Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

TRA CỨU THỰC VẬT RỪNG VIỆT NAM

(Hơn 2350 loài thuộc các họ, bộ, nhóm khác nhau)
Cập nhật 20/11/2023

 

 

Tên Việt Nam: Chu sa liên
Tên Latin: Aristolochia tuberosa
Họ: Mộc hương Aristolochiaceae
Bộ: Mộc hương Aristolochiales 
Lớp (nhóm): Cây leo thân gỗ  
       
 Hình: Internet  
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    CHU SA LIÊN

CHU SA LIÊN

Aristolochia tuberosa C.F. Liang & S.M. Hwang, 1975

Aristolochia cinnabarina C.Y.Cheng & J.L.Wu, 1987

Họ: Mộc hương Aristolochiaceae

Bộ: Mộc hương Aristolochiales  

Đặc điểm nhận dạng:

Dây leo nhỏ, sống nhiều năm. Rễ củ thành chuỗi, to, nạc. Toàn thân, lá, hoa không lông. Lá có cuống dài 7 - 14 cm, phiến lá chất màng, hình tim dạng tam giác, cỡ 12 x 14 cm; chóp lá tròn hoặc tù, gốc lá lõm hình tim, có 5 - 7 gân phát xuất từ gốc lá; gân mạng không rõ. Hoa đơn độc hoặc 2 - 3 hoa thành cụm dạng tổng trạng ở nách lá hoặc ở gốc cành nhỏ. Hoa có cuống dài khoảng 1,5 cm, có lá bắc nhỏ hình trứng. Bao hoa màu lam tím, dài 3,5 mm, phần dưới dạng ống dài 1,5 cm, gốc phình thành hình cầu, đường kính 5 mm, đỉnh phát triển thành dạng môi, môi trên hình tròn dài, cỡ 2 x 4 cm, có 5 gân, chóp tròn có mũi lồi; môi dưới cực ngắn. Bao phấn hình trứng dài 1,5 mm; cột nhuỵ có 6 thuỳ ở đỉnh. Bầu hình trụ tròn dài 1 - 1,2 cm. Quả nang hình trứng ngược, phần gốc thuôn hẹp dần xuống liền với cuống, dài đến 7cm, có 6 cạnh lồi. Hạt nhiều, hình tam giác.

Sinh học, sinh thái:

Mùa hoa tháng 3 - 4, quả tháng 4 - 7. Chồi gốc mọc hàng năm vào mùa xuân. Sau khi bị chặt hoặc cắt, phần còn lại có khả năng tái sinh. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Mọc ở ven rừng núi đá vôi, thuộc vùng núi cao nhiệt đới; độ cao khoảng 1.500 m.

Phân bố:

Trong nước: Hà Giang (Đồng Văn: Phó Bảng), Lạng Sơn.

Nước ngoài: Trung Quốc, Nhật Bản.

Giá trị:

Nguồn gen quý, rất hiếm đối với Việt Nam. Rễ củ có tác dụng giảm đau, dùng làm thuốc trị bệnh gan, phù thũng...

Tình trạng:

Phó Bảng là điểm phân bố duy nhất đã biết ở Việt Nam, với số cá thể rất ít. Nơi mọc ở chân núi gần nương rẫy, nên rất dễ bị rủi ro. Bị đe doạ tuyệt chủng cao.

Phân hạng: EN A1c,d

Biện pháp bảo vệ:

Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (Bậc R). Cần điều tra xác định lại điểm phân bố ở Phó Bảng và lân cận, để có kế hoạch bảo vệ. Thu thập về nghiên cứu trồng và bảo tồn ngoại vi (Ex situ).

 

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam 2007 - phần thực vật - trang 92.

 

 

 

Bản đồ phân bố của loài:

 

Chu sa liên

 

 

 
 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này