NHỌC TRÁI KHỚP LÁ THUÔN
NHỌC TRÁI KHỚP LÁ THUÔN
Enicosanthellum plagioneurum
(Diels) Ban, 1975
Polyalthia
plagioneurum
Diels, 1930
Disepalum
plagioneurum
(Diels) Johnson, 1989
Uvaria petelotii
Exell, 1932
Họ: Na Annonaceae
Bộ:
Na Annonales
Đặc điểm nhận
dạng:
Cây gỗ cao 10 -
15(25) m, đường kính có thể tới 30 cm, cành non không có lông. Lá mỏng, nhẵn,
thuôn hoặc hình bầu dục, cỡ (6)8 - 15(18) x (3)4 - 5(6) cm,
đầu lá có mũi ngắn, gốc lá hình nêm; gân bên 10 - 14 đôi, hơi rõ ở cả 2 mặt;
cuống lá dài 5 - 7 mm. Hoa rất thơm,
mọc đơn độc ở đỉnh cành; cuống hoa dài 2 - 4 cm. Lá đài hình bầu dục, có
nhiều gân cong hình cung nổi rõ. Cánh hoa màu vàng nhạt ở gốc, phía trong có
điểm tím hồng, gần đều nhau, hình thuôn, dài 3 - 4 cm, rộng1 - 1,5 cm, xếp lợp
trong nụ và xoè ra khi hoa nở. Nhị nhiều, mào trung đới hơi có lông. Lá noãn
nhiều (50 - 60), dài hơn nhị; bầu có lông; vòi rõ, lớn dần về phía đỉnh thành
núm loe rộng và nghiêng vát, hơi có lông ở đỉnh. Noãn 1 - 2, đính ở gốc
bầu. Phân quả hình trứng ngược, khi chín màu tím thẫm; cuống phân quả dài 3
- 5 cm, khi tươi thường màu đỏ thẫm, loe rộng ở đỉnh và phân đốt (có khớp); vỏ
quả rất mỏng. Hạt màu xám hơi nâu, có cánh nhỏ và phẳng viền quanh mép.
Sinh học, sinh
thái:
Mùa ra hoa tháng
4 - 5, có quả tháng 5 - 6,
tái sinh chủ yếu bằng hạt. Mọc rất rải rác trong rừng nguyên sinh nơi ẩm
hoặc ven suối, ở độ cao 500 - 1.900 m.
Phân bố:
Trong nước: Lào
Cai (Sapa), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hòa Bình (Mai Châu, Đà Bắc, Kim Bôi), Nghệ An
(Quỳ Châu), Đà Nẵng (Bà Nà), Quảng Nam, Kontum (Ngọc Gùa).
Nước ngoài: Trung
Quốc.
Giá trị:
Cây cho gỗ dùng
đóng đồ gia dụng. Loài có hình thái quả rất đặc sắc: cuống phân quả có khớp chia
đốt, khi chín phân quả rụng (gẫy) tại khớp, còn cuống phân quả vẫn tồn tại với
đế hoa ở trên cây.
Tình trạng:
Thường bị khai
thác lấy gỗ; việc chặt phá rừng (ở Hòa Bình: Đà Bắc, Kim Bôi; Nghệ An: Quỳ Châu;
Quảng Nam) làm nơi cư trú bị xâm hại.
Phân hạng:
VU A1a,c,d.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi
trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá (Hiếm R). Không chặt phá những
cây gỗ lớn đang có ở Vườn quốc gia Tam Đảo (ở độ cao 900 - 1.200 m), đưa cây con
về trồng tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc).
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 50.