Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Thông pà cò
Tên Latin: Pinus fenzeliana
Họ: Thông Pinaceae
Bộ: Thông Pinales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn  
       
 Hình: Trịnh ngọc Bon  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    THÔNG PÀ CÒ

THÔNG PÀ CÒ

Pinus fenzeliana Hand. - Mazz. 1936

Pinus kwangtungensis Cun ex Tsiang, 1948

Họ: Thông Pinaceae

Bộ: Thông Pinales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ nhỡ, có tán hình dù rộng, thường xanh, cao từ 20 tới 25 m, đường kính thân từ 0,8 tới 1 m. Thân thẳng, không có bạnh gốc, cành nằm ngang. Vỏ thân màu xám, thơm. Chồi đông màu nâu đen, nhựa màu trắng đục. Lá hình kim thừơng luôn luôn 5 lá trong 1 bó trên cành, dài đến 7 cm, dải lỗ khí màu trắng rất rõ ở mặt dưới (mặt xa trục - abaxial). Nón cái đơn độc, cuống dài 0,7 - 2 cm, màu nâu đỏ khi trưởng thành, hình trụ thuôn hoặc trụ - trứng, có nhựa, dài 6 - 9 ( - 17), rộng 4 - 7 cm. Vảy hạt hình trứng ngư­ợc, dài khoảng 3 - 3,5 cm, rộng khoảng 2 - 2,3 cm, rốn vảy hình thoi, đầu mỏng, thẳng hoặc hơi uốn cong. Hạt hình bầu dục hoặc trứng ngược, dài khoảng 2,8 - 3 cm (kể cả cánh).

Sinh học, sinh thái:

Nón xuất hiện tháng 4 - 5, hạt chín vào tháng 10 của năm sau nữa. Tái sinh từ hạt bình thừơng. Cây trung sinh và ưa sáng, mọc rải rác trong nhiều quần xã rừng hoặc thuần loại, trên đường đỉnh và đỉnh núi đá vôi. Mọc thành các dải rừng hẹp thuần loại trên các đường đỉnh và đỉnh núi và đá vôi, ở độ cao khoảng 1200 - 1400 m. Dưới tán thông pà cò là tầng cây gỗ nhỏ với các loài ưu thế Platycarya longipes (Họ Hồ đào Juglandaceae) và tầng cây bụi với các loài thông tre lá ngắn Podocarpus pilgeri (Họ Kim giao Podocarpaceae), các loài Sơn trâm Vaccinium spp. và các loài Đỗ quyên Rhododendron spp. (Họ Đỗ quyên Ericaceae)... Tầng dưới với một số loài thuộc ngành Dương xỉ (Polypodiophyta) và các loài Cói túi Carex spp. (Họ Cói Cyperaceae)... còn trên bề mặt đá bám dày đặc rêu và địa y và ở sườn núi đá vôi thường hỗn giao với một số loài cây lá rộng nhiệt đới thành rừng rậm thường xanh trên núi đá vôi.

Phân bố:

Trong nước: Sơn La (Yên Châu: Mường Lựm; Mộc Châu; Vân Hồ), Hà Giang (Quản Bạ), Cao Bằng (Trà Lĩnh, Trùng Khánh), Hoà Bình (Mai Châu: Hang Kia, Pà Cò), Thanh Hoá (Bá Thước: Cổ Lũng), Đắk Lắk (Chư Yang Sinh).

Nước ngoài: Trung Quốc (Quảng Đông, Quí Châu, Hồ Nam, Hải Nam).

Giá trị:

Loài thuộc yếu tố Đông á. Gỗ cứng, không bị mối mọt, dùng trong xây dựng.

Tình trạng:

Loài phân bố hẹp, thường bị đe doạ do dân địa ph­ương khai thác lấy gỗ và môi trường sống bị xâm hại.

Phân hạng: VU A1a,c,d B1+ 2b,c,e

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” (Bậc V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Bảo vệ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pà Cò - Hang Kia, Pu Luông và cấm khai thác ở các nơi đã phát hiện. Cần nghiên cứu kỹ về sinh học, sinh thái để tổ chức trồng nhằm bảo tồn nguồn gen phục vụ cho việc trồng rừng.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 523.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Thông pà cò

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này