Xem bài viết chưa trả lời | Xem chủ đề đang hoạt động Hôm nay, Thứ 6 Tháng 11 22, 2024 3:07 am



Gửi bài trả lời  [ 2 bài viết ] 
 Canh lửa rừng U Minh hạ! 
Người gửi Nội dung

Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 2 28, 2005 9:45 am
Bài viết: 67
Đến từ: Rừng xanh
Gửi bài Canh lửa rừng U Minh hạ!
Tôi trở lại Vồ Dơi đúng vào thời điểm báo động cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm đối với toàn bộ trên 55.000 ha rừng tràm Cà Mau. Các đơn vị giữ rừng bao gồm kiểm lâm và dân quân phối hợp với lực lượng biên phòng quân sự được lệnh túc trực 24/24 giờ, tuyệt đối không được lơ là, khống chế tối đa khả năng cháy rừng. Cũng lúc này, Trung tâm khí tượng thủy văn Cà Mau cho hay là trong 10 ngày tới, trời tiếp tục không có mưa…

Đội nắng nóng đến rát mặt, anh Nguyễn Thanh Liêm, Hạt Phó Hạt kiểm lâm Vồ Dơi cùng tôi đi vào Trạm trung tâm phòng chống cháy rừng (PCCR). Qua hơn cây số vùng đệm là đến khu vực rừng đặc dụng. Tràm năm nay cao hơn một chút, nét nguyên sinh hiện rõ bởi sự chằng chịt của lớp lớp dây leo và lớp thực bì dày dặn dưới chân rừng. Anh Liêm chỉ rõ “Lớp thực bì đã khô hết, khô cả lớp than bùn. Mực nước đã rút khỏi chân rừng hơn 1 m. Giờ chỉ cần một tàn thuốc thôi là phát hỏa ngay.” Lội bộ vào một cánh rừng rậm rịch, chúng tôi lại chứng kiến các loại lá và dây leo dưới chân rừng nát mịn, nổ lốp bốp theo từng bước chân. Phía trên, choại, dớn-loại dây leo ôm thân tràm cũng khô khốc màu cau khô, làm cho mỗi thân tràm như được người ta quấn vào một bó đuốc. Căng thẳng hiện rõ trên nét mặt Hạt Phó Hạt kiểm lâm. “Mấy rày, gió lại nổi lên nhiều hơn, anh em ai cũng như ngồi trên lửa. Hôm qua, mấy anh em ở các chốt trực tăng giờ trực cao điểm thêm một tiếng. Đồng thời tăng thêm số lần luồn rừng kiểm tra ở tất cả các trạm chốt trên toàn lâm phần”. Anh Liêm nói.

Hình ảnh
Mỗi cây tràm như bị buộc vào một cây đuốc, sẵn sàng thiêu rụi mình trong lửa. Ảnh: T. VŨ

Chợt có tiếng sột soạt trong bụi rậm, chú khỉ phóng biến vào sâu trong rừng. Có lẽ trời quá nắng, chúng trốn, chứ trời mát mẻ, chúng ra tận ngoài đường lộ để kiếm ăn và nghịch với người dân. Anh Liêm cho biết: “Động thực vật ở đây đã phục hồi nhiều lắm rồi. Mấy chuyến đi luồn rừng, anh em gặp hoài, nào nai, heo, chồn, các loại chim chóc… Hai tháng trước, tụi tôi bắt được một con rái lông mũi-loại động vật quý hiếm sắp tuyệt chủng trên thế giới. Rồi cách đây một tháng, một bầy sếu đầu đỏ cũng về kiếm ăn ở đây… Mừng lắm!”.

