Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Ba gạc lá to
Tên Latin: Rauvolfia cambodiana
Họ: Trúc đào Apocynaceae
Bộ: Long đởm Gentianales 
Lớp (nhóm): Cây thuốc  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    BA GẠC LÁ TO

BA GẠC LÁ TO

Rauvolfia cambodiana Pierre ex Pit, 1933

Rauvolfia verticillata (Lour.) Baill

Họ: Trúc đào Apocynaceae

Bộ: Long đởm Gentianales>

Đặc điểm nhận dạng:

Cây bụi cao 0,5 - 1,5 m hoặc hơn, có phân cành, rễ gãy, vỏ thân, lúc non có màu xanh, nhiều bì khổng, lúc già màu nâu xám hay xám mốc. Biều bì dày, có vết nứt dọc. Lá có cuống dài 1 - 2 cm, mọc vòng 3, tập trung nhiều ở đầu cành, phiến lá thuôn rộng hoặc hình mác kéo dài, hẹp ở gốc, đầu nhọn, hơi dày, dày 12 - 30 cm, rộng 3 - 6 cm, gân phụ nổi rõ ở mặt dưới. Cụm hoa xim ngù, mọc ở đầu cành, đôi khi ở kẽ lá hoặc nách cành mới phân. Cuống cụm hoa mập, dài 2 - 5 cm, các trục thứ cấp ngắn hơn. Hoa hình sống màu hồng tía, dài 1,4 - 2 cm, hơi phình ra ở nửa trên của ống, họng có lông, lá đài 5, cánh hoa 5, đầu cánh hoa hơi tròn, màu trắng. Nhị 5, ngắn, đính ở giữa họng của sống hoa. Vòi nhụy nhỏ, đầu nhụy hình trụ tròn. Bầu 2 ô, đĩa ôm tới 1/2 bầu. Quả hạch, gồm 2 phân quả, hình trứng, đính nhau ở gốc, khi chín màu đốm bạc. Hạt hơi hình thoi, dẹt 2 mặt, vỏ hạt có vân nhăn dọc và xung quanh hạt. Toàn bộ cây có nhựa mủ, nhất là ở ngọn và lá non.

Sinh học, sinh thái:

Mùa hoa quả từ tháng 4 - 9. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và sau khi bị chặt. Cây ưa sáng, thường mọc trên đất feralit nâu đỏ và bazan. Mọc rải rác ở rừng thứ sinh, nương rẫy cũ, đôi khi gặp cả ở rừng xen Tre nứa; ở độ cao từ 400 - 800 m.

Phân bố:

Trong nước: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (A Lưới), Quảng Nam (Trà My, Phước Sơn, Đại Lộc, Nam Giang), Quảng Ngãi (Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long), Bình Định (Vĩnh Thạnh), Kontum (Sa Thày, Đắk Tô, Konplông), Gia Lai (Ka Nắc), Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột, Ea Sup, M'Đrắc, Đắk Nông, Krông Pắc), Lâm Đồng (Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng).

Nước ngoài: Lào, Campuchia, Thái Lan.

Giá trị:

Rễ có chứa một số alcaloid dùng làm thuốc chữa cao huyết áp. Loài đặc hữu Đông Dương; ở Việt Nam, cây chỉ thấy ở các tỉnh phía Nam.

Tình trạng:

Tuy phân bố ở nhiều điểm, nhưng nơi sống thường xuyên bị xâm hại do nạn phá rừng làm nương rẫy; dẫn tới bị thu hẹp về phân bố. Đã từng bị khai thác.

Phân hạng: VU A1c.

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (1996) với cấp phân hạng "bị đe doạ" (T). Bảo vệ cây mọc tự nhiên ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kontum), đồng thời với việc ngăn chặn nạn phá rừng ở nơi khác. Đưa về trồng ở các vườn thực vật và vườn cây thuốc ở các tỉnh phía Nam. Trồng bằng hạt.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 66.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Ba gạc lá to

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này