MÃ TIỀN LÔNG
MÃ TIỀN LÔNG
Strychnos ignatii
Berg. 1778
Ignatia amara
L.f. 1781.
Ignatiana philippinica
Lour. 1790.
Strychnos
balansae Hill, 1917.
Strychnos hainanensis
Merr. et Chun, 1935.
Họ: Mã tiền Loganiaceae
Bộ: Long đởm Gentianales
Đặc điểm nhận dạng:
Dây leo gỗ dài tới 20m, có móc đơn
dài 3,5 - 7 cm ở nách lá. Lá hình trái xoan, dài 9 - 17 cm, rộng 3,5 - 7 cm, đầu
lá nhọn hay có mũi nhọn dài 1 - 2,3 cm; có 3 gân chính nổi rõ và một đôi gân nhỏ
mờ ở sát mép lá. Cuống lá dài khoảng 7 mm. Cụm hoa là một chùm xim kép, dài 1,5
- 3 ( - 7) cm; trên đoạn cành đã rụng lá, ít khi ở đầu cành, mang 10 - 20 hoa.
Hoa mẫu 5, mép lá đài có lông tơ ngắn. Tràng hình ống màu trắng hay vàng nhạt,
dài 15 - 17 mm. ống tràng dài gấp 3 lần thuỳ; nửa dưới mặt trong của ống tràng
có lông. Nhị đính ở họng tràng, chỉ nhị rất ngắn hầu như không thấy; bao phấn
nhẵn, dài 1,75 - 2,5 mm, đỉnh có mũi nhọn rõ. Bộ nhuỵ nhẵn, dài 15 - 17 mm, vòi
nhuỵ dài thò ra ngoài nhị. Quả hình cầu, đường kính 4 - 10 cm, vỏ quả dày hoá
gỗ, chứa khoảng 10 hạt dẹt, hình trái xoan không đều. Hạt dài 2 - 2,6 cm, rộng
1,5 - 1,7 cm, dày khoảng 7 mm; vỏ hạt phủ lông dày, màu vàng nâu nhạt, trông xù
xì; lông hạt dài 1,8 - 2 mm; quanh mép hạt có đường viền nổi rõ.
Sinh học, sinh thái:
Mọc rải rác trong rừng ẩm thường xanh.
Mùa hoa tháng 4. Tái sinh bằng hạt.
Phân bố:
Trong nước: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang,
Phú Thọ, Hà Tây, Thanh Hoá, Quảng Trị, Khánh Hoà, Bình Dương, Đồng Nai.
Nước ngoài: Trung Quốc, Thái Lan, Lào,
Campuchia, Malaisia, Philippin, Indonesia.
Giá trị:
Hạt chứa 2 ancaloit chính là bruxin và stricnin, được khai thác làm nguyên liệu
chiết xuất bruxin.
Tình trạng:
Loài có khu phân bố tương đối rộng
nhưng bị chia cắt; nơi cư trú bị xâm hại do nạn phá rừng; hạt bị khai thác làm
thuốc, nên ngày càng hiếm.
Phân hạng:
VU A1a,c
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
"bị đe doạ" (Bậc T). Nên khoanh vùng bảo vệ In - situ và thu thập cây giống về
trồng ở vườn để bảo tồn ngoại vi (Ex - situ).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật
- trang 260.