KIỀN KIỀN PHÚ QUỐC
KIỀN KIỀN PHÚ QUỐC
Hopea pierrei
Hance, 1876
Hancea pierrei
(Hance) Pierre, 1891
Họ: Dầu Dipterocarpaceae
Bộ:
Bông Malvaceae
Đặc điểm nhận dạng:
Cây gỗ lớn, thường xanh,
có tán hình cầu. Thân thẳng, hình trụ, cao
tới 40 m, đường kính 0,6 - 0,8 m hay hơn.Vỏ màu nâu đen, nứt dọc sâu.Lá đơn mọc
cách, hình trứng, đầu có mũi nhọn, gốc tròn. Lá khô màu xanh đen, mặt trên có
phấn trắng. Cụm
hoa chùm; hoa mẫu 5; cánh hoa mầu đỏ nhạt,
mặt ngoài có lông,
Quả nhỏ, hình trái xoan, có mỏ ở đỉnh, vỏ
quả hoá gỗ chứa nhiều nhựa, mang 2 cánh dài 2 - 2,3 cm với 7 gân song song.
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa tháng 9 - 10, mùa quả chín tháng 5 - 6 (năm sau). Cây mọc thành đám hay
rải rác trong kiểu rừng kín, thường xanh, mưa mùa nhiệt đới ẩm. Thường cùng mọc
với Sao đen Hopea odorata, Trám cà na
Canarium album,
Xoài đồng nai
Mangifera dongnaiensis,
Dầu rái
Dipterocarpus alatus...
Cây ưa
đất đỏ vàng phát triển trên các loại đất
axít và kiềm. Rất mẫn cảm với chất độc hoá học làm trụi lá cây, vì vậy rừng Kiền
kiền bị tàn phá mạnh trong chiến tranh chống Mỹ. Cây cho nhiều quả, tái sinh
bằng hạt tốt.
Phân bố:
Trong nước: Thừa Thiên - Huế, Darklak, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang.
Nước ngoài: Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia.
Giá trị:
Gỗ tốt, cứng, thớ mịn, rất bền ngoài không khí,
gỗ không bị mối mọt, dùng trong xây dựng,
đóng tàu thuyền, làm cột nhà, khung nhà, ván sàn. Có thể thay thế gỗ téch trong
nhiều công việc. Vỏ cây dùng làm vách nhà thay gỗ, rất bền.
Tình trạng:
Do gỗ có giá trị cao nên Kiền kiền đang bị khai thác mạnh ở khắp nơi. Riêng
phong trào dùng cây Kiền kiền làm nọc tiêu (cây bám cho dây tiêu) ở Phú
Quốc và Tây Nguyên cũng làm cho rừng Kiền kiền bị chặt phá rất mạnh.
Phân hạng:
EN A1c,d.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
"biết không chính xác" (Bậc
K). Được bảo vệ trong Vườn quốc gia Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Tài liệu dẫn:
Sách
đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 175.