Trạm trung tâm canh “bà hỏa” nằm ngay giữa rừng, trên giao điểm của hai đường chéo tứ giác rừng đặc dụng Vồ Dơi. Đây là trạm gác chính. Đứng trên vọng gác có thể quan sát toàn bộ khu rừng. Khi chúng tôi đến, anh Nguyễn Quốc Khải, Đội phó đội cơ động phòng chống cháy vừa từ thang xuống đất, giao ca trực lại cho anh Quốc. Anh Khải nhân ra tôi ngay và tôi cũng vậy. Thật ra thì không phải trí nhớ tôi giỏi, mà vì thần thái và bộ dạng của anh cứ y chang mùa chống cháy rừng năm trước. Mái tóc dài thườn thượt, quắn quéo, mặt nám sậm, ánh mắt đượm chút mệt mỏi vì tù túng hơn là sự cực nhọc. “Quá cỡ mùa hạn này. Tụi tôi thực sự đừ với nó rồi đây” – anh trút một hơi thay cho câu chào.

Nhà nghỉ của các anh em đội cơ động năm nay được làm mới, tươm tất hơn. “Chưa hết đâu, tình hình thời tiết này, tụi anh còn mệt dài dài. Anh thì quá quen, mười mùa chống cháy rồi còn gì, chỉ thương cho mấy anh em tuổi còn trẻ, nhất là mới cưới vợ đó nghen: buồn, chán chết được!”. Uống mấy hớp nước, anh tiếp: “Nhà tôi cách đây hơn 3km, nhưng hơn nửa tháng chưa về. Nhớ vợ con thấy mồ. Còn đỡ hơn thằng Quốc, đang trực đó, mới cưới vợ hồi tháng 11 rồi để vợ ở nhà, đi vô giữ rừng đến bây giờ.

- Nghiêm khắc đến vậy à?– tôi hỏi. Anh Liêm-Hạt Phó Hạt kiểm lâm gật đầu:

- Đó là nguyên tắc rồi! Từ sau đợt cháy rừng khủng khiếp năm 1995, cả trăm ngàn ha bị thiêu rụi, thì tất cả mọi người ở cánh rừng tràm Cà Mau mình đều phải tuân theo cái nguyên tắc chặt chẽ ấy. Đừng nói là tụi tôi, cả những người dân sống trên lâm phần cũng vậy. Đến mùa này thì gác hết mọi việc lại, lo chuyện rừng thôi. Ai tham gia trực tiếp phải vào rừng. Số bà con còn lại không đi làm ăn xa, để khi có bất trắc thì nhào vô. Ai không tuân nguyên tắc đó thì sớm, muộn cũng phải rời khỏi rừng…

Hơn 18 giờ, phía dưới mé kinh, tiếng máy bơm nước nổ giòn giã đánh tan cái bộ mặt rầu lo của rừng. Bữa cơm chiều với củ cải muối trộn hột vịt chiên. Công việc giữ rừng vẫn tiếp tục. Đến lượt anh Dũng, cán bộ kiểm lâm lên thang trông. Rừng đêm mùa này có khác, không có tiếng côn trùng. Có lẽ chúng đã rút xuống tận lớp đáy than bùn để trú hạn. Xa xa, một vài tiếng kêu của thú rừng nghe lạc lõng, chơi vơi… Vừa đi tôi vừa nghĩ, rừng tràm Cà Mau là tài sản vô giá của quốc gia, không thể tính được bằng tiền. Vì tầm quan trọng đó, mỗi năm phải tốn hàng tỉ đồng cho công tác PCCR và hàng ngàn người phải hy sinh chuyện riêng tư để chỉ “canh bà hỏa”. Như hiện nay, chỉ tính lực lượng thường trực tại rừng đã lên đến 1.200 người, còn lực lượng dự bị 4.200 người. Tại khu rừng đặc dụng Vồ Dơi hơn 3.600 ha này, đã tốn 1 tỉ đồng chi phí PCCR. Số người thường trực 24/24 lên đến 120 người và 180 hộ dân (còn nghèo) phải bỏ việc riêng, trong tư thế sẵn sàng tiếp ứng…

Tôi trở lại thang trông, trèo lên vọng gác. Từng nấc thang đã nhẵn dấu chân người, lớp sơn chống ô xi hóa đã tróc từ lâu. Thang cao 15m, kết cấu cũng lượm thượm và thô hơn. Được cái là vững chắc hơn bởi những thỏi sắt dày và già. Trên vọng gác bây giờ là anh Khải, mắt dõi xa về một góc rừng đầy ánh trăng rằm. Chỉ tay vào một đốm da beo nhỏ tí, xa xa, anh bảo: “Cái lõm đó cháy hồi năm 2002, nay sắp phục hồi rồi. Ngày nào lên đây tôi cũng thấy nó trước khi quan sát. Đám rừng đó lớn lên nhanh thật, nó thua “chị em” cả chục tuổi mà đã sắp đuổi kịp rồi”.

