Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Đảng sâm
Tên Latin: Codonopsis javanica
Họ: Hoa chuông Campanulaceae
Bộ: Hoa chuông Campanulales 
Lớp (nhóm): Cây thuốc  
       
 Hình: Phùng Mỹ Trung  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    ĐẢNG SÂM

ĐẢNG SÂM

Codonopsis javanica (Blume) Hook. f. 1855.

Campanumoea javanica Blume, 1826.

Họ: Hoa chuông Campanulaceae

Bộ: Hoa chuông Campanulales

Đặc điểm nhận dạng:

Cây thảo sống nhiều năm, thân leo, dài 2-3m, phân nhánh nhiều. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng. Rễ củ hình trụ dài, phân nhánh, nạc, màu vàng nhạt. Lá đơn, mọc đối, hình trứng hoặc hình tim, cỡ 2-5 x 2-4,5 cm, mỏng, mềm, màu xanh lá mạ, mặt dưới có lông nhung trắng, mép nguyên hoặc có răng cưa tù; cuống dài 3-7cm. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, hình chuông, màu trắng hoặc hơi vàng, họng có vân tím. Đài 5 thuỳ, hình mác nhọn, hơi dính nhau ở gốc. Tràng 5 thuỳ, hình tam giác nhọn. Nhị 5. Bầu 5 ô. Quả mọng, 5 cạnh, khi chín màu tím, mang đài tồn tại. Hạt nhiều, tròn, nhỏ, màu vàng nâu.

Sinh học và sinh thái:

Mùa hoa tháng 5-7, quả tháng 7-9 (10). Nhân giống tự nhiên từ hạt. Khả năng tái sinh từ rễ củ còn sót lại khi thu hoạch kém. Cây ưa ẩm, ưa sáng, nhưng chịu được bóng. Thường mọc ở những nơi đất tốt, nhiều mùn, trong các chỗ trống và ven các rừng thứ sinh và nương rẫy, ở độ cao 600-2000 m.

Phân bố:

Trong nước: Lai Châu (Sìn Hồ, Phong Thổ), Điện Biên (Tủa Chùa), Lào Cai (Sapa, Bát Xát, Than Uyên), Sơn La (Mộc Châu, Mường La), Yên Bái (Mù Cang Chải), Hà Giang (Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh), Cao Bằng (Trùng Khánh, Trà Lĩnh), Bắc Kạn (Bạch Thông), Thái Nguyên (Tam Đảo), Lạng Sơn (Tràng Định), Hoà Bình (Đà Bắc, Mai Châu), Ninh Bình (Cúc Phương), Thanh Hoá (Son Bá Mười), Nghệ An (Mường Lống), Quảng Nam (Trà My), Kontum (Đắk Tô, Đắk Glei: Ngọc Linh), Lâm Đồng (Đà Lạt, Lạc Dương).

Thế giới: Ấn Độ, Trung Quốc, Mianma, Lào, Thái Lan, Inđônêxia.

Giá trị:

Cây thuốc quý được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Rễ củ dùng làm thuốc bổ, chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, vàng da, ăn uống khó tiêu.

Tình trạng:

Thường xuyên bị khai thác lấy rễ củ để làm thuốc. Nạn phá rừng làm nương rẫy đã trực tiếp làm cho khu phân bố tự nhiên bị thu hẹp nhanh chóng. Trữ lượng tự nhiên bị giảm sút nhiều.

Phân hạng: VU A1a,c,d + 2c,d

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "sẽ nguy cấp" (Bậc V) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cần bảo vệ triệt để quần thể Đảng sâm mọc tự nhiên ở các Vườn quốc gia như Cúc Phương, Hoàng Liên và các Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, Bát Đại Sơn. Hạn chế khai thác và luân chuyển vùng khai thác với chu kỳ khoảng 10 năm. Phát triển nhân trồng thêm ở vùng núi cao; trồng được bằng hạt.

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 – Phần thực vật – Trang 152.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Đảng sâm

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này