Trang chủ | Tổng quan | Mẫu gỗ | Vườn quốc gia | English

Từ điển Latin-Việt

TỰ NHIÊN BÍ ẨN

THÔNG TIN MỚI

CU LI, KẺ NGỦ NGÀY KHÔNG BAO GIỜ BIẾT CHÁN

Phùng Nguyễn Trí Lâm, Phùng Mỹ Trung, Nguyễn Thanh Bình – Sinh vật rừng Việt Nam.

 

Rừng mưa nhiệt đới ở Việt Nam là nơi sinh tồn của hàng nhiều triệu loài sinh vật. Mỗi loài có đặc tính, sinh thái và có nguồn thức ăn, cách săn mồi và lẩn tránh kẻ thù khác nhau. Nơi đây cuộc đấu tranh sinh tồn không chút khoan nhượng giữa các loài luôn hiện hữu và nhờ tính cạnh tranh mạnh mẽ của các loài đã giúp cho việc chọn lọc tự nhiên tốt hơn để sống sót và duy trì nòi giống. Nơi thiên nhiên hoang dã, sức mạnh luôn thuộc về những kẻ khôn ngoan, lanh lợi và khoẻ mạnh. Phải trải qua hàng triệu năm, mỗi loài đã tự trang bị cho mình một thứ vũ khí riêng biệt, đặc trưng mà loài khác không có được. Vũ khí này chính là công cụ hữu hiệu nhất giúp chúng tồn tại - Cu li loài thú ăn đêm, một trong những loài chậm chạp nhất trong các loài thú cũng đã trang bị cho mình đôi mắt tinh tường nhìn thâu suốt trong đêm tối mù mịt của rừng sâu.

Ở Việt nam có 3 loài thuộc 2 giống Nycticebus sp. Xanthonycticebus sp. gồm Cu li lớn Nycticebus bengalensis, Cu li nhỡ Xanthonycticebus intermedius và Cu li nhỏ Xanthonycticebus pygmaeus. Gồm những loài linh trưởng nguyên thuỷ nhỏ. Đầu tròn, mõm dài, chi năm ngón ngón cái có vuốt thích nghi với đời sống trên cây, khả năng cầm nắm tốt. Não phát triển, thủy khứu giác bé, mắt to, một đôi vú ngực, thường đẻ 1 con. Nơi sống chủ yếu của những loài này là rừng thường xanh nguyên sinh hoặc thứ sinh. Loài thú ăn đêm. Thức ăn chủ yếu là các loài côn trùng, bọ cánh cứng….

 

ĐÔI MẮT "TINH TƯỜNG" TRONG ĐÊM TỐI

Hai loài Cu li ở Việt Nam là loài thú nhút nhát, đời sống ở trên cây, săn mồi ban đêm. Chúng có đôi mắt to giúp nhìn rất tốt trong điều kiện ánh sáng yếu về đêm. Việc di chuyển thừ cây này qua cây khác để tìm kiếm thức ăn trong rừng rậm, trời tối đen là một công việc rất khó khăn và phụ thuộc rất nhiều vào bản năng và đôi mắt tinh tường để săn mồi, lẩn tránh kẻ thù tự nhiên. Vì đôi mắt của loài cu li rất to, có độ mở lớn giúp chúng cảm nhận được nhiều ánh. Chỉ cần một chút ánh sáng ban đêm được phát ra từ các loài sâu phát sáng hay đom đóm cũng đủ đễ đôi mắt của chúng khuếch đại được ánh sáng đó rõ nét và nhìn xuyên trong đêm tối. Với khả năng thiên bẩm này họ hàng nhà Cu li có thể leo trèo cây dễ dàng trong đêm tối. và con người bắt chước đôi mắt của chúng để chế tạo ra các thiết bị quang học nhìn đêm bằng cách khuyếch đại ánh sáng nhỏ nhất trong đêm để phát hiện kẻ địch. Và các loại ống kính máy ảnh có độ mở lớn, nhạy sáng rất cao.

