RAU SẮNG
Melientha suavis
Pierre, 1888
Họ: Rau sắng Opilliaceae
Bộ:
Đàn hương Santalales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây gỗ nhỏ, cao 3
- 5 m hay hơn. Vỏ cây dày, màu xám nhạt. Cành và lá non màu lục, rủ xuống, mềm,
có vị ngọt của mì chính. Lá có phiến hình mác, nhẵn bóng, dày, dài 7 - 12 cm,
rộng 3 - 6 cm; gốc và chóp lá tù, gân bên 4 - 5 đôi, không rõ ở hai mặt, mép
nguyên; cuống lá dài 1 - 2 mm. Cụm hoa chuỳ hoặc bông kép, dài 13 cm, mọc trên
thân và cành già. Hoa hình cầu, cao 2 mm, tạp tính, rất thơm. Đài nhỏ, không có
thuỳ rõ. Tràng gồm 4 - 5 phiến hình mác, hợp ở dưới. Nhị 4 - 5, mọc đối với thuỳ
tràng và ngắn hơn. Đĩa của hoa đực gồm 4 - 5 tuyến, xen với cánh hoa, nạc, hình
nêm. Nhuỵ lép hình trứng, không có núm rõ ràng. Hoa cái có tuyến đĩa hình trứng
ngược, dẹt, ngắn hơn bầu. Bầu 1 ô, gần hình cầu, nhỏ, không cuống, đường kính 2
mm; vòi không có núm, hình khối nạc hơi chia thuỳ. Quả hạch, hoá gỗ, hình thuôn
hay hình trứng, dài 2,5 cm, đường kính 1,3 - 1,5 cm, màu lục nhạt, nhẵn, vị ngọt,
hơi ngứa. Hạt 1, có xơ trắng.
Sinh học, sinh
thái:
Mùa hoa tháng 3 -
4, quả chín tháng 6 - 8. Tái sinh bằng hạt và chồi. Mọc vùng rừng núi đá vôi và
cả núi đất.
Phân bố:
Trong nước: Lào
Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Hà
Tây (Chùa Hương), Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên
Huế, Kontum, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nước ngoài:
Borneo, Campuchia, Lào, Malaya, Philippines, Thái Lan.
Giá trị:
Nguồn gen độc đáo.
Là một trong hai loài của chi Melientha phân bố ở Đông Dương. Lá non nấu
canh ăn ngon như có mì chính. Hạt rang ăn. Rễ làm thuốc trị sán.
Tình trạng:
Loài có khu phân
bố rộng nhưng bị chia cắt. Bị tác động của con người phá rừng phát nương làm rẫy,
làm cho nơi cư trú bị xâm hại. Số lượng cá thể càng ngày càng giảm.
Phân hạng:
VU B1+2e.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "biết không
chính xác" (K).
Không nên chặt phá cây. Bảo vệ môi trường sinh thái bằng cách hạn chế chặt phá
rừng. Trồng bằng hạt và cành.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 300.