LÁ KHÔI THÂN NGẮN
LÁ KHÔI THÂN NGẮN
Ardisia
brevicaulis
Diels, 1900.
Họ: Đơm nem Myrsinaceae
Bộ: Anh thảo Primunales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây bụi thấp, cao 10 -
20 cm, có thân rễ bò, có lông khi còn non. Lá chất da cứng, hình dạng biến đổi
từ hình trứng, trứng ngược đến bầu dục hoặc mác, cỡ 7 - 18 x 3 - 6 cm, đầu nhọn
hoặc tù, gốc hình nêm hoặc gần tròn, mép nguyên, thường có điểm tuyến đen ở 2
mặt, đặc biệt nhiều và nổi rõ ở dọc mép, mặt dưới có lông nhỏ màu nâu; cuống dài
1 - 1,5(2) cm; gân bên (7)10 - 13(15) cm; đôi khi hợp thành gân mép không đều.
Cụm hoa hình tán đơn ở đầu cành hoặc nách lá, dài 5 - 6 cm; cuống hoa dài 1 -
1,5 cm, có lông nhỏ. Hoa mẫu 5. Lá đài hình trứng hợp ngắn ở gốc, có điểm tuyến,
có lông và lông quanh mép. Cánh hoa màu hồng, có điểm tuyến, mặt ngoài nhẵn, mặt
trong có lông nhỏ. Nhị ngắn hơn cánh hoa; bao phấn hình mác, đầu nhọn, lưng có
điểm tuyến. Bầu có điểm tuyến; vòi dài bằng cánh hoa. Quả hạch hình cầu, đường
kính 6 mm, màu hồng tươi. Hạt 1.
Sinh học, sinh thái:
Ra hoa tháng 5 - 6, có
quả tháng 10 - 12. Tái sinh bằng hạt. Mọc dưới tán rừng dày, rừng hỗn giao, nơi
đất ẩm, ở độ cao 400 - 1300 m.
Phân bố:
Trong nước:
Kontum, Lâm Đồng (Lạc Dương: Suối Vàng). -
Thế giới:
Trung Quốc (Vân Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc,
Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến), Đài Loan.
Giá trị:
Cây được dùng làm thuốc
thông kinh, bổ huyết, chữa đau xương, phong thấp, thanh nhiệt, ho, nôn mửa,
trúng độc, rắn cắn.
Tình trạng:
Loài sẽ nguy cấp, mới
gặp ở 1 số điểm của 2 tỉnh miền Trung. Do vùng phân bố hẹp, số lượng cá thể ít
dễ bị thu hái và tàn phá làm mất môi trường sinh thái và điều kiện sống.
Phân hạng:
VU A1a,c,d.
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với
cấp đánh giá “hiếm” (Bậc R). Đề nghị
bảo vệ loài trong tự nhiên. Là đối tượng bảo vệ của khu rừng cấm Langbian.
Tài liệu dẫn:
Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 288.