THÔNG NƯỚC
THÔNG NƯỚC
Glyptostrobus pensilis (Staunt.) K.
Koch, 1878
Thuja
pensilis Staunt.,
1797
Họ: Bụt mọc Taxodiaceae
Bộ: Hoàng đàn Cupressales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây gỗ rụng lá,
cao tới 15 - 25 m hay hơn, đường kính thân 60 - 80 cm, tán lá hình tháp hẹp. Vỏ
dày, hơi xốp, màu nâu xám, nứt dọc. Rễ thở nhọn phát sinh từ rễ bên, mọc dựng
đứng, cao 5 - 30 cm, mọc lan xa cách gốc từ 5 tới 7 m. Lá có hai dạng: ở cành dinh
dưỡng và non có hình dùi, dài 0,6 - 1,3 cm, rụng vào mùa khô; ở cành sinh sản có
hình vẩy, dài 0,4 cm, không rụng. Nón đơn tính, cùng gốc, mọc riêng rẽ ở đầu
cành. Nón cái hình quả lê, mỗi vảy mang 2 noãn. Sau khi thụ tinh các vẩy hoá gỗ
và dính với nhau ở gốc tạo thành một nón dài tới 1,8 cm, rộng 1,2 cm với các vẩy
gần như gắn liền nhau, có 7 - 9 mũi nhọn hình tam giác,
hơi uốn cong ra phía ngoài. Mỗi vẩy mang hai hạt hình trứng hay thuôn, dài 13
mm, rộng 3 mm, có cánh hẹp hướng xuống dưới.
Sinh học,
sinh thái:
Nón xuất hiện
tháng 2 - 3, hạt chín vào tháng 11 - 12 và tồn tại tới mùa xuân năm sau. Rất ít gặp
cây con tái sinh. Thông nước mọc rải rác trong một số rừng nhiệt đới nửa rụng lá
trên đất feralit màu nâu đỏ hoặc nâu vàng sình lầy đọng nước, ở độ cao khoảng
700 m. Các loài cùng mọc trong quần xã là Bùi nước Ilex thorellii, Trâm
nước Syzygium sp., Bọt ếch Glochidion hirsutum.
Phân bố:
Trong nước: Đắk
Lắk (Krông Năng, Krông Búc: Ea Hồ; Ea H'leo).
Nước ngoài:
Trung Quốc (Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam.
Giá trị:
Nguồn gen cực
hiếm ở Việt Nam. Gỗ tốt, thớ mịn, thơm, không bị mối mọt, nứt nẻ, cong vênh, dễ
gia công nên được sử dụng làm đồ dùng gia đình và đồ mỹ nghệ. Cành lá và nón cái
trưởng thành dùng làm thuốc chữa phong thấp, giảm đau. Cây có dáng đẹp, được
trồng làm cây cảnh và giữ đất rộng rãi tại Trung Quốc.
Tình trạng:
Loài thực vật cổ
lại có khu phân bố rất hẹp, chỉ gặp tại ba điểm trong môi trường đầm lầy thuộc
tỉnh Đắk Lắk. Loài có
nguy cơ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên vì số cá thể còn lại rất ít, gần như
không có khả năng tái sinh bằng hạt, mặt khác môi trường sống tiếp tục bị xâm
hại do khai hoang để trồng Lúa, cây công nghiệp và nạn cháy rừng.
Phân hạng:
CR
A1a,c,B1+ 2b,c,D1
Biện pháp bảo
vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "đang nguy cấp" (E) và Danh mục Thực vật rừng, Động
vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ
- CP ngày
30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương
mại. Cần bảo vệ trong khu Trấp Ksor và những nơi có Thông nước mọc tự
nhiên tại tỉnh Đắk Lắk. Nghiên cứu khả năng giâm cành để trồng rộng rãi tại hệ
sinh thái đầm lầy, ven hồ phục vụ mục đích trồng rừng, làm cảnh, bảo tồn nội vi
(In situ) và ngoại vi (Ex situ).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ thực vật 2007- phần thực vật - trang 256.