Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Sa mộc dầu
Tên Latin: Cunninghamia konishii
Họ: Bụt mọc Taxodiaceae
Bộ: Hoàng đàn Cupressales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ lớn  
       
 Hình: Sách đỏ Việt Nam  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    SA MỘC DẦU

SA MỘC DẦU

Cunninghamia konishii Hayata, 1908

Cunninghamia kawakami Hayata, 1915

Cunninghamia lanceolata (Lamb.) Hook. var. konishii (Hayata) Fujita, 1932

Cunninghamia lanceolata auct. non (Lamb.) Hook.: P. K. Loc, 1984

Họ: Bụt mọc Taxodiaceae

Bộ: Hoàng đàn Cupressales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ to, thường xanh, có thể cao đến 35 - 40 m hay hơn nữa với đường kính thân đến hơn 1,5 m, tán lá hình tháp. Lá mọc xoắn ốc rất xít nhau, gốc vặn, do đó ít nhiều xếp thành 2 dãy, hình dải, dài 1,1 - 1,9 cm, rộng 0,20 - 0,25 cm, thót ngắn thành mũi tù và không cứng, mép hơi răng cưa, mặt dưới có hai dải lỗ khí. Cây cùng gốc. Nón đực mọc thành cụm ở nách lá gần đầu cành. Nón cái đơn độc hoặc cụm 2 - 3, khi trưởng thành dài 2,4 - 2,8 cm, rộng 2,0 - 2,6 cm. Vẩy nón cái hình tam giác rộng, có mũi nhọn ở đầu, có răng cưa ở hai mép và hai tai tròn ở giữa, mang 3 hạt trong mỗi vẩy. Hạt có cánh bên khá rộng, dài 5 mm, rộng 4 mm.

Sinh học, sinh thái:

Nón xuất hiện tháng 9, hạt trưởng thành vào tháng 3 - 5 năm sau. Cây tái sinh bằng hạt bình th­ường với nhiều cây có tuổi rất khác nhau, kể từ cây mạ trở lên. Mọc cùng với Pơmu Fokienia hodginsii tạo thành tầng nhô trong rừng trên sư­ờn dông, trong khi tầng ưu thế sinh thái gồm các loài cây lá rộng thường xanh chủ yếu thuộc Họ Dẻ Fagaceae, ở độ cao 1.200 - 1.600 m.

Phân bố:

Trong nước: Nghệ An (Quế Phong: Hạch Dịch, Mường Đán, núi Pù Hoạt; Quì Hợp: Pù Huống, núi Pha Ca Tủn; Con Cuông: Pù Mát), theo dự đoán chắc chắn còn gặp ở một số vùng núi khác của tây Thanh Hoá và tây bắc Nghệ An.

Nước ngoài: Có khu phân bố gián đoạn: Đài Loan, Trung Quốc (Phúc Kiến) và Lào (Hủa Phăn) và được mở rộng từ Hủa Phăn của Bắc Lào sang đến phần tả ngạn sông Cả của Việt Nam.

Giá trị:

Nguồn gen quí và độc đáo của Việt Nam. Loài thuộc yếu tố Đông á. Gỗ nhẹ, thớ mịn và có mùi thơm, dễ thao tác và bền, có giá trị sử dụng lớn để đóng đồ dùng cho gia đình, làm nhà, làm cột điện, đóng thuyền v.v. Từ vỏ cây tiết ra nhiều nhựa dầu dùng làm thuốc, để gắn hoặc có một số công dụng riêng.

Tình trạng:

Loài này đã được dân địa phương khai thác từ lâu, hiện tại chỉ còn sót lại tại những nơi hiểm trở, xa dân cư. Tuy nằm trong Vườn quốc gia Pù Mát nhưng nếu không bảo vệ tốt sẽ dẫn tới việc giảm số lượng và tình trạng bị tuyệt chủng tăng lên.

Phân hạng: VU A1a,d,C1

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “hiếm” (Bậc R) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cần bảo vệ tại Vườn quốc gia Pù Mát, đặc biệt là các núi Pù Hoạt, Pha Cà Tủn, Nghiên cứu trồng nhằm bảo tồn nguồn gen và phục hồi rừng tại những nơi có điều kiện sinh thái thích hợp, nhất là tại các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 510.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Sa mộc dầu

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này