 

ĐÔI MẮT "LOẠN THỊ" BAN NGÀY

Hầu hết các loài động vật săn mồi đêm đều có tập tính ngủ ngày nhằm tiêu hoá thức ăn và phục hồi sức lực để tiếp tục hành trình kiếm sống ban đêm. Vì sao loài Cu li sợ ánh sáng ban ngày vì sao chúng lại che mặt ? Theo quan niệm của dân gian loài cu li không dám ngẩng lên nhìn ban ngày vì chúng là loài nhút nhát và sợ hãi vì “Mắc cỡ” nên chúng được gọi là con “Cù lần”, hay con thú “Mắc cỡ”. Dưới góc nhìn của khoa học thì loài cu li đôi mắt to “quá khổ” và độ mở lớn rất có ích trong đêm tối nhưng ngược lại ban ngày lại là một “cực hình” đối với họ hàng nhà cu li. Độ mở lớn làm cho ánh sáng lọt quá nhiều vào mắt và nếu cương độ ánh sáng quá mạnh sẽ làm cho mắt của chúng trở nên mù loà với ánh sáng trắng khiến chúng không nhìn được các vật thể tốt. Nhằm bảo vệ đôi mắt cách tốt nhất là hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt. Loài cu li thường dấu mắt vào phần trong cơ thể bằng cách cuộn tròn và tìm những nơi tối, có ít ánh sáng để ngủ ngày. Sau một đêm săn mồi, tìm kiếm thức ăn, tìm kiếm bạn tình trong mùa giao phối mệt nhoài và hầu hết các ống nhòm ban đêm dùng bằng công nghệ khuyếch đại ánh sáng đều được cảnh báo là không nên mở ban ngày nhìn trực tiếp vào ánh sáng mặt trời vì sẽ bị hư hỏng.

 

LOÀI THÚ CÓ ĐỘC TỐ NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI

Các bằng chứng sau khi nghiên cứu cho thấy, Cu li là loài có nọc độc. Thành phần hóa học của chất độc được các nghiên cứu quốc tế ghi nhận giống với nọc độc của Rắn hổ mang thường Naja naja và nọc độc được hình thành, tích tụ trong cơ thể được cấu thành bởi các thành phần chứa trong thức ăn của chúng gồm nhựa câycôn trùng. Các ghi nhận cũng chỉ ra rằng thành phần độc tố không tồn tại trong cơ thể Cu li trong môi trường nuôi nhốt khoảng 3 tháng khi sử dụng thức ăn do con người cung cấp là trái cây.
Chất độc của Cu li ngoài tác dụng bảo vệ chúng khỏi ký sinh trùng, còn dùng để phòng vệ chống lại kẻ thù. Phần độc này nằm ở phần trong của cánh tay trước, được tiết ra cùng mồ hôi. Khi Cu li tấn công kẻ thù tự nhiên, chúng liếm chất độc sẽ theo tuyến nước bọt, nếu bị loài này cắn, con mồi cảm thấy đau đớn toàn thân. Chất độc có thể gây phù nề, nôn mửa, mất vài tuần để chữa lành ở ngườicó thể trạng tốt và vết cắn để lại sẹo. Trong những trường hợp cực đoan, đối với một số người mẫn cảm với nọc độc này, vết cắn có thể bị sốc phản vệ, đôi khi dẫn đến cái chết.

 

Cu li là những loài thú quý và cổ trong bộ linh trưởng Primates. Chúng có vị trí đặc biệt trong nghiên cứu tiến hóa và thích nghi với đời sống trên cây. Mặt khác dễ nuôi, rất hấp dẫn trong các vườn thú nên có thể nuôi nhân giống trong các vườn thú. Hiện nay loài Cu li đang bị đe doạ tuyệt chủng đặc biệt là loài Cu li lớn Nycticebus bengalensis vì chúng bị con người săn bắn để làm thuốc. Mặc dù cả hai loài này được đưa vào sách đỏ Việt Nam nhưng rất cần ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn loài thú quí hiếm, nhút nhát và dễ thương này trong thiên nhiên hoang dã Việt Nam.

