Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Thông thảo
Tên Latin: Tetrapanax papyriferus
Họ: Ngũ gia bì Araliaceae
Bộ: Hoa tán Apiales 
Lớp (nhóm): Cây gỗ trung bình  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    THÔNG THẢO

THÔNG THẢO

Tetrapanax papyriferus (Hook.) C. Koch, 1859

Aralia papyrifera Hook. 1852

Họ: Ngũ gia bì Araliaceae

Bộ: Hoa tán Apiales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây gỗ nhỏ, cao 2 - 5 m, mọc thẳng, có lõi xốp, không phân cành, không có gai, phần thân non và ngọn phủ lông dày màu nâu nhạt. Lá mọc cách; có cuống dài 30 - 50 cm, khi rụng để lại vết sẹo trên thân. Phiến lá to, xẻ thuỳ chân vịt nông, mép khía răng; đường kính lá 20 - 50 cm; phủ lông dày màu xám trắng ở cả 2 mặt lá. Cụm hoa mọc ở ngọn, gồm nhiều tán trên một trục chung to, phủ lông dày, dài tới 80 cm. Mỗi tán gồm khoảng 20 hoa nhỏ, cuống ngắn. Đài và cánh hoa 4 - 5; nhị 4 - 5, dài 3 - 4mm; lá bắc nhỏ. Bầu 2 ô, đầu vòi nhuỵ chẻ 2. Quả hình cầu dẹt, khi chín màu tím đen. Hạt nhỏ.

Sinh học, sinh thái:

Mùa hoa tháng 10 - 11, quả tháng 11 - 2 (năm sau). Gieo giống tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cây mọc chồi rễ khoẻ; có khả năng tái sinh sau khi bị chặt. Cây ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát ở vùng núi cao; thường mọc rải rác hay thành đám (chủ yếu là từ cây chồi rễ) ở ven rừng, bờ nương rẫy hoặc gần các bờ suối ở vùng rừng núi đá vôi, ở độ cao từ 1100 m (Mộc Châu) tới 1700 m (bản Khoang - Sapa).

Phân bố:

Trong nước: Lai Châu (Sìn Hồ), Lào Cai (Sapa, Bát Xát), Sơn La (Mộc Châu), Hà Giang (Yên Minh), Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình.

Nước ngoài: Trung Quốc.

Giá trị:

Loài tương đối hiếm ở Việt Nam. Lõi xốp thân được dùng làm thuốc chữa phù thũng, lợi tiểu, có tác dụng hạ sốt và lợi sữa.

Tình trạng:

Ít được khai thác (do trữ lượng không đáng kể), nhưng lại bị tàn phá do lấy đất canh tác nương rẫy (Sìn Hồ - Lai Châu), hậu quả là điểm phân bố ở Phó Bảng - Hà Giang đã bị mất. Loài có nguy cơ bị rủi ro cao.

Phân hạng: EN A1a,d

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "bị đe doạ" (T). Cần có kế hoạch khảo sát lại ở vùng Sìn Hồ (Lai Châu); trước mắt cần bảo vệ một đám cây mọc tương đối tập trung tại xã Hầu Thào (Sapa - Lào Cai). Thu thập (cây chồi rễ) về trồng bảo tồn ngoại vi (Ex situ) tại Vườn thuốc Sapa (Viện Dược liệu). Nghiên cứu về khả năng nhân giống bằng hạt.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 89.
 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Thông thảo

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này