SONG BỘT
SONG BỘT
Calamus poilanei
Conrard., 1938
Họ: Cau Arecaceae
Bộ: Cau Arecales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây leo, cao 25 - 40 m; thân được
bao bọc bởi bẹ lá màu lục, có nhiều gai dẹt màu vàng mọc thành vòng 4 - 5 gai;
bẹ lá có khuỷu rõ, thìa lìa không gai có nhiều lông nâu; bẹ lá có roi dài 1 - 4 m, đối diện cuống lá, có nhiều gai mập, thường thành cụm 4 - 5 gai. Lá dài 2 -
2,4 m; thuỳ lá không cuống, xếp lông chim, cách đều nhau khoảng 4 - 5 cm; có 40
- 50 thuỳ mỗi bên, 2 thuỳ cuối cùng rời nhau dài 20 cm, sống lá không kéo dài
thành roi; thuỳ lá có kích thước 50 - 65 cm x 2 - 3 cm, hình ngọn giáo; mép thuỳ
có gai nhỏ, mặt dưới có gai mềm trên gân chính, đầu thuỳ lá có túm lông. Cụm hoa
cái hình mo, có roi; lá bắc cụm hoa hình ống hẹp, có khía, nhẵn hay có gai một
phía; lá bắc nhánh hoa có gai dài 30 - 40 cm; nhánh hoa nhiều, hình trụ, đính ở
phần trên của lá bắc nhánh, cách nhau 50 - 60 cm; trục cụm hoa cong, dài 35 cm
tận cùng bằng một bông; có 11 - 16 hoa cái trên 1 nhánh ở phía dưới, các hoa
cách nhau 5 - 8 mm. Quả hình trứng, rộng 11mm, cao 22 - 24 mm; có 15 - 18 hàng
vảy, vảy hình tam giác, vàng, có đốm đen ở trên.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 4 - 5, có quả tháng 8
- 10. Tái sinh bằng hạt. Cây ưa sáng, mọc ven suối, ưa ẩm, ở độ cao 200 - 1.500 m
Phân bố:
Trong nước: Thanh Hoá, Gia Lai
(Krông Pa), Daklark (Chư Yang Sin), Lâm Đồng (Bảo Lộc), Phú Yên (Sông Hinh), Khánh Hoà (Vọng Phu), Bình
Phước (Đức Long, Phước Long).
Nước ngoài: Lào, Cambodia và Thái
Lan.
Giá trị:
Loài này có giá trị dùng làm các đồ
mỹ nghệ rất được ưa chuộng.
Tình trạng:
Loài chỉ có phân bố từ Thanh Hoá trở
vào, rừng bị chặt phá nhiều làm mất môi trường sinh thái và điều kiện sống. Là
loài Song có giá trị xuất khẩu cao, nên đã bị khai thác mạnh trong 10 năm
qua.
Phân hạng:
EN A1c,d+2c,d
Biện pháp bảo vệ:
Loài đang được ghi trong Sách Đỏ
Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “biết không chính xác” (Bậc K). Đề nghị bảo tồn
nguyên vị và nghiên cứu các biện pháp gieo trồng thích hợp tại các nông trường
để khai thác lấy nguyên liệu, tránh chặt phá trong môi trường tự nhiên.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 380.