TỬ CHÂU LÁ BẮC
TỬ CHÂU LÁ BẮC
Callicarpa bracteata
Dop, 1932
Họ: Cỏ roi ngựa Verbenaceae
Bộ: Hoa môi Lamiales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây bụi nhỏ. Cành non vuông, có lông
hình sao. Lá hình bầu dục - thuôn, cỡ 7 - 8 x 2 - 3 cm, chóp lá nhọn, gốc lá
thuôn hơi men xuống cuống; mép xẻ răng cưa nhỏ ở 3/4 phía trên; mặt trên gần như
nhẵn; mặt dưới có lông hình sao ít nhất trên các gân, có điểm tuyến màu vàng;
gân bên 7 - 8 đôi cong hướng lên phía mép, gân mạng không đều; cuống lá ngắn,
khoảng 3 - 5 mm, có lông hình sao. Cụm hoa hình xim ở nách lá phía đỉnh cành, cỡ
5 - 6 x 3 - 4 cm, nhiều hoa; cuống chung dài 2 - 2,5 cm. Lá bắc giống lá, hình
bầu dục - thuôn, dài 5 - 13 mm. Lá bắc nhỏ, hình dùi. Đài hình chuông dài 1 mm,
có lông ở phía ngoài, 4 thuỳ ngắn. Tràng màu tím, có ống dài 2,5 mm, nhẵn ở phía
ngoài nhưng có tuyến màu vàng, ống loe hình phễu ở phía trên, 4 thuỳ gần bằng
nhau, đỉnh tròn, dài 0,5 mm. Nhị 4, thò dài khỏi tràng; chỉ nhị dính ở phía dưới
ống tràng; bao phấn có điểm tuyến. Bầu có lông; vòi dài bằng nhị, đỉnh vòi hình
đầu. Quả hạch khi chín có màu trắng (theo Bon).
Sinh học, sinh thái:
Mùa hoa quả từ tháng 4 - 6. Cây ưa
sáng gặp ở ven đường, ven rừng, savan cây bụi, từ thấp tới 300 m. Cây tái sinh
bằng hạt.
Phân bố:
Trong nước: Mới thấy ở Hà Tĩnh (Kỳ
Anh: đèo Ngang).
Nước ngoài: Chưa biết.
Giá trị:
Loài đặc hữu hẹp và nguồn gen hiếm
của Việt Nam.
Tình trạng:
Nơi cư trú thường xuyên bị xâm hại
do hiện tượng chặt phá rừng, rất có khả năng bị tuyệt diệt.
Phân hạng:
CR B1+2a.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong
Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá
"bị đe doạ" (Bậc T). Bảo vệ loài tự nhiên. Khoanh khu rừng đèo Ngang để bảo vệ.
Điều tra thêm khu phân bố của loài.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 357.