MÀU CAU TRẮNG
MÀU CAU TRẮNG
Goniothalamus
macrocalyx
Ban, [1994] 2000
Họ: Na Annonaceae
Bộ: Na Annonales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây gỗ nhỏ, cao
10 - 15 m. Cành non, cuống lá và cuống hoa đều có lông
màu gỉ sắt. Lá dài, thuôn hoặc thuôn hình trứng ngược, cỡ (16)20
- 27 (30) x
(6) 8 - 10 (11) cm, nhẵn ở cả 2 mặt; chóp lá thành mũi ngắn, gốc lá tù; gân bên mờ,
vấn hợp cách mép chừng 5 mm; cuống lá dài 8 - 12 mm. Hoa mọc ở nách lá đã rụng (có
khi ở trên cành già); cuống hoa mập, dài 8 - 10 mm, ở gốc mang 4
- 6 lá bắc không
đều nhau, có lông ở cả 2 mặt. Lá đài dạng lá, hợp nhau ở gốc, gần hình mắt chim
và tù ở đầu, đường kính chừng 2 - 3cm, có 9
- 11 gân cong hình cung. Cánh hoa ngoài
(khi tươi màu vàng nhạt) hình mác, dài 3 - 5 cm, rộng 10 - 13 mm, có 1 gân giữa, cả
2 mặt đều có lông tơ màu gỉ sắt; cánh hoa trong hình trứng hơi nhọn đầu, cỡ 10 x
6 mm, dính nhau ở đỉnh tạo thành mũ. Nhị nhiều;
bao phấn có vách ngăn ngang; mào
trung đới hơi lồi, có lông. Lá noãn nhiều, dài cỡ 3 mm; bầu có lông dài; vòi
ngắn; núm nhụy hình phễu, dài bằng bầu, ở đỉnh hơi xẻ 2 môi. Noãn 2.
Đế hoa gần
phẳng. Phân quả có lông màu nâu đen, thuôn hoặc hình trụ cong, có mỏ nhọn ở
đỉnh, cỡ 2 - 3 x 1 cm, ở trên cuống ngắn 3 - 4 mm; vỏ quả mỏng. Hạt màu nâu, nhẵn và
hơi láng bóng.
Sinh học, sinh thái:
Cây ra hoa tháng 4 - 6, có quả tháng
7 - 9. Mọc rải rác trong rừng nguyên sinh, nơi ẩm, vùng núi đất, ở độ cao dưới 300 m.
Phân bố:
Trong nước:
Bắc Kạn (Ba Bể), Hà Tây (Chùa Hương), Hòa Bình (Đà Bắc: Chợ Bờ, Núi Biều), Thanh
Hoá (Thạch Thành, Phố Cát).
Nước ngoài:
Chưa có dẫn liệu.
Giá trị:
Loài
đặc hữu của Việt Nam, có lá đài
rất đặc trưng (lá đài to và dạng lá). Cây cho gỗ dùng đóng đồ gia dụng, làm
guốc, làm bao bì.
Tình trạng:
Bị khai thác lấy gỗ. Do chặt phá
rừng (ở Phố Cát, Thạch Thành, Thanh Hoá) hoặc làm hồ chứa nước (ở Chợ Bờ, Hòa
Bình), hiện nay không còn tìm thấy loài này ở các địa điểm trên.
Phân hạng:
VU A1a,d, B1+2b,c,e.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt
Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (R). Không chặt phá các cây trưởng thành ở
Vườn quốc gia Ba Bể và các cây ở Chùa Hương (gần Động Hương Tích) làm nguồn gieo
giống và bảo tồn nguồn gen.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 51.