GIÁC ĐẾ TAM ĐẢO
GIÁC ĐẾ TAM ĐẢO
Goniothalamus
takhtajanii
Ban, [1994] 2000.
Họ: Na Annonaceae
Bộ: Na Annonales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây bụi nhỏ, cao
1 - 3m. Cành non nhẵn, hình 3 - 4 cạnh và hơi có cánh. Lá (khi non màu hồng) hơi
dai, hình thuôn, cỡ (8)10 - 14(18) x (3)4 - 5(6)cm, chóp thành mũi ngắn,
gốc lá hình tim, cả 2 mặt đều
nhẵn; gân bên khoảng 12 đôi, rất mờ ở mặt trên, hơi rõ ở mặt dưới, vấn hợp đều ở
cách mép chừng 5mm; cuống lá rất ngắn. Hoa mọc đơn độc hoặc từng cặp, ở nách
lá; cuống hoa dài 2 - 3cm, ở gốc mang 4 - 6 lá bắc nhỏ hình mác. Lá đài hình tam
giác nhọn đầu, cỡ 3 - 5 x 2 - 3mm.
Cánh hoa ngoài hình trứng nhọn đầu, dài 15
- 20
mm, rộng 7 - 9 mm; cánh hoa trong cỡ 7 - 10 x 4 - 5mm, có móng hẹp ở gốc, hợp nhau ở
đỉnh tạo thành mũ. Nhị nhiều, chỉ nhị không rõ, mào trung đới cụt đầu. Lá noãn
chừng 10 - 12, bầu nhẵn, vòi dài bằng bầu; núm
nhụy không phân biệt với vòi, mang
1 túm lông dài ở đỉnh. Noãn 1. Phân quả hình trái xoan, cỡ 15
- 18 x 8 - 10mm,
không có lông, khi chín màu đỏ; cuống phân quả rất ngắn; vỏ quả mỏng, dính liền
vào vỏ hạt khi khô. Hạt có vỏ sần sùi, có lông nhung mượt.
Sinh học, sinh thái:
Có hoa tháng 3 - 4, quả chín tháng
5 - 8. Mọc rải rác nơi ẩm trong
rừng nguyên sinh hoặc rừng thứ sinh, ở độ cao 400m.
Phân bố:
Trong nước: Mới thấy ở Vĩnh Phúc
(Tam Đảo).
Thế giới: Chưa có dẫn liệu.
Giá trị:
Loài đặc hữu của Việt Nam, có hình
thái thân khá đặc sắc (thân và cành non có cánh).
Tình trạng:
.
Mới chỉ gặp một số rất ít cá thể ở
Tam Đảo (Vĩnh Phúc), trên độ cao 400m (vùng đệm của
Vườn quốc gia Tam Đảo).
Loài rất dễ bị tuyệt chủng nếu môi trường sống bị xâm hại (mất nguồn nước suối)
hoặc bị chặt đốn làm củi (vì số cá thể trưởng thành quá ít).
Phân hạng:
CR B1+2b,c,e.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt
Nam (1996) với cấp đánh giá
"hiếm" (R). Không chặt phá các cây ở vùng đệm của
Vườn quốc gia Tam Đảo. Thu thập cây giống về trồng dựa suối tại Trạm Đa dạng
sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 trang 52.