NGHỂ CHÂN VỊT
NGHỂ
CHÂN VỊT
Polygonum
palmatum
Dunn. 1912.
Polygonum meeboldii
W. W. Smith, 1913.
Họ: Rau răm Polygonaceae
Bộ: Rau răm Polygonales
Đặc điểm nhận dạng:
Cỏ nhiều năm, cao 50 - 70(100) cm,
phân cành nhiều, lóng dài tới 10 cm. Lá mọc cách, có cuống dài 5 - 12 cm, phiến
lá chia thuỳ chân vịt, cỡ 7 - 15 x 8 - 16 cm, 3 - 7 thuỳ, thuỳ giữa to nhất,
hình mũi giáo, có 4 - 5 đôi gân bên. Bẹ chìa mỏng, hình ống ngắn, dài 1,5 - 2
cm. Cụm hoa dạng chuỳ do các cụm hoa dạng đầu làm thành, mọc ở đỉnh cành hoặc
nách lá, hoa nhiều. Hoa đều, lưỡng tính, màu hồng. Bao hoa 4 - 5 mảnh, dính nhau
ở gốc, trên 4 - 5 thuỳ sâu, dài 2,5 - 3 mm. Nhị 8 - 10, ngắn hơn bao hoa. Bầu
thượng, hình trứng; vòi nhuỵ 3. Quả bế, màu nâu nhạt, không nhẵn, có các điểm
nhỏ, được bao trong bao hoa không đồng trưởng.
Sinh học và sinh thái:
Mùa ra hoa tháng 7 - 8, quả tháng 9
- 10. Mọc nơi đất ẩm, nhiều mùn, ven rừng, khe đá, khe suối, trong thung lũng.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai (Sapa).
Thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc.
Giá trị:
Nguồn gen hiếm.
Tình trạng:
Loài mới phát hiện ở một số điểm
phân bố, có số lượng cá thể rất ít, đồng thời nạn phá rừng làm nương rẫy cũng
xâm hại môi trường sống.
Phân hạng: EN B1 + 2 b,c.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
“bị đe doạ” (Bậc T). Đề nghị gây trồng để bảo vệ nguồn gen.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 305.