 

NHẬN DẠNG KẺ NGỦ NGÀY, THỨC ĐÊM

1.  Cu li lớn Nycticebus bengalensis

Cỡ nhỏ. Đầu tròn. Mắt trố to. Lông mềm mại, màu nâu vàng đỏ, dọc sống lưng màu xám tro không liên tục. Ngực xám tro. Bụng vàng đỏ nhạt. Hông và chân sau đỏ hoe. Cu li lớn kiếm ăn ở trên cây, thức ăn chủ yếu là quả cây, lá nõn cây, côn trùng, trứng chim và chim non trong tổ. Mùa sinh sản thường từ tháng 10 đến tháng 12. Mỗi lứa đẻ 1 - 2 con. Tuổi thọ: 12 - 14 năm.

Cu li lớn sống trong tất cả các sinh cảnh rừng, kể cả rừng tre nứa, đồi cây bụi. Sống đơn độc hoặc nhóm 3 - 4 cá thể gồm bố mẹ và con. Hoạt động ban đêm, ban ngày ngủ trên cây cuộn tròn cúi mặt vào trong lòng. Thú quý và cổ trong bộ linh trưởng, có vị trí đặc biệt trong nghiên cứu tiến hóa và thích nghi với đời sống trên cây. Mặt khác dễ nuôi, rất hấp dẫn trong các vườn thú nên có thể nuôi nhân giống để bảo tồn.

 

 

 
Cu li lớn Nycticebus bengalensis Ảnh: Nguyễn Vũ Khôi
 

2. Cu li nhỡ Xanthonycticebus intermedius

Cỡ nhỏ hơn cu li lớn. Lông mềm mại màu hung nâu xen kẽ ít lông trắng bạc. Dọc sống mũi có vết trắng. Dọc sống lưng có vết hoe đỏ thẩm. Bụng trắng vàng ánh bạc. Đời sống trên cây. Thức ăn là quả, lá nõn cây, côn trùng, trứng chim, chim non trong tổ. Mùa sinh sản vào tháng 10 - 12.

Sống trong nhiều sinh cảnh rừng khác nhau. Hoạt động kiếm ăn ban đêm ở rừng thưa quang thoáng, trên các gốc cây, bụi rậm ven rừng, trên nương rẫy. Sống đơn độc, lặng lẽ, hoặc thành nhóm 3 - 4 con, di chuyển nhẹ nhàng chậm chạp chuyền từ cành này sang cành khác. Ban ngày cuộn tròn mình lại ngủ trong lùm cây.

 

 

 
Cu li nhỏ Xanthonycticebus intermedius - Ảnh Lê Khắc Quyết
 

3. Cu li nhỏ Xanthonycticebus pygmaeus

Cỡ nhỏ hơn cu li lớn. Lông mềm mại màu hung nâu xen kẽ ít lông trắng bạc. Dọc sống mũi có vết trắng. Dọc sống lưng có vết hoe đỏ thẩm. Bụng trắng vàng ánh bạc. Đời sống trên cây. Thức ăn là quả, lá nõn cây, côn trùng, trứng chim, chim non trong tổ. Mùa sinh sản vào tháng 10 - 12.

Sống trong nhiều sinh cảnh rừng khác nhau. Hoạt động kiếm ăn ban đêm ở rừng thưa quang thoáng, trên các gốc cây, bụi rậm ven rừng, trên nương rẫy. Sống đơn độc, lặng lẽ, hoặc thành nhóm 3 - 4 con, di chuyển nhẹ nhàng chậm chạp chuyền từ cành này sang cành khác. Ban ngày cuộn tròn mình lại ngủ trong lùm cây.

 

 

 
Cu li nhỏ Xanthonycticebus pygmaeus - Ảnh Phùng Nguyễn Trí Lâm
 

 

 


Giới thiệu | Tra cứu | Danh pháp | Diễn đàn | Liên hệ | Văn Bản | Trợ giúp | SVR Mobile

Mọi chi tiết xin liên hệ Admin website Sinh vật rừng Việt Nam
© Ghi rõ nguồn '
Sinh vật rừng Việt Nam' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này