Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

GIỚI THIỆU VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT VIỆT NAM

 

Vườn Quốc Gia Pù Mát nằm ở 18độ 46’ vĩ độ Bắc và 104độ 24’ độ kinh Đông thuộc tỉnh Nghệ An. Vườn Quốc Gia Pù Mát nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, và Tương Dương, đường ranh giới phía Nam của Vườn Quốc Gia (VQG) chạy dọc theo đường biên giới Việt Lào. Vườn Quốc Gia Pù nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây là 1.800mm và nhiệt độ trung bình 23,5oC.
Nằm trên dải đất miền Trung, Vườn quốc gia Pù Mát có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch: diện tích rộng lớn, tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật rừng, thực vật rừng mới được khám phá trong thời gian gần đây: 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật...
Ranh giới của vườn: phía Nam có chung 61km với đường biên giới Lào.
Phía Tây giáp với xã Tam Hợp, Tam Định, Tam Quang (huyện Tương Dương).
Phía Bắc giáp với xã Lạng Khê, Châu Khê, Lục Dạ, Môn Sơn (huyện Con Cuông).
Phía Đông giáp với các xã Phúc Sơn, Hội Sơn (huyện Anh Sơn).
Diện tích
Toàn bộ diện tích VQG nằm trong địa giới hành chính của 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương tỉnh Nghệ An. Diện tích vùng lõi 94.275ha (sau hiệu chỉnh năm 1999) và vùng đệm khoảng 100.000ha nằm trên diện tích 16 xã. Huyện Tương Dương gồm 4 xã: Tam Hợp, Tam Định, Tam Quang, Tam Hoá. Huyện Con Cuông gồm 7 xã: Lạng Khê, Châu Khê, Lục Dạ, Môn Sơn, Yên Khê, Bồng Khê, Chi khê. Huyện Anh Sơn gồm 5 xã: Phúc Sơn, Hội Sơn, Tường Sơn, Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn.
Địa hình
Khu vực có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh. Các đỉnh dông phụ có độ dốc lớn, độ cao trung bình từ 800  1000m, địa hình hiểm trở. Phía Tây Nam của VQG là nơi có địa hình tương đối bằng, thấp và là nơi sinh sống trước đây cũng như hiện nay của một số cộng đồng người dân tộc. Ở đó nhiều hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp đã và đang diễn ra. Nằm trong khu vực còn có khoảng 7.057ha núi đá sỏi và phần lớn diện tích nằm ở vùng đệm của VQG, chỉ có khoảng 150ha nằm trong vùng lõi.
Đất đai, thổ nhưỡng
VQG Pù Mát nằm trên dãy Trường Sơn Bắc, quá trình kiến tạo địa chất được hình thành qua các kỷ Palezoi, Đề vôn, Các bon, Pecmi, Tri at...đến Mioxen cho tới ngày nay. Trong suốt quá trình phát triển của dãy Trường Sơn thì chu kỳ tạo núi Hecxinin, địa hình luôn bị ngoại lực tác động mạnh mẽ tạo nên 4 dạng địa mạo chủ yếu sau:
Núi cao trung bình: Nằm ngay biên giới Việt Lào với vài đỉnh cao trên 2000m. (Phulaileng cao 2711m, Rào cỏ cao 2286m), địa hình vùng này rất hiểm trở, đi lại cực kỳ khó khăn.
Kiểu núi thấp và đồi cao: Kiểu này chiếm phần lớn diện tích của miền và có độ cao từ 1000m trở xuống, cấu trúc tương đối phức tạp, được cấu tạo bởi các trầm tích, biến chất, địa hình có phần mềm mại và ít dốc hơn.
Thung lũng kiến tạo, xâm thực: Kiểu này tuy chiếm một diện tích nhỏ nhưng lại thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, độ cao thấp hơn gồm thung lũng các sông suối khe Thời, khe Choang, khe Khặng (sông Giăng) và bờ phải sông Cả.
Các khối đá vôi nhỏ: Kiểu này phân tán dạng khối, uốn nếp có quá trình karst trẻ và phân bố hữu ngạn sông Cả ở độ cao 200 - 300m. Cấu tạo phân phiến dày, màu xám đồng nhất và tinh khiết.

