá thể đực khác cuốn với
nhau thành một búi lớn. Trăn chửa khoảng hai tháng đến ba tháng sáu ngày, đẻ từ
15 đến 60 quả trứng. Trăn mẹ ấp trứng bằng cách cuộn lấy ổ trứng. Sau khoảng hai
tháng (56 - 85 ngày) thì trứng nở: Trăn sơ sinh dài khoảng 52 - 61cm và nặng
khoảng 80 - 140g. Lột xác lần đầu khoảng 7 - 10 ngày sau khi nở.
Phân bố:
Trong nước: Phân
bố ở hầu khắp các tỉnh trung du và miền núi Việt Nam, kể cả ở vùng rừng tràm và
rừng đước Nam Bộ.
Thế giới: Pakistan, Ấn
Độ, Bănglađét, Xri Lanka, Mianma, Nêpan, nam Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông,
Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam và Hồng Kông), Thái Lan, Lào, Cămpuchia, Malaixia,
Inđônêxia.
Giá trị:
Là loài bò sát
đẹp có giá trị khoa học và thẩm mỹ, được nuôi nhốt ở nhiều công viên, vườn thú
để làm cảnh và giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên.
Tình trạng:
Có quần thể suy
giảm ít nhất 80%, cộng với sự suy giảm nơi cư trú và chất lượng nơi sinh cư
trong quá khứ và hiện tại, do sự khai thác môi trường, mở rộng đô thị, đường xá,
săn bắt triệt để, buôn bán trái phép. Đã có sự chăn nuôi song không vững chắc.
Trong tự nhiên Trăn đất vẫn bị săn bắt rất nhiều.
Phân hạng: CR
A1c,d
Biện pháp bảo vệ:
Được xếp vào
danh lục CITES phụ lục II. Bổ sung Nghị định 32/HĐBT, nhóm IB. Nhóm động vật
nghiêm cấm khai thác và sử dụng. Cần thực hiện triệt để việc cấm săn bắt và buôn
bán trái phép. Cần thành lập các trại nuôi tập thể, khuyến khích nuôi gia đình ở
những địa phương có nghề bắt trăn, rắn truyền thống.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam - phần động vật – trang 238.