Ngưng một chút, anh Khải nói: “Cây con thì lớn nhanh, cũng như tuổi trẻ thì hiếu động vậy. Để ý xem, tụi nhỏ bây giờ nó khôn hơn anh em mình hồi trước gấp mấy lần”. Nhưng cũng có cái chưa từng thay đổi. Chẳng hạn chuyện giữ rừng. Mười năm rồi, anh vẫn lên thang trông hàng ngày vào mùa hạn, quan sát tứ phương bát hướng để trông một điều mà không mong nó đến!”. Anh Khải cười hiền: “Cái này thì đúng đấy. Mười năm nay, chỉ có vài thay đổi nhỏ như trang bị phương tiện phòng chống cháy hiện đại hơn, quy định canh phòng nghiêm ngặt hơn, còn phương cách thì đúng là bất di bất dịch”.

Chúng tôi thử nghĩ ra một số phương pháp giữ rừng hiện đại: Dùng camera quan sát kiểu như mấy ông cảnh sát giao thông thành phố HCM; dựng một hàng rào thép bao lấy toàn bộ cánh rừng; cũng có thể làm mưa nhân tạo để giữ nước cho rừng quanh năm… Những giả thuyết này khi phân tích kỹ đều có chỗ hở. Anh Khải nửa đùa nửa thật: “Mấy tay ăn ong sẽ lấy sình trét vào con mắt camera. Hàng rào thép thì không ngăn được cái tàn thuốc của kẻ xấu cố tình quăng vào. Còn mưa nhân tạo thì mình chưa với tới”. Cuối cùng, chúng tôi đồng ý với nhau là làm bờ bao kiên cố cùng một hệ thống thủy lợi đảm bảo nước cho chân rừng quanh năm. Vì chỉ có chân rừng ngập nước thì mới giảm thiểu khả năng cháy. Phương pháp này, cũng là trăn trở của anh Liêm-Hạt Phó Hạt kiểm lâm Vồ Dơi. Theo anh Liêm thì thật ra rừng không bị bốc hơi nước nhanh như thế, mà vì đê bao không giữ được nước. Một số khu rừng bên Kiên Giang người ta làm bờ bao kiên cố giữ nước. Kế đó là một hệ thống thủy lợi lớn, đủ sức cung cấp một lượng nước làm ẩm chân rừng suốt 6 tháng mùa khô. Làm như thế kinh phí lớn, nhưng về lâu dài sẽ lợi hơn so với cách PCCR hiện nay. Hơn thế là mình giải tỏa được cái nghèo cho hàng ngàn người dân sống trên lâm phần các lâm ngư trường rừng tràm. Để bà con còn có đường vươn lên làm giàu nữa chứ. Mang tiếng rừng vàng, mà người sống ở rừng vẫn nghèo mãi coi sao được!?

Trăng lúc này đã lên đến đỉnh đầu. Trời lạnh đến run người. Anh Khải bảo: “Bà hỏa đã tạm thua mình thêm một ngày. Thôi, vào nghỉ ngơi, mai canh tiếp!”

TRẦN VŨ


Thứ 4 Tháng 4 06, 2005 8:55 am
Xem thông tin cá nhân

Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 9 04, 2010 8:59 pm
Bài viết: 13
Gửi bài 
Cảm ơn bài viết , rất hay và ý nghĩa

vietnam vacations tourmoto gp race tickets


Thứ 6 Tháng 9 17, 2010 10:52 am
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây:  Sắp xếp theo  
Gửi bài trả lời   [ 2 bài viết ] 

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này.
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này.
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này.
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này.

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:  
cron
Diễn đàn Sinh Vật Rừng Việt Nam © 2010