 

 

 

Một góc Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh: Phạm Thế Cường

 


Khí hậu thuỷ văn
VQG Pù Mát nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, do chịu ảnh hưởng của dãy Trường Sơn đến hoàn lưu khí quyển nên khí hậu ở đây có sự phân hoá và khác biệt lớn trong khu vực.
Nhiệt độ trung bình năm 23 - 240C. Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên nhiệt độ trung bình trong các tháng này xuống dưới 200C và nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất xuống dưới 180C (tháng giêng).
Ngược lại trong mùa hè, do có sự hoạt động của gió Tây nên thời tiết rất khô nóng, kéo dài tới 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7). Nhiệt độ trung bình mùa hè lên trên 250C, nóng nhất vào tháng 6 và 7, nhiệt độ trung bình là 290C. Nhiệt độ tối cao lên tới 420C ở Con Cuông và 42.70C ở Tương Dương vào tháng 4 và 5, độ ẩm trong các tháng này có nhiều ngày xuống dưới 30%.
Vùng nghiên cứu có lượng mưa ít đến trung bình, 90% lượng nước tập trung trong mùa mưa, lượng mưa lớn nhất là tháng 9, tháng 10 và thường kèm theo lũ lụt. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Các tháng 2, 3, 4 có mưa phùn do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Tháng 5, 6, 7 là những tháng nóng nhất và lượng bốc hơi cũng cao nhất.
Thuỷ văn:
Trong khu vực có hệ thống sông Cả chạy theo hướng Tây Bắc đến Đông Nam. Các di lưu phía hữu ngạn như khe Thơi, khe Choang, khe Khặng lại chạy theo hướng Tây Nam lên Đông Bắc và đổ nước vào sông Cả. Cả 3 con sông trên đều có thể dùng bè mảng đi qua một số đoạn nhất định. Riêng khe Choang và khe Khặng có thể dùng thuyền máy ngược dòng ở phía hạ lưu. Nhìn chung mạng lưới sông suối khá dày đặc, do lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa và các khu vực nên tình trạng lũ lụt và hạn hán thường xuyên xẩy ra.

Các giá trị đa dạng sinh học của VQG Pù Mát
Theo kết quả điều tra của Viện điều tra quy hoạch rừng năm 1992 thì Vườn quốc gia Pù Mát có 1.297 loài thực vật bậc cao, 64 loài thú, 137 loài chim, 25 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư.
Sau khi được thành lập, Vườn quốc gia Pù Mát được sự hỗ trợ của dự án lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên Nghệ An, cùng với sự cộng tác của 55 nhà khoa học trong và ngoài nước, 17 cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát đã tổ chức nhiều đợt điều tra, nghiên cứu thực địa ở vùng núi thấp và vùng núi cao trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2004.  Kết quả đa dạng sinh học tổng hợp như sau:
Hệ thực vật

