TAM THẤT
TAM THẤT
Panax bipinnatifidum
Seem.
1868.
Aralia bipinnatifida
(Seem.) C.B.
Clarke, 1879
Panax pseudoginseng
Wall.
var. bipinnatifidus (Seem.) H. L. Li, 1942.
Họ Ngũ gia bì
Araliaceae
Bộ: Hoa tán Apiales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây thảo sống nhiều
năm; cao 0,30 - 100cm.
Thân rễ mập, phân nhánh, nằm ngang và thường nổi trên mặt đất, đường kính
1,5 - 3,5cm. Phần thân mang lá gồm 1 - 3, tuỳ theo số đầu nhánh của thân rễ; đường
kính thân từ 0,3 - 0,6cm; Lá kép chân vịt,
mọc vòng ở ngọn, thường gồm 3 cái; 3 - 5 lá chét xẻ thuỳ nông hay sâu, mép
khía răng cưa. Cụm hoa tán đơn, mọc ở ngọn; cuống cụm hoa 5
- 10cm, mang từ 20 - 90
hoa; cuống hoa mảnh, dài 1 - 1,5cm. Hoa màu vàng xanh, 5 lá đài nhỏ, 5 cánh hoa;
5 nhị. Bầu 2 ô; đầu vòi nhuỵ chẻ đôi. Quả hình cầu đến hình cầu dẹt, đường kính
0,6 - 1,2cm, khi chín màu đỏ. Hạt 2, nếu chỉ có 1 hạt là do hạt kia bị lép. Hạt
gần hình cầu hoặc gần giống hạt đậu; màu xám trắng; vỏ cứng, có rốn hạt.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 4 - 5, quả
tháng 5 - 9 (10). Gieo giống tự nhiên từ hạt. Quả chín chim thường ăn (bỏ hạt),
hạt rơi xuống lại bị một loại sóc nâu nhỏ ăn nhân hạt. Thân rễ bị gãy hoặc khai
thác mất phần già, phần đầu thân rễ (có chồi ngủ) còn lại vẫn có khả năng tái
sinh. Toàn bộ phần thân mang lá tàn lụi vào mùa đông, đến đầu mùa xuân năm sau
từ đầu mầm thân rễ sẽ mọc lên các chồi thân mới. Tam thất đặc biệt ưa ẩm và ưa
bóng; mọc rải rác dưới tán
rừng kín thường xanh núi cao, ở độ cao từ 1.600
- 2.300 m.
Phân bố:
Trong nước: Lai Châu (Tả Phình), Lào Cai (Sapa, Bát Xát, Than Uyên: núi Hoàng
Liên Sơn).
Thế giới: Ấn Độ, Nêpan,
Trung Quốc.
Giá trị:
Là nguồn gen đặc biệt
quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Tất cả các bộ phận của cây đều sử dụng để làm
thuốc. Thân rễ (củ) làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh dục, chống stret. Lá,
thân, nụ hoa làm trà uống kích thích tiêu hoá, an thần và chữa bệnh thận.
Tình trạng:
Thường xuyên bị tìm kiếm để khai thác từ 1962 đến nay. Nạn phá rừng làm nương
rẫy (núi Hàm Rồng) hoặc để trồng Thảo quả trực tiếp làm mất nơi sống vốn có của
cây. Hiện đã trở nên cực hiếm, đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao.
Phân hạng: CR
A1a,c,d, B1+
2b,c,e.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "đang nguy cấp" (E) và
Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm 2) của Nghị
định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử
dụng vì mục đích thương mại. Viện Dược liệu đang nghiên cứu bảo tồn và nhân
trồng.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 86.