HOÀNG LIÊN GAI
HOÀNG LIÊN GAI
Berberis julianae
Schneid., 1913
Berberis
zanlanscianensis
Pamp., 1915
Họ:
Hoàng mộc Berberidaceae
Bộ:
Mao lương Ranunculales
Đặc
điểm nhận dạng:
Cây
bụi, cao 2 - 3 m, gỗ thân và rễ có màu vàng đậm,
phân cành
nhiều, có gai chia thành 3 nhánh, mọc dưới các túm lá. Lá mọc vòng 3 - 7 cái, gần như không cuống, phiến lá cứng, thuôn,
nhọn 2 đầu, hơi bóng ở mặt trên, 3 - 9 x 1,2 - 2,5 cm,
mép lá
có răng cưa nhỏ, đều và nhọn như gai. Hoa nhiều, gồm 10 - 30 cái mọc ở giữa
các túm lá. Hoa nhỏ, có cuống dài 1 - 1,3 cm, màu vàng, mẫu 3, tổng bao 3, hình
mác rộng. Đài 6, hình trứng ngược xếp thành 2 vòng, những cái vòng trong lớn hơn
vòng ngoài. Cánh hoa 6, nhỏ hơn đài, hình trứng thuôn, đỉnh lõm, gốc có 2 tuyến
nhầy. Nhị 6, ngắn hơn cánh hoa, bao phấn hình trứng.
Bầu hình trụ, hơi phình ở giữa, noãn 1(2). Quả hình trứng thuôn, dài
0,5 cm, đầu nhuỵ tồn tại rõ, khi chín màu tím
đen, hơi có phấn trắng. Hạt 1, gần hình trụ, màu nâu nhạt.
Sinh học, sinh thái:
Mùa
hoa tháng 3 - 4
quả tháng 4 - 10.
Khối lượng 1.000 hạt: 20,12 gam, tỷ lệ nảy mầm của hạt khi gieo 38,1%, thời gian
nảy mầm từ 38 - 60 ngày. Cây con nảy mầm từ hạt trong tự nhiên quan sát được vào
tháng 4 và 5. Có khả năng tái sinh sau khi bị chặt phát. Cây ưa ẩm, chịu bóng khi còn nhỏ, sau ưa sáng,
thích nghi với vùng có khí hậu á nhiệt đới núi cao. Thường mọc rải rác ở rừng
cây bụi núi đá vôi, ở độ cao 1.500 - 2.000 m.
Phân bố:
Trong nước: Lào Cai (Sapa: núi Hàm Rồng, Ô Quí Hồ, Bát Xát: xã Trung Lèng Hồ).
Nước ngoài: Trung Quốc.
Giá
trị:
Nguồn gen quý hiếm đối với Việt Nam. Trong rễ và thân có chứa berberin (3%),
dùng làm thuốc chống nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, ỉa chảy, chữa đau mắt đỏ.
Tình trạng:
Phân bố hẹp, số lượng cá thể hiện có không nhiều,
điểm phân bố ở núi Hàm Rồng đã
bị tàn phá (còn vài cây), điểm ở Ô Quí Hồ đang bị đe doạ (gần nơi khai thác đá).
Đã từng bị khai thác thu mua, nguy cơ bị tuyệt chủng cao.
Phân hạng: EN
A1c,d, B1+2b,c,e
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "đang nguy cấp"
(Bậc
E) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm
1) của
Nghị định số 32/2006/NĐ - CP
ngày 30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích
thương mại. Bảo vệ số cá thể còn sót lại ở đỉnh núi Hàm Rồng và Ô Quí Hồ. Cây
trồng bằng hạt hoặc chiết cành, khuyến khích người dân trồng làm hàng rào vườn
và nương rẫy. Trồng bảo tồn ngoại vi (Ex - situ) ở vườn trại thuốc Sa Pa (Viện
Dược liệu).
Tài liệu dẫn:
Sách
đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 128.