Thành phần loài: Tổng hợp kết quả các đợt điều tra từ trước đến nay cho thấy hệ thực vật Pù Mát có số lượng loài tương đối phong phú. Bước đầu ghi nhận được Vườn quốc gia Pù Mát có 1.297 loài thuộc 607 chi và 160 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Kết quả trong bảng 1 cho ta thấy khu hệ thực vật Vườn quốc gia Pù Mát phong phú về thành phần loài, nhất là ngành Ngọc lan Magnoliophyta chiếm 92,91%. Sự phong phú này ngoài yếu tố bản địa, vị trí địa lý thuận lợi đã tạo nên sự du nhập dễ dàng của nhiều luồng thực vật từ các vùng khác nhau. Đó là luồng thực vật Hymalaya - Vân Nam - Quý Châu di cư xuống với các loài đại diện trong ngành Thông Pinophyta và các loài lá rộng rụng lá. Luồng thực vật Malaysia - Indonesia từ phía Nam đi lên với các đại diện thuộc họ Dầu Dipterocarpaceae. Luồng thực vật India - Myanmar từ phía Tây di cư sang với các đại diện thuộc họ Tử vi Lythraceae, Bàng Combretaceae. Đặc biệt, ở Vườn quốc gia Pù Mát, khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa chiếm một tỷ trọng lớn nhất. Trong số 160 họ thực vật tìm thấy có tới 40 họ có trên 10 loài. Họ Cà phê Rubiaceae phong phú hơn cả 92 loài, tiếp đến họ Thầu Dầu Euphorbiaceae 67 loài, họ Re Lauraceae 58 loài, họ Dẻ Fagaceae, họ Dâu Tằm Moraceae 42 loài, họ Cam Rutaceae, họ Lan Orchidaceae 31 loài, họ Đậu Fabaceae 30 loài… Đặc biệt có tới 22 họ chỉ có 1 chi với 1 loài duy nhất.
Tuy nhiên, vai trò lập quần thể thực vật lại thuộc về một số họ như họ Dầu Dipterocarpaceae, họ Dẻ Fagaceae, họ Re Lauraceae, họ Trâm Myrtaceae, họ Xoan Meliaceae, họ Trám Burseraceae, họ Hoàng Đàn Cupressaceae, họ Bụt Mọc Taxodiaceae, họ Hoà Thảo với loài nứa Taeniostachyum dulloa phát triển rất mạnh trên những nơi bị mất rừng.
Các loài thực vật quý hiếm đang có nguy cơ bị tiêu diệt: Trong số 1.297 loài đã được ghi nhận thì có 37 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, trong đó: 1 loài cấp E, 12 loài sắp nguy cấp V, 9 loài hiếm R, 3 loài bị đe doạ T và 12 loài biết không chính xác. Có 20 loài được liệt kê trong Danh mục Đỏ của IUCN 2002 và gồm 1 loài cấp E, 3 loài cấp V và 16 loài cấp R.
Tài nguyên thực vật: Bước đầu đã thống kê được 920 loài thực vật thuộc 7 nhóm công dụng:
+ Nhóm cây gỗ W: có 330 loài cho gỗ thuộc ngành Ngọc Lan và ngành Thông, chiếm 24,44% tổng số loài ghi nhận. Đặc biệt ở đây có nhiều loài gỗ quý như Pơmu Fokinea hodginsii, Sa mộc quế phong Cunninghamia konishiii, Giáng hương quả to Pterocarpus macrocarpus, Gụ lau Sindora tonkinensis, Lát hoa Chukrasia tabularis… Nhóm gỗ tứ thiết như Đinh Markhamia sipulata, Sến mật Madhuca pasquieridùng làm ván sàn, bệ máy, tàu thuyền. Nhiều loài cây cung cấp gỗ xây dựng, làm đồ gia dụng rất tốt như các loài trong họ Ngọc Lan, họ Xoan, họ Dẻ và đặc biệt là họ Dầu. Các nhóm công dụng khác như cung cấp vật liệu điêu khắc, làm đệm, sản xuất các văn phòng phẩm cũng có nhiều loại.
+ Nhóm cây thuốc M: Đã thống kê được 197 loài thực vật dùng làm thuốc chiếm 15,2% tổng số loài thuộc 83 họ thực vật khác. Các họ có nhiều loài cây thuốc là: Họ Cà phê Rubiaceae: 17 loài; họ Cúc Asteraceae: 13, họ Thầu dầu Euphorbiaceae: 10 loài, họ Cam Rubiaceae: 9 loài; họ Đơn Nem Myrsinaceae: 7 loài.
Tuy số lượng họ có nhiều loài lớn nhưng trữ lượng của các loài lại không cao. Một số loài có triển vọng là Chân chim Scheffera octophylla, Hà thủ ô trắng Streptocaulon juventas, Thường sơn Dichroa febrifuga, Củ mài Dioscorea persimilis, Thổ phục linh Smilax glabra, Thiên niên kiện Homamena occulta. Một số loài câu thuốc rất quý nhưng tiếc rằng hiện rất hiếm như Hoàng nàn Strychnos wallichii, Hoàng đằng Fibraurea recsa, Ba kích Morinda officinalis, Bình vôi Stephania rottunda,…
+ Nhóm cây cảnh Có 74 loài chiếm 5,4% tổng số loài trong vùng, phần lớn các loài thuộc dạng thân thảo hoặc cây bụi. Cùng với sự phát triển kinh tế là nhu cầu về cây cảnh để trang trí nội thất, đường sá, công viên ngày càng cao. Vì vậy, việc quản lý bảo vệ nguồn cây cảnh này, nhất là các loài Phong lan Orchdaceae, Cau dừa Areacaceae, Tuế Cycadaceae càng cần được quan tâm.
+ Nhóm cây làm thực phẩm F: Kết quả thống kê cho thấy, nhóm cây thực phẩm có khoảng 118 loài thuộc 57 họ, chiếm 9,1% trong tổng số loài, trong đó có nhiều loài cho quả, hạt, rau ăn rất ngon như Cà ổi Bắc Giang Castanopsis boisii, Đại hái Hodgsonia macrocarpa, Bứa Garcinia spp., Vả Ficus auricularia, Củ mài Dioscorea spp., Rau sắng Melientha suavis, Rau bò khai Erythropalum scandens, các loài măng tre nứa. Tuy thành phần loài cây thực phẩm khá phong phú nhưng hiện chúng đang phải đối mặt với áp lực khai thác quá mức của cộng đồng dân địa phương. Ngoài ra, thực vật Vườn quốc gia Pù Mát còn cung cấp nhiều nguyên liệu khác như Song mây, Lá nón, Lá cọ, Tre, Dầu nhựa… để làm hàng gia dụng và xuất khẩu.
Hệ động vật
Kết quả khảo sát, điều tra đa dạng sinh học từ năm 1998 đến năm 2004 đã thống kê được thành phần các loài động vật có tại Vườn quốc gia Pù Mát như sau: Về thú: Có 132 loài, thuộc 11 bộ và 30 họ. Trong đó có 42 loài thú lớn, 39 loài dơi và 51 loài thú nhỏ. Theo danh lục IUCN (2007) tổng số có 93 loài. Như vậy Pù Mát bao gồm 12 loài Thú ở mức VU ( Sẽ nguy cấp), 4 loài ở mức EN (Nguy cấp), 1 loài ở mức CR(Rất nguy cấp), 7 loài ở mức NT (Sắp bị đe doạ),5 loài ở mức DD (Thiếu dẫn liệu), 64 loài ở mức LC (ít lo ngại)

 

 

 

Hổ châu Á Pathera tirgis - Ảnh: Phùng mỹ Trung

 


Điều đặc biệt quan trọng đối với khu hệ động vật Vườn quốc gia Pù Mát là tính đa dạng các yếu tố đặc hữu cao. Trong số đó có những loài đặc trưng như Sao la Pseudoryx nghetinhensis, Mang lớn Megamuntiacus vuquangensis, Mang trường sơn Muntiacus truongsonensis, Chà vá chân nâu Pygatherix nemaeus, Vượn má vàng Hylobates leucogenys, Voọc xám Trachypithecus phayrei Thỏ vằn Nesolagus temminsii, Cầy vằn Chrotogale owstoni, Trĩ sao Rheinardia ocellate, Khướu mỏ dài Jaboulleia danjoui. Như vậy về lĩnh vực bảo tồn loài, Pù Mát chẳng những là một khu tầm cỡ quốc gia mà còn có giá trị cho cả Lào và Đông Dương.

Đặc biệt quan trọng là quần thể của một số loài chim, thú lớn thực sự có nguy cơ bị tiêu diệt ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn khả năng bảo tồn phát triển trong quá trình quản lý và bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát. Đó là Voi Elephas maximus, Hổ Panthera tigris, Sao la Pseudoyx nghetinhensis, Bò tót Bos gaurus
Về Chim: Có 361 loài thuộc 49 họ và 14 bộ bao gồm cả chim bản địa và chim di cư. Tiêu biểu có các loài Trĩ sao Rheinartia ocellata, Công Pavo muticus, Gà lôi trắng Lophura nycthemera, Gà tiền Lophura sp.... Hai quần thể Trĩ sao và Hồng hoàng, Niệc cổ hung được xem có tầm quan trong cao mang tính quốc tế, và các quần thể của các loài khác như Diều cá bé cũng có thể có tầm quan trong bảo tồn quốc gia.
Về Lưỡng cư và bò sát: Tổng cộng có 86 loài. Cụ thể có: 33 loài Lưỡng cư và 53 loài Bò sát (trong đó có 16 loài Rùa, 12 loài Tắc kè Gekko gecko, Kỳ đà Varanus nebulosus25 loài rắn). Lưỡng cư có 23 loài nằm trong danh lục IUCN 2007

Các dự án có liên quan:  Dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Pù Mát đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2002.

Dự án FSNC đang được tiến hành nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn với sự tài trợ của Uỷ ban châu Ẩu, với tổng số tiền là 18,700 Euro (thực hiện từ 5/1997).

Ngoài việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương vùng đệm, Vườn quốc gia Pù Mát còn có những hoạt động nhằm khuyến khích khách tham quan du lịch nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên khi đến với Vườn, gắn các hoạt động tham quan với hoạt động bảo vệ môi trường. Trung tâm Giáo dục môi trường của Vườn là nơi cung cấp cho du khách nhiều thông tin về Vườn, đồng thời cũng trưng bày nhiều hiện vật, ấn phẩm, hình ảnh có ý nghĩa tích cực trong việc khuyến khích du khách tôn trọng và bảo vệ môi trường.

Nguồn: Vườn quốc gia Pù Mát Việt